Hoàn thiện dự án luật

Chặt chẽ, đồng bộ, khả thi

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra trong ngày 1 và sáng 2/4, tập trung vào một số nội dung chi tiết, cụ thể; trong đó, một số dự án luật dự kiến lần đầu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

ĐƯỢC dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến thảo luận là dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: "bỏ quy hoạch ngành" không có nghĩa là không có quản lý. Cụ thể, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, nhiều loại hình hàng hóa, dịch vụ đã không còn quy hoạch tổng thể phát triển ngành, trong đó có việc tổ chức hành nghề công chứng. Trong khi, dự thảo luật có đề cập đến tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, nhưng chưa nêu rõ cơ quan nào ban hành. Bởi thế, ở nội dung này cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp; đồng thời về phía địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn. "Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không quản lý, mà cần quản lý bằng phương pháp khác", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Hiện lĩnh vực công chứng, chứng thực vẫn được điều chỉnh bởi Luật Công chứng năm 2014, song trên thực tế đang gặp phải không ít bất cập trong quá trình thực thi. Đề cập nội dung Chủ tịch Quốc hội nêu, đồng thời xem xét quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 của dự thảo Luật bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: "b) Ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương phù hợp với quy định của Luật này"; báo cáo thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận được hai loại ý kiến khác nhau về nội dung này. Hầu hết ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, công chứng vừa là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, vừa là nghề tư pháp thuộc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp. Do đó, cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ tổ chức và hoạt động công chứng phù hợp đặc thù của việc cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, cần có quy định để loại bỏ cơ chế "xin-cho", ngăn chặn việc lạm dụng quyền được thành lập Văn phòng công chứng để trục lợi, dễ phát sinh tiêu cực, gây hệ lụy cho xã hội.

Trong khi đó, Điều 42 dự thảo Luật quy định "công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản này". Ở điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung quy định tại Điều 42, vì còn mâu thuẫn với khoản 1 Điều 17 quy định phạm vi văn phòng công chứng chỉ trên địa bàn cấp huyện.

Kết luận nội dung liên quan dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm tính thống nhất giữa dự thảo luật này với các luật khác, giữa những quy định của dự thảo luật với nhau.

TRONG khuôn khổ phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến đối với một số dự án luật (sửa đổi), dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) để xem xét lần đầu, cụ thể: dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi),... Đây cũng là lần đầu , Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật Phòng không nhân dân, một dự án luật hoàn toàn mới nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, các Ủy ban của Quốc hội cũng như Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên tinh thần khẩn trương, lắng nghe, chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm để tạo sự đồng thuận cao nhất; khẩn trương thực hiện các nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án luật và nghị quyết, đề án, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 7 tới đây.