“Tôi muốn tiếp tục đến Điện Biên Phủ chừng nào còn có thể”

Họ đã có tới hàng chục năm chia sẻ niềm đam mê chung, và cũng từng sánh bước với nhau trên rất nhiều hành trình khám phá quanh lòng chảo Điện Biên Phủ. Song, đây là lần đầu, nhà nghiên cứu người Australia - ông Tony Atkinson - trả lời các câu hỏi phỏng vấn từ chính người bạn vong niên Võ Quốc Tuấn (nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam không chuyên), trên Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Tony Atkinson và tác giả đã có nhiều năm chia sẻ niềm đam mê chung về lịch sử.
Ông Tony Atkinson và tác giả đã có nhiều năm chia sẻ niềm đam mê chung về lịch sử.

- Xin chào ông Tony Atkinson! Thật vui khi gặp lại ông tại Việt Nam, trong chuyến đi thường niên của chúng ta. Nhưng vì sao nhỉ? Vì sao ông quan tâm đến Việt Nam và Điện Biên Phủ?

- Có hai trải nghiệm truyền cảm hứng cho tôi. Một là khi xem bộ phim Trận chiến Algiers, kể về cuộc chiến đấu giữa các chiến sĩ du kích của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) và lực lượng nhảy dù Pháp. Điều thứ hai là cuốn A Bright Shining Lie của nhà nghiên cứu Neil Sheehan, về chiến tranh Việt Nam. Từ đó, tôi khám phá thêm hai cuốn sách quan trọng của nhà sử học người Pháp Bernard Fall: Hell in a Very Small Place and Street Without Joy. Và rồi, tôi bị hút vào Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, như cách gọi của người phương Tây.

- Vì sao ông đến Việt Nam nhiều lần như vậy? Tôi rất muốn biết cảm xúc của ông trong lần trở lại này?

- Tôi rất thích trở lại Việt Nam, để gặp gỡ những người bạn sống ở đây, cũng như bạn bè từ khắp nơi. Chúng ta đều có chung mối quan tâm đến lịch sử. Năm nay, dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đối với tôi đặc biệt quan trọng. Tôi háo hức được đến với chiến trường xưa. Từ cửa sổ máy bay, tôi sẽ mỉm cười khi nhìn thấy những địa danh đã trở nên quen thuộc, như chính khu phố nơi tôi sống.

Tôi rất vui khi thấy chính quyền địa phương đã bảo tồn tại chỗ nhiều di tích lịch sử và vũ khí, để cùng với bảo tàng cung cấp cho du khách nhiều thông tin về trận chiến. Và với tư cách là một nhà sử học nghiệp dư, tôi cũng rất vui khi thấy rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là thanh thiếu niên hứng thú với lịch sử.

Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu về lịch sử của dân tộc mình, ngay cả những phần khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Rồi giữa hối hả và nhộn nhịp, nghĩa trang liệt sĩ sẽ là nơi để suy ngẫm lặng lẽ, về sự hy sinh của không chỉ các chiến sĩ mà còn cả gia đình họ. Các di tích, địa danh như tượng đài hay Sở chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng cũng mang đến cho du khách cơ hội kéo dài và mở rộng các chuyến tham quan, để hiểu rõ hơn về khoảng cách và những thách thức mà lực lượng Việt Minh phải vượt qua. Tôi muốn thấy chính quyền tiếp tục làm cho những địa điểm như vậy dễ dàng tiếp cận hơn đối với du khách, chẳng hạn như trụ sở tạm thời của Tướng Giáp tại Huổi He.

Đương nhiên, tôi cũng cảm thấy hơi buồn khi thấy một số địa điểm quan trọng biến mất. Thí dụ, một số cứ điểm của Pháp ở phía tây đường băng đã bị dỡ bỏ, để mở rộng sân bay. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn dễ hiểu, nếu tôi muốn có thêm nhiều người được chia sẻ những trải nghiệm giống như chúng ta đã trải qua trong nhiều năm. Phát triển đô thị luôn đòi hỏi sự thỏa hiệp, và việc cải tạo sân bay là hoàn toàn cần thiết để tiếp tục phát triển du lịch ở Điện Biên Phủ.

Tôi muốn tiếp tục đến Điện Biên Phủ cho tới chừng nào còn có thể, để tìm hiểu thêm, để xác định những địa điểm quan trọng hơn, và để hiểu sâu hơn về những biến cố lớn nhỏ đã xảy ra, quanh sự kiện lịch sử quan trọng này.

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông khi đến Việt Nam và Điện Biên Phủ là gì?

- Thật khó để chọn ra kỷ niệm đáng nhớ nhất, trong rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, tôi thật sự mãn nguyện, khi cùng các bạn bè xác định và tiếp cận được những địa điểm có ý nghĩa lịch sử liên quan đến trận Điện Biên Phủ, thí dụ như đến được địa điểm mà Tướng Giáp đã phải đưa ra “quyết định khó khăn nhất” vào tháng 1/1954, hay khi chúng ta cuốc bộ lên Tà Lèng để tìm các hầm pháo của Việt Minh, và leo lên Đồi 781 (Đồi Xanh), nơi diễn ra một cuộc giao tranh quan trọng trước khi chiến dịch mở màn.

- Vâng, tôi nhớ chúng ta đã cùng nhau trèo lên đỉnh núi Pú Hồng Mèo phía đông của lòng chảo Điện Biên Phủ để đi tìm những hầm pháo 105 mm, không phải một mà là ba lần. Với tôi, đó là những chuyến đi khó khăn nhưng đáng nhớ.

- Những ký ức kỳ diệu đó sẽ còn theo tôi mãi mãi.

- Vậy động lực nào thôi thúc ông tiếp tục tìm hiểu về Điện Biên Phủ?

- Luôn có điều gì đó mới mẻ để học hỏi, từ những chi tiết nhỏ nhặt đến những câu chuyện trọng đại, từ cả hai phía. Thường có những dữ kiện trái ngược nhau, và tôi thấy thật thú vị khi nghiên cứu để tìm kiếm sự thật.

Tôi thích xác định các địa điểm thực tế của các hoạt động quân sự trên mặt đất. Đơn cử, tôi đã tìm ra vị trí chính xác của bãi thả quân được lính dù Pháp sử dụng khi đổ bộ vào thành phố Lạng Sơn vào tháng 7/1953. Tôi cũng thích chia sẻ nghiên cứu của mình với đồng nghiệp và bạn bè ở Australia. Tôi là thành viên của Hiệp hội Lịch sử Quân sự Tây Australia, và hằng năm tôi đều có bài thuyết trình về một khía cạnh lịch sử của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Năm ngoái, tôi đã giới thiệu câu chuyện một người lính Pháp trốn thoát sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, và năm nay tôi sẽ nói về trận đèo Mang Yang, trong đó một đơn vị cơ động của Pháp bị thiệt hại nặng nề - một trong những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến, vào tháng 6/1954.

- Là người sưu tầm, nghiên cứu nhiều tài liệu từ những năm 1954 cũng như sau này của người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung, ông thấy người phương Tây nghĩ gì về Điện Biên Phủ?

- Hầu hết người phương Tây mà tôi gặp đều biết về Điện Biên Phủ, và có ý tưởng chung về trận chiến cũng như tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, tôi cảm thấy điều quan trọng là phải làm rõ thêm cho họ về bối cảnh tổng thể - cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Người phương Tây cũng cần hiểu rằng người Mỹ đã không học được những bài học cần thiết, từ cuộc chiến tranh của người Pháp.

- Quan điểm của ông về ý nghĩa của Điện Biên Phủ với Hội nghị Geneva cũng như cả hệ thống thuộc địa cũ?

- Thất bại ở Điện Biên Phủ đã tạo thêm áp lực, để người Pháp theo đuổi một giải pháp thương lượng tại Hội nghị Geneva năm 1954. Chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ cũng đập tan huyền thoại về ưu thế quân sự của Pháp ở châu Á, đồng thời củng cố thực tế: Quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyển đổi hoàn toàn từ hình thái du kích sang chuyên nghiệp, với khả năng cung cấp hậu cần cho năm sư đoàn chính quy, cách xa hàng trăm km. Điện Biên Phủ cũng đánh dấu sự kết thúc của ách thống trị thực dân Pháp ở Đông Dương và góp phần truyền cảm hứng cho các phong trào chống thực dân ở các nơi khác trên thế giới.

- Tướng Marcel Bigeard (cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 tại Điện Biên Phủ, sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp) đã nói: “Tôi đã thấy họ khởi đầu từ những khẩu súng bất kỳ như súng săn và sau đó, tháng này qua tháng khác, họ được tổ chức thành những nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ thành trung đội, từ các trung đội lên đại đội, từ đại đội lên tiểu đoàn và lữ đoàn và cuối cùng là thành các đại đoàn. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới… và họ đã đánh bại chúng ta”. Theo ông, điều gì đã đưa người Việt Nam vượt qua những cuộc chiến tranh từ những điều kiện tưởng như không thể như vậy?

- Có nhiều yếu tố, bao gồm: Lịch sử nghìn năm chống ngoại xâm; ý thức mạnh mẽ về niềm tự hào dân tộc; kỷ luật và sự kiên nhẫn để tránh những cuộc giao tranh không có khả năng thành công cao; sẵn sàng chấp nhận chi phí và tổn thất với tầm nhìn dài hạn; khả năng huy động toàn dân để thu thập thông tin tình báo, vật tư cũng như nhân lực. Bên cạnh đó, việc được trang bị vũ khí hiện đại cũng như quá trình điều chỉnh chiến lược đã cho phép họ đối đầu với quân chiếm đóng theo những điều kiện bình đẳng hơn.

- Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam) đã tập hợp được nhân dân dưới ngọn cờ chính nghĩa.

- Vâng, theo hiểu biết của tôi, nhân dân Việt Nam đã tập hợp quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ngọn cờ đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, chủ quyền dân tộc.

“Tôi muốn tiếp tục đến Điện Biên Phủ chừng nào còn có thể” ảnh 1

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: Triệu Đại - TTXVN

- Ông nghĩ gì khi hình dung hàng chục nghìn bộ đội, hàng trăm nghìn dân công Việt Nam cùng lên đường, hướng về Điện Biên Phủ trong năm tháng đó?

- Họ còn vừa đi vừa hát nữa. Đúng như vậy, dù sẽ mệt hơn nhưng thật sự họ đã vừa đi vừa hát. Lời ca gắn kết họ thành một sức mạnh thống nhất, nâng cao sức chịu đựng về thể chất và tinh thần, đồng thời khơi dậy niềm tự hào.

Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm không ngừng là phần tất yếu trong bản sắc, mãi mãi định hình nỗ lực bảo vệ nền độc lập rất khó khăn mới giành được, của dân tộc Việt Nam.

- Đúng vậy, dòng máu “đánh giặc giữ nước” luôn chảy trong huyết quản người Việt. Đôi khi có người nói, chúng tôi - người Việt Nam - đã “chống lại các nền văn minh lớn”. Còn theo tôi, đó là sự lựa chọn. Ông nghĩ thế nào về sự lựa chọn giữa sinh mạng và danh dự?

- Đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Một mặt, sự sống rất quý giá và động lực sinh tồn của con người rất mạnh mẽ. Mặt khác, danh dự, sự chính trực và tuân thủ đạo đức của một người có thể được coi là mang lại mục đích sống và phẩm giá cho người ấy. Có những lúc, danh dự trở nên quan trọng đến mức hy sinh là lựa chọn đạo đức duy nhất. Người ta nên cố gắng đi theo con đường danh dự, đồng thời tôn trọng sự quý giá của cuộc sống.

- Ông có suy nghĩ gì khi tiếp xúc với thế hệ trẻ Việt Nam? Trong hòa bình, chúng tôi đã đi qua một chặng đường với nhiều thành công, nhưng cũng sẽ còn rất nhiều thách thức…

- Việt Nam có vị thế tốt để ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đất nước của các bạn đã cân bằng được mối quan hệ giữa các cường quốc, điều này giúp giảm những tổn thương và cho phép Việt Nam có được các mối quan hệ hợp tác từ vị trí trung lập tương đối. Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo trong ASEAN, trong khi các cam kết tăng trưởng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này. Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ áp dụng những cách tiếp cận hiệu quả truyền thống, khi họ được trao những vai trò lãnh đạo trong xã hội.

- Xin cảm ơn, người bạn quý của tôi!,