Sau scandal sẽ là gì?

Không xa lạ, nhưng lại chưa được hiểu thấu đáo và đầy đủ là thực trạng nhận thức về hoạt động PR trong đời sống xã hội hiện nay. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, Ths Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Tư vấn Chiến lược truyền thông Công ty Le Bross chia sẻ những góc nhìn trên quan điểm phát triển, hiện đại và chuyên nghiệp hơn về hoạt động có tác động xã hội không nhỏ này.

Sau scandal sẽ là gì?

- Hoạt động PR ở Việt Nam dường như đang được hiểu theo cách chưa đầy đủ?

- Bộ môn PR xuất hiện tại Việt Nam khá muộn, từ thập niên 1990. Nếu giai đoạn đầu của nó gắn với sự bùng nổ của in-tơ-nét thì có thể coi thời điểm hiện tại đang là giai đoạn hai, khi hệ thống mạng xã hội phát triển và cạnh tranh gay gắt với những kênh thông tin chính thống bắt đầu từ năm 2005. Sự mới mẻ ấy, cũng như những bỡ ngỡ trong cách tiếp nhận của những người sử dụng mạng xã hội, dễ sinh ra sự nhầm lẫn, không phân biệt được hiện tượng và bản chất của PR.

Chúng ta cần hiểu, quan điểm phát triển chung của thế giới bây giờ không phải nhanh - nóng mà là khuyến khích sự bền vững. Sự thật, trong một số trường hợp, thu hút được sự chú ý là điều tốt. Nhưng, câu hỏi đặt ra: Sau scandal sẽ là cái gì? Nếu không có thực chất, kết quả nhận về có thể hết sức tồi tệ.

- Ông có thể cho một thí dụ cụ thể?

- Tôi lấy thí dụ về câu chuyện thương hiệu của mì Gấu Đỏ năm 2012. Đó là một kế hoạch truyền thông rầm rộ, được thông báo là thu hút số tiền vốn lên tới hơn 100 tỷ đồng, nhưng quá nghiêng về quảng cáo mà ít chú ý đến việc xây dựng mối quan hệ thật sự với công chúng đang mua sản phẩm. Bởi thế, khi khủng hoảng xảy ra (những tranh cãi liên quan tới tính thực/hư của nhân vật em bé bị bệnh ung thư trong clip quảng cáo) và người tiêu dùng mất lòng tin, sự đầu tư "lệch", không chứng minh được những hiệu ứng tích cực tới xã hội đã khiến thương hiệu này phải trả giá.

Sau scandal sẽ là gì? ảnh 1

Chương trình hòa nhạc đường phố Luala concert - cách quảng bá có chiều sâu của thương hiệu thời trang Luala.

Tương tự, nhiều người đinh ninh rằng những ầm ĩ của giới showbiz là một cách thức truyền thông hiệu quả. Nhưng nếu ầm ĩ nhất thời mà không có chiều sâu thực chất, công chúng cũng sẽ bỏ rơi câu chuyện đó rất nhanh... Vậy nên, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cho mình cách đầu tư thật sự qua con đường văn hóa để phát triển chiều sâu, chứ không còn là chạy theo những người nổi tiếng.

- Ông thử dự đoán về cách làm truyền thông của chúng ta sẽ diễn ra như thế nào?

- Chắc chắn là sẽ chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn. Thế hệ của những người làm truyền thông xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam chủ yếu là những người có nền tảng vững ở những lĩnh vực khác và theo đuổi chuyên ngành này theo con đường tự học. Thế hệ thứ hai, hiện đang làm việc, là những người đã trưởng thành, có điều kiện học hỏi và được đào tạo bởi thế hệ đầu tiên, nhưng cũng chưa có sự bài bản lắm. Những bạn trẻ đã và đang theo học về chuyên ngành truyền thông sẽ là lực lượng chính của thế hệ thứ ba trong 5, 10 năm nữa và có độ chuyên nghiệp cao hơn nhiều. Cùng với sự phát triển ấy, bản thân công chúng của chúng ta cũng quen với cách tự sàng lọc thông tin cho mình.