Cân nhắc liều lượng chính sách tốt nhất cho Thủ đô

Sau khi tiếp thu ý kiến lần đầu của đại biểu Quốc hội và mới đây là tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung, nhưng vẫn còn một số vấn đề khiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia bày tỏ băn khoăn. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, tháng 6 tới, trong khuôn khổ phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật này sẽ tiếp tục được cơ quan thường trực của Quốc hội cho ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Luật Thủ đô sửa đổi được trông đợi tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
Luật Thủ đô sửa đổi được trông đợi tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

"Cả nước vì Thủ đô"

Theo quy định tại Điều 2, Luật Thủ đô hiện hành, thành phố Hà Nội là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước".

Tuy nhiên, theo TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hầu như chưa quy định gì nhiều về vai trò, trách nhiệm vật chất và tinh thần của Nhà nước, của các cơ quan Trung ương trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Điểm a, khoản 3, Điều 18 của dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc di dời các cơ quan, doanh nghiệp của Trung ương ở nội đô ra bên ngoài, nhưng cũng mới chỉ quy định một chiều là chuyển đi, mà chưa quy định về sắp xếp địa điểm, đất đai cho di chuyển đến. Ở chiều ngược lại, dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của Thủ đô đối với các cơ quan Trung ương tọa lạc trên địa bàn Hà Nội. "Thủ đô là trái tim của cả nước, nhưng dự thảo Luật chưa thể hiện cụ thể trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Thủ đô của các địa phương", TS Bùi Ngọc Thanh nhận xét.

Cũng do đặc thù quan trọng nhất của Thủ đô là nơi đứng chân của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương nên cũng là hợp lý khi có ý kiến đặt vấn đề các cơ quan này cũng nên thể hiện trách nhiệm một phần đối với những gì đã tiêu dùng, đã sử dụng trên đất Hà Nội. Một tỷ lệ ngân sách nhà nước nhất định có thể được trích (trong một khoảng thời gian hợp lý) cho Thủ đô để đầu tư xây dựng, phát triển. Đây là một cách thức thiết thực cụ thể hóa tinh thần "Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô".

Cơ chế đặc thù nào là hợp lý?

Trong khi hoàn toàn tán thành nguyên tắc "cả nước vì Hà Nội", thì câu hỏi mức độ nào là hợp lý cũng rất cần đặt ra (ngay trong dự thảo Luật cũng đã nêu vấn đề "cơ chế đặc thù có kiểm soát").

Việc tồn tại những quy định khác biệt với các luật khác trong dự thảo Luật Thủ đô là tất yếu, song có một số nội dung đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn để thực hiện trong điều kiện ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương đều còn eo hẹp. Địa giới hành chính Hà Nội rất rộng lớn. Hơn thế, ngoài trung tâm - nội đô, "thành phố thuộc thành phố", Hà Nội còn cả các huyện nông thôn, thậm chí miền núi (ở phía bắc và phía tây). Từ đó có thể thấy, cơ chế quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đối với từng khu vực của Thủ đô không thể quy định chung, mà phải có sự phân biệt.

Chẳng hạn, tiêu chí "Xây dựng Hà Nội thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri về phẩm giá con người Việt Nam" (khoản 1, Điều 21 của dự thảo Luật) rất lý tưởng, nhưng nếu áp dụng cho toàn bộ vùng nông thôn, miền núi phía bắc và phía tây của Thủ đô cũng sẽ khó khả thi trong một thời gian ngắn. Tất nhiên, Luật không thể nêu quá chi tiết về công tác quản lý, điều hành, nhưng phải tạo lập được căn cứ pháp lý vững chắc cho các giải pháp đó. Chính vì thế, có ý kiến đề xuất, nên chăng, chỉ quy định như Điều 3 của Hiến pháp năm 1946: "Thủ đô đặt ở Hà Nội", hàm ý Thủ đô là một thành phố đặc biệt trong lòng Hà Nội. Điều này cũng tạo cơ sở cho việc thực hiện các cơ chế đặc thù có kiểm soát.

Một vấn đề quan trọng khác là việc phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Phát biểu về vấn đề này tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên".

Đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra khi thiết kế Luật Thủ đô, song thực hiện phân quyền, ủy quyền cho cấp dưới, không chỉ áp dụng cho riêng Hà Nội mà là xu thế đang được thực hiện ở các địa phương nói chung, được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và một số văn bản pháp luật khác.

Trong khi thực hiện phân cấp, ủy quyền trong nhiều lĩnh vực, thì một nguyên tắc quan trọng cần được quán triệt là các vấn đề quốc phòng, an ninh, vấn đề ngoại giao nhà nước... phải do Trung ương quản lý, thực hiện thống nhất. Đây là vấn đề quan trọng cần được lưu ý trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc làm có độ khó, độ phức tạp rất cao, bởi lẽ Luật Thủ đô bao quát hầu hết các lĩnh vực quản trị địa phương (trừ pháp luật hình sự). Rút kinh nghiệm từ những "cơ chế đặc thù" dù đã có, nhưng chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả trong Luật Thủ đô hiện hành, các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm tra cần phối hợp nghiên cứu, tính toán "liều lượng" chính sách đúng theo tinh thần "có kiểm soát" để bảo đảm khung khổ pháp luật tốt nhất, khả thi nhất cho Thủ đô của cả nước.