Đặt trong bối cảnh nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đau lòng xảy ra vừa qua vẫn còn dư chấn, người dân trông đợi vào quyết tâm thực thi, đưa kế hoạch vào đời sống nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết. Giải pháp chính yếu được nêu ra hiện nay vẫn là tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra nói trên là giải quyết phần ngọn, muốn giải quyết rốt ráo được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần xử lý được tận gốc vấn đề. Theo cơ quan chức năng, chỉ tính trong 8 tháng năm nay, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Gần nhất, tại một trường tiểu học ở Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sau bữa ăn và uống sữa do bếp ăn của trường tổ chức đã có 14 học sinh nôn ói, đau bụng và đã được đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị. Trước đó, sự việc ngộ độc thực phẩm tập thể rất nghiêm trọng xảy ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) khiến cho hơn 660 học sinh và giáo viên phải nhập viện, trong đó, một học sinh đã tử vong.
Rõ ràng, hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên hết lần này đến lần khác, nhưng chưa hiệu quả. Thách thức từ nguồn cung cấp, từ các chợ vẫn còn đó bởi mô hình chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều địa phương. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh là đầu mối lưu thông và tiêu thụ lớn thực phẩm nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Trong khi thực tế hầu hết các sản phẩm về chợ đầu mối (trừ thịt heo) hiện không có nhãn mác, không hạn sử dụng, thông tin xuất xứ... Do đó, rất khó khăn để truy xuất nguồn gốc và ngăn chặn kịp thời khi có hàng hóa kém chất lượng.
Bảo vệ người tiêu dùng để người dân không trở thành nạn nhân của thực phẩm bẩn và gian lận thương mại cần sự hợp sức của cả ba ngành Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương. Cần chế tài đủ sức răn đe để ngăn ngừa tái diễn sai phạm cũng như ngăn chặn hiệu quả thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Nhưng, điều cốt yếu vẫn là bổ sung và nâng chất lượng nguồn cung thông qua liên kết, triển khai các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, hữu cơ với quy mô lớn hơn thông qua ký kết với doanh nghiệp, hợp tác xã... và đưa thẳng hàng hóa đến nơi tiêu thụ. Ngoài ra, cần xem lại quy trình hoạt động tại chợ đầu mối để cải thiện chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, không thể thiếu những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, xóa bỏ thói quen "bán gì cũng ăn" mà không cần biết "bệnh đến từ miệng".
Tết đang đến gần, tuy vậy, đừng để việc bảo vệ an toàn thực phẩm chỉ mang tính thời điểm. Những nỗ lực giải quyết vấn đề cần liên tục, xuyên suốt và lan tỏa đến mỗi người, thay vì chỉ của lực lượng chuyên ngành, hay của bộ, địa phương nào đó.