Sợi dây gắn với tổ tiên của người Lô Lô

Nhảy múa với ma cỏ, nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo riêng có trong các lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô trên mảnh đất Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), vẫn được bảo tồn, duy trì đến ngày nay. Nghi lễ mang đậm tính nhân văn bởi đồng bào Lô Lô quan niệm đó chính là sợi dây kết nối giữa những người đã khuất với con cháu trên trần gian.
0:00 / 0:00
0:00
Nhảy múa với ma cỏ - nghi lễ độc đáo trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô. Ảnh: Quốc Đạt
Nhảy múa với ma cỏ - nghi lễ độc đáo trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô. Ảnh: Quốc Đạt

THẦY cúng Sing Di Trai tại xã Lũng Cú cho biết, người Lô Lô quan niệm ma cỏ chính là biểu trưng của tổ tiên, những người lập bản khai hoang lấy cây cỏ làm quần áo, cho nên trong các lễ cúng tổ tiên nhất định phải có ma cỏ làm người dẫn đường. Các gia đình đồng bào dân tộc Lô Lô đều có bàn thờ tổ tiên nhưng lễ cúng tổ tiên luôn được tổ chức tại gia đình trưởng họ, người có trách nhiệm đứng ra sắm lễ, mời thầy cúng, mượn trống đồng và mời nghệ nhân chơi trống đồng. Trống đồng là bảo vật linh thiêng của cộng đồng người Lô Lô và luôn phải có đủ cả trống cái (trống to) và trống đực (loại nhỏ hơn). Trong khi trưởng họ chuẩn bị lễ vật cúng gồm: một con gà, ba chén rượu, xôi, hoa quả, tiền vàng…, các chàng trai trong họ vào rừng tìm những nhành cỏ Su Choeo non tươi, dài và mềm trên núi Chun ta (đỉnh núi có tên gọi là núi Sống lưng) mang về bện thành trang phục người rừng hay còn gọi là ma cỏ (Ghà Lu Ngang). Còn các cô gái Lô Lô cũng chuẩn bị trang phục để nhảy múa với những chiếc khuy được may thành hàng dọc trên mũ, áo thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô có ba nghi lễ chính là lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa. Sau khi thầy cúng làm thủ tục cúng mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, học hành giỏi giang, thóc lúa đầy bồ, trâu bò đầy chuồng…, thì nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Các cô gái mặc trang phục truyền thống nhảy múa theo nhịp trống đồng chờ đón ma cỏ về.

Ma cỏ được hóa trang tại một địa điểm kín đáo bên ngoài làng, với cỏ Su Choeo quấn quanh che kín thân, đeo mặt nạ chỉ hở hai mắt và miệng và sẽ được một người chú hoặc rể của gia chủ đến mời. Trên đường ma cỏ đến dự lễ, không ai được phép nhìn hoặc đi ngược với ma cỏ, chỉ được nhìn từ xa. Khi đến nơi, ma cỏ quỳ lạy ba lạy trước bàn thờ, quỳ lạy thầy cúng trước khi tiến hành nghi lễ nhảy múa. Người hóa trang làm ma cỏ phải có sức khỏe tốt và lòng nhiệt tình bởi họ phải nhảy múa cho đến khi kết thúc lễ tưởng nhớ, thường phải đến 5 giờ chiều, mà không được phép ăn, nói, khi đi đứng, nhảy múa không được vấp ngã bởi nếu vấp ngã hoặc bị nhận dạng thì năm đó gia chủ gặp nhiều xui xẻo. Họ chỉ nghỉ ngơi, ăn cơm một lúc vào buổi trưa và được gia chủ mời nước trong thời gian nhảy múa.

Nghi lễ kết thúc, ma cỏ quỳ lạy bàn thờ, thầy cúng, trống đồng rồi ra cổng lẩn về sau làng, chọn nơi kín đáo không cho ai thấy rồi cởi bỏ trang phục cỏ, về nhà tắm rửa và sau đó tiếp tục tham gia lễ tiễn đưa tổ tiên được tổ chức khi đêm xuống.