Trên tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, tuy chỉ diễn ra trong một ngày, phiên chất vấn đã thu hút 69 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn (trong đó có năm lượt đại biểu tranh luận) với tổng số 86 câu hỏi và các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn là Tài chính và Ngoại giao.
Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế
Ở lĩnh vực Tài chính, nhiều vấn đề nóng của xã hội được các đại biểu quan tâm như: bảo hiểm nhân thọ, tài chính-ngân hàng, kinh doanh xổ số, kiểm toán, quản lý giá…
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (trực tuyến từ đầu cầu tỉnh Bắc Ninh) về những bất cập, bức xúc của người dân khi cán bộ, nhân viên ngân hàng tham gia tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định cụ thể, "việc liên kết bán bảo hiểm qua ngân hàng, chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra, để bảo đảm công bằng và đúng luật".
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) chỉ rõ, đã có những tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì nhằm răn đe, nhất là đối với kiểm toán tư nhân? Bộ trưởng Tài chính cam kết, "thời gian qua chúng tôi chỉ đạo và siết rất chặt, từ khâu cấp giấy chứng nhận kiểm toán viên cho đến hoạt động kiểm toán, tới đây, công ty nào có sai phạm sẽ xử lý nghiêm".
Cùng đó, nhiều vấn đề khác liên quan chức năng quản lý ngành cũng được đưa ra chất vấn trên tinh thần "hỏi nhanh - đáp gọn", làm rõ từng vấn đề, cả ở vi mô lẫn vĩ mô.
Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng 18/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, Bộ trưởng Tài chính đã đi thẳng vào nội dung chất vấn, đề xuất giải pháp và cam kết khắc phục. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực; hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương, cả bộ quản lý chuyên ngành và bộ quản lý tổng hợp.
Quyết liệt, thực hiện các giải pháp thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Đối với lĩnh vực Ngoại giao, đây là lần đầu Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới trải qua những biến động lớn, phức tạp, có những diễn biến vượt khỏi dự báo thông thường, mở ra nhiều cơ hội mới, cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nước ta. Song, như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, công tác đối ngoại đã đạt được "nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng" trong thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến động lớn, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành ngoại giao như: chưa khai thác tối đa hiệu quả, cơ hội, lợi ích trong hợp tác với một số đối tác, nhất là các đối tác lớn; hàng hóa của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức khi tham gia các thị trường chung với nhiều tiêu chuẩn khắt khe; công tác nghiên cứu dự báo mặc dù đã có tiến bộ, song chưa lường hết được tất cả các tác động của những diễn biến tình hình quốc tế… trong khi, nguồn lực dành cho công tác đối ngoại cũng còn hạn chế.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 18/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến, góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Cơ sở pháp lý quan trọng, đầy đủ cho hoạt động giải trình
Cũng trong khuôn khổ kỳ họp, ngày 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Từ kết quả phiên chất vấn diễn ra tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể thấy nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc trong xã hội đã được đưa ra bàn thảo thẳng thắn. Có những vấn đề mới phát sinh không cần phải chờ đến các phiên họp thường kỳ, mà được nêu ra, trao đổi ngay tại các kỳ họp bất thường, kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc tìm ra các giải pháp tối ưu, góp phần thúc đẩy, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cử tri và nhân dân tin rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm triển khai thực hiện các nghị quyết, tổ chức các phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định của pháp luật, sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trên cơ sở đó, làm tăng tính chủ động của Quốc hội trong việc kịp thời phản ứng với các diễn biến của cuộc sống; đồng hành, giám sát Chính phủ trong giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.