BÊN cạnh các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, tính đến nay, nước ta có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: HCÉRES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN. Các tổ chức kiểm định này đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; giúp hệ thống giáo dục Việt Nam tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện tự chủ đại học hiện nay.
Đến gần đây, theo tiêu chuẩn nước ngoài, có chín cơ sở giáo dục đại học, 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.
Thực tế đã chứng minh, từ khi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo của giáo dục đại học theo quy định của Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục; đồng thời thông qua công tác kiểm định chất lượng, các trường đại học Việt Nam đã có thêm sự tự tin nhắm đến những mục tiêu hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, góp phần đào tạo thế hệ công dân toàn cầu; nâng cao thứ hạng trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam trên thế giới.
Khoản 2, Điều 7 Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/6/2023, quy định: "Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu phát hiện tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo theo đề nghị của Cục trưởng Quản lý chất lượng quyết định việc tổ chức thẩm định kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hoặc thành lập đoàn kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật".
Những năm qua, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận theo quy trình và các tiêu chuẩn ghi trong hồ sơ đề nghị đối với các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các tổ chức kiểm định này chịu sự giám sát theo quy định tại Chương II cùng các quy định khác có liên quan tại Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; và việc đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện: Đánh giá lần đầu sau hai năm đầu, kể từ ngày có quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; đánh giá định kỳ 5 năm một lần.
Kết quả đánh giá sẽ giúp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc điều chỉnh hạn chế, thiếu sót (nếu có) để bảo đảm đáp ứng các quy định về tổ chức, hoạt động. Kết quả sẽ là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm quy định về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục được tuân thủ; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định nếu phát hiện tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có sai phạm; đồng thời đây sẽ là căn cứ để thu hồi quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài ở Việt Nam nếu phát hiện sai phạm.
Có thể thấy, đây là một trong những nội dung quan trọng của Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT trong việc quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu theo các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43/2019/QH14).
Sự ra đời của Thông tư 13 với các tiêu chuẩn đánh giá, giám sát các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam đã đem lại nhiều tác động tích cực, mà trước hết là giúp hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; và theo thông lệ quốc tế, việc quản lý chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải được thực hiện như đối với các cơ sở giáo dục đại học. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các văn bản quy định của pháp luật trong việc giám sát, đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài tại Việt Nam để các tổ chức này thật sự mang lại tác động tích cực trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học.