Phác thảo chương trình
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao va Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chương trình nêu rõ bảy mục tiêu tổng quát, chín nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và chín nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035.
Trong đó, đến năm 2030, hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa; 100% số đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa, 80% số đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa-thể thao đạt chuẩn. Có ít nhất 95% số di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% số di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo… Hằng năm, có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam. Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%.
Đáng lưu ý, đề xuất xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia theo tờ trình là một nội dung hoàn toàn mới, chưa có trong Luật Đầu tư công. Tuy đồng ý về nguyên tắc với đề xuất này, song Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị lý giải chặt chẽ hơn, cụ thể hóa những tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng vào Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện các cơ quan Chính phủ chia sẻ nhận định này. Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án này theo các quy định có liên quan của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, do rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, Chính phủ cần làm rõ căn cứ để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Phát biểu làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải thích, hiện Chính phủ mới trình Quốc hội thông qua chủ trương về Chương trình này. Sau khi Quốc hội thông qua, Bộ sẽ tiến hành hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng báo cáo đầu tư cụ thể, lúc đó mới rõ hình hài các dự án thành phần làm những gì, ở đâu, dự toán hết bao nhiêu vốn, lộ trình như thế nào…
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xác nhận, tại thời điểm hiện nay, chưa đủ cơ sở để thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Dùng văn hóa “nuôi” văn hóa
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quả quyết: Chắc chắn nguồn vốn cần có là không nhỏ, nhưng nếu biết làm thì không sợ thiếu vốn. Thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ông Nguyễn Khắc Định tin tưởng: Có thể huy động nhiều nguồn lực cho phát triển văn hóa và mục tiêu đưa tỷ lệ đóng góp của công nghiệp văn hóa lên đến 8% GDP là khả thi.
Trên thực tế, công nghiệp văn hóa, một ngành kinh tế không lệ thuộc tài nguyên, đã và đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), doanh thu toàn cầu hằng năm của các ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 2.250 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 250 tỷ USD. Lĩnh vực này cũng cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới và tuyển dụng số lượng lao động trong độ tuổi 15 - 29 nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.
Không chỉ giúp quảng bá, khẳng định thương hiệu quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế, công nghiệp văn hóa còn là yếu tố quan trọng hình thành nền kinh tế bền vững. Nhắc đến Hàn Quốc, không thể không nhắc đến “Hallyu” - làn sóng Hàn Quốc, thuật ngữ xuất hiện từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi các bộ phim và truyền hình âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc rồi dần lan tỏa khắp thế giới. Doanh thu từ công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đạt khoảng 120 tỷ USD/năm, trong đó, xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị...
Tất nhiên thành công của Hàn Quốc (và một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…) đến từ chiến lược xây dựng công nghiệp văn hóa cũng như xuất khẩu văn hóa. Mỗi đất nước có cách khai thác và con đường riêng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình.
Với Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, lại phải bố trí cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, trước mắt, cần thiết kế lại hệ thống các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn từ năm 2026 trở đi. Cũng cần lựa chọn kỹ, không đưa vào Chương trình này các nhiệm vụ thường xuyên, mà chỉ lọc ra những dự án trọng điểm, đột phá, khó hoặc không thể thực hiện được theo cách thức thông thường.
1. Năm 2025: thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
2. Giai đoạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
3. Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.