Những gợi ý từ các mô hình quốc tế

Việc xây dựng thể chế quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ nhiều quốc gia. Thực tiễn cho thấy, có một số mô hình/cách thức đang được các quốc gia áp dụng, với nhiều biến thể khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những lĩnh vực mà Tập đoàn PT Pertamina Geothermal Energy (Indonesia) tập trung khai thác và kinh doanh là dầu khí. Ảnh: THE JAKARTA POST
Một trong những lĩnh vực mà Tập đoàn PT Pertamina Geothermal Energy (Indonesia) tập trung khai thác và kinh doanh là dầu khí. Ảnh: THE JAKARTA POST

Hiện, cách thức quản lý tập trung vào hai hình thức chính theo mức độ tách rời khỏi quyền lực chính trị, gồm: Mô hình Bộ và cơ quan ngang Bộ, thí dụ như Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước (Trung Quốc), Bộ Doanh nghiệp nhà nước (Indonesia), Bộ Tài chính và Chiến lược (Hàn Quốc); Mô hình công ty nắm giữ hoạt động như một quỹ đầu tư tư nhân, được áp dụng khá hiệu quả ở Singapore, Bhutan, Malaysia.

Linh hoạt với mô hình công ty nắm giữ

Là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng mô hình tập trung dưới hình thức công ty nắm giữ, năm 1974, Chính phủ Singapore đã quyết định thành lập Tập đoàn Temasek Holdings với mục đích ban đầu là nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp thuộc nhà nước và tiếp đó là mang lại thành công to lớn cho nền kinh tế này.

Kể từ năm 2002, Temasek Holdings bắt đầu mở rộng đầu tư ra bên ngoài và sau đó, đã được phát triển thành một công ty đầu tư toàn cầu. Tính đến ngày 31/3/2023, giá trị danh mục đầu tư ròng của Temasek Holdings là 382 tỷ dollar Singapore (SGD), trở thành một công ty đầu tư thành công lớn trên thế giới, góp phần đưa Singapore trở thành một trong những nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Á.

Về mô hình tổ chức, Chính phủ Singapore xây dựng Temasek Holdings thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính Singapore. Mặc dù vậy, Temasek Holdings được quyền hoạt động như một tập đoàn tư nhân độc lập, tự chủ trong việc ra quyết định đầu tư.

Về cơ cấu, Hội đồng quản trị Temasek Holdings giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng và quyết định các vấn đề quan trọng của tập đoàn.

Về quản trị doanh nghiệp, Temasek Holdings đưa ra hướng dẫn thống nhất về các nguyên tắc, quy định trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Tùy thuộc tỷ lệ đầu tư nắm giữ vốn, Temasek Holdings thực hiện các quyền của chủ sở hữu trong quản trị, giám sát hoạt động doanh nghiệp, quyết định nhân sự chủ chốt, phê duyệt phương án đầu tư…

Về hoạt động đầu tư, với tính chất hoạt động như một tập đoàn tư nhân độc lập, nguyên tắc đầu tư của Temasek Holdings thực hiện tự chủ, theo cơ chế thị trường và không bị chi phối bởi Chính phủ. Tại thời điểm thành lập, Temasek Holdings tập trung đầu tư nắm giữ cổ phần trong các công ty nhà nước đóng vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế, như các lĩnh vực hàng không, viễn thông, bất động sản… Kể từ năm 2002, Temasek Holdings bắt đầu mở rộng đầu tư ra nước ngoài và nhanh chóng hiện diện ở toàn thế giới với danh mục đầu tư tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hoạt động đầu tư của Temasek Holdings luôn được điều chỉnh linh hoạt, nhanh chóng, tùy theo điều kiện, bối cảnh thị trường. Chẳng hạn, trong giai đoạn khu vực và thế giới bất ổn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Temasek Holdings cũng giảm tốc độ đầu tư và thực hiện thoái vốn để kịp thời đối phó một cách thận trọng.

Từ mô hình quản lý tập trung, hình thức công ty nắm giữ tại Temasek Holdings của Singapore cho thấy sự hiệu quả, chủ động trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước. Nếu chỉ xét thuần túy về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, mô hình Tập đoàn Temasek Holdings phát huy những điểm mạnh trong việc tạo động lực, trách nhiệm, chủ động và phù hợp hơn với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn doanh nghiệp nhà nước.

Mô hình có vị thế pháp lý và quyền lực chính trị mạnh hơn

Để tìm kiếm động lực cho tăng trưởng và phát triển, Indonesia đã trải qua một thời gian dài thực hiện cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn trước năm 1993, Cục Doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính) là đơn vị quản lý về tài sản và quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 1993 đến 1998, Indonesia thành lập Tổng cục Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Tài chính, và sau là Bộ Doanh nghiệp nhà nước để quản lý về tài sản và quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước chịu sự quản lý của Bộ Tài chính và Bộ chủ quản theo hướng Bộ chủ quản thực hiện quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước dưới sự giám sát của Bộ Tài chính.

Về mô hình tổ chức, Bộ Doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ Indonesia thành lập (năm 1998) với chức năng, nhiệm vụ đại diện Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước, điều phối quản lý doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ Tổng thống trong việc ban hành các chính sách trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Về quản trị các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Doanh nghiệp nhà nước của Indonesia thực hiện nhiều cải cách, trong đó tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực quan trọng, như ngân hàng, điện lực, hàng không. Đồng thời đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước bằng cách mời gọi các đối tác chiến lược tham gia để tăng cường sức cạnh tranh, gia nhập thị trường quốc tế.

Cụ thể, Bộ Doanh nghiệp nhà nước đã đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp qua việc cổ phần hóa, thực hiện mua bán sáp nhập… Số lượng doanh nghiệp nhà nước trong danh mục đầu tư đã được tinh gọn đáng kể, từ 116 doanh nghiệp (năm 2016) xuống còn 41 doanh nghiệp (tháng 3/2022) và theo lộ trình, trong giai đoạn 2024-2034, Bộ Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đặt mục tiêu hợp nhất thành 30 doanh nghiệp và khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ đóng vai trò chính trong mục tiêu đưa Indonesia thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

So với mô hình công ty nắm giữ của Singapore, mô hình tập trung với sự quản lý thống nhất của Bộ Doanh nghiệp nhà nước của Indonesia có vị thế pháp lý và quyền lực chính trị mạnh hơn để thực hiện đầy đủ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ Indonesia, thông qua Bộ Doanh nghiệp nhà nước, đã tiến hành các cải cách lớn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu và đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, dẫn dắt, định hướng phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, điểm trừ của mô hình này là doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới sự điều hành, quản lý chồng chéo cùng lúc của nhiều Bộ khác nhau, dễ dẫn đến việc các chiến lược, kế hoạch kinh doanh phải chịu ảnh hưởng và sự chi phối của quyết định hành chính của cơ quan chủ quản, làm cho khối doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thiếu minh bạch và trách nhiệm.