Kết quả đáng mừng
Trong các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định quốc tế cấp trường, tiêu biểu có thể kể đến Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Tôn Đức Thắng... Ở cấp chương trình, một số chương trình tiêu biểu đạt chuẩn kiểm định quốc tế có thể kể đến như hai chương trình về Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sáu chương trình về công nghệ/kỹ thuật tại Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tám chương trình về Kinh tế kinh doanh tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, một chương trình tại Trường đại học FPT.
Về các trung tâm kiểm định, hiện nay đã có bảy trung tâm được cấp phép hoạt động, trong đó có bốn trung tâm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học, một trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và hai trung tâm tư nhân. Bên cạnh đó, còn phải kể đến ba tổ chức kiểm định quốc tế cũng đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, bao gồm AUN-QA (Đông Nam Á), HCÉRES (Pháp) và QAA (Anh Quốc).
Về đào tạo, bồi dưỡng về kiểm định chất lượng, bên cạnh các khóa ngắn hạn chính thức (để đủ điều kiện thi kiểm định viên) thì hằng năm còn có hàng trăm khóa đào tạo, bồi dưỡng do các trường đại học, dự án quốc tế tự tổ chức để nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học về các nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng như xây dựng và thiết kế chương trình, viết hồ sơ kiểm định, ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm chất lượng. Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện cũng đã có hẳn chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về đo lường và đánh giá trong giáo dục, đây là chương trình đào tạo chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam nhằm đào tạo ra các chuyên gia về bảo đảm chất lượng nói chung và đo lường, đánh giá trong giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng. Cũng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 2021, đã có một sáng kiến ra đời với tên gọi Kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, hoạt động như một cộng đồng nghề nghiệp, hỗ trợ các trường trong việc thúc đẩy chất lượng và kiểm định chất lượng.
Về nghiên cứu, theo dữ liệu của Scopus, từ năm 2008 đến nay, đã có 53 bài báo, sách/chương sách, bài hội thảo được các nhà khoa học Việt Nam công bố về chủ đề bảo đảm chất lượng/kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Cần lưu ý, đây mới chỉ là số liệu về công bố quốc tế, số lượng về công bố trong nước tuy không có dữ liệu chính thức, nhưng cũng phải có đến hàng trăm công trình về chủ đề bảo đảm chất lượng/kiểm định chất lượng giáo dục đại học được công bố hằng năm. Có thể nói, một cộng đồng học thuật nghiên cứu về bảo đảm chất lượng/kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng đã được hình thành trong những năm qua, bên cạnh cộng đồng các nhà làm quản lý và thực hành bảo đảm chất lượng/kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Giảm hành chính hóa, tăng tính độc lập
Qua quan sát cũng như trao đổi với những người trực tiếp làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, có thể thấy hoạt động này vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ và cải tiến.
Cụ thể: Có sự chồng chéo giữa kiểm định chất lượng với các hoạt động kiểm tra, giám sát khác.
Trước đây, các cơ sở giáo dục đại học không phải thực hiện kiểm định chất lượng. Để thể hiện trách nhiệm giải trình với Nhà nước và xã hội, các cơ sở giáo dục đại học phải định kỳ làm báo cáo và làm việc với các đoàn thanh tra, giám sát các cấp. Hiện nay, kiểm định chất lượng đã trở thành một hoạt động quan trọng của trường đại học. Nhìn từ bên trong thì đây là công cụ giúp nhà trường nâng cao, cải tiến chất lượng. Nhưng nhìn từ bên ngoài, đây cũng chính là công cụ để Nhà nước giám sát, quản lý các cơ sở giáo dục đại học. Mặc dù kiểm định chất lượng ngày càng được chú trọng, sự khác biệt của nó với các hoạt động kiểm tra, giám sát truyền thống như báo cáo định kỳ, thanh tra vẫn chưa được làm rõ. Ở một số cơ sở giáo dục đại học, trong một năm có khi vừa tổ chức đánh giá ngoài của kiểm định chất lượng xong, lại phải tiến hành làm việc với thanh tra về nội dung tương tự, nhưng cách thức lại không hoàn toàn giống. Các cấp lãnh đạo, quản lý còn có thể hiểu và phân biệt được, nhưng nhiều cán bộ, giảng viên, và cả sinh viên không hiểu sự khác biệt giữa các nội dung này. Thậm chí, đâu đó việc chồng chéo này còn dẫn tới những hệ quả như tốn thời gian, nguồn lực, công sức mà tác động cho việc nâng cao chất lượng, phục vụ sinh viên, cán bộ, giảng viên, xã hội thì chưa rõ ràng.
Hành chính hóa hoạt động kiểm định là một vấn đề cũng rất đáng lưu ý, có thể được nhìn nhận qua hai thí dụ. Thứ nhất là vấn đề minh chứng, trong một khoảng thời gian dài, các đoàn kiểm định luôn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải in hết các hồ sơ kiểm định ra thành các tập tài liệu rất dày, trong khi các minh chứng được lưu ở dạng điện tử hoặc trên hệ thống có khi lại không được công nhận. Thứ hai là việc áp cách tiếp cận cũ hoặc của nơi này sang nơi khác. Đại diện một trường đại học tư đã từng chia sẻ với tôi một minh chứng về việc cử giảng viên đi tập huấn bằng email đã không được kiểm định viên công nhận, mặc dù đó là email công vụ chính thức của nhà trường. Bởi cũng với nội dung này, ở trường khác thì minh chứng phải là quyết định có dấu đỏ.
Trong đánh giá kiểm định, các trung tâm kiểm định phải hoàn toàn độc lập, đây là thông lệ quốc tế và cũng đã được luật hóa. Tuy vậy, hiện nay vẫn có một số trung tâm kiểm định trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học. Điều này, thật ra là có yếu tố lịch sử bởi trong giai đoạn mới bắt đầu, cũng chỉ có các cơ sở giáo dục đại học mới có đủ nguồn lực để thành lập các trung tâm này. Mặc dù vậy, cũng đã đến lúc cần có kế hoạch sắp xếp lại để nhằm bảo đảm các trung tâm kiểm định này độc lập và khách quan, tách rời khỏi các cơ sở giáo dục đại học. Nguyên lý của việc này cũng giống như đơn vị kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.
Hoạt động kiểm định sẽ thật sự trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của chất lượng giáo dục đại học nếu như trong nội bộ hoạt động hằng ngày của trường đại học, từng cán bộ, giảng viên, nhà quản lý, sinh viên hiểu và thực hành tốt các nguyên tắc của kiểm định chất lượng. Nhờ vậy, định hình nên văn hóa chất lượng trong trường đại học. Nếu không làm được điều này, thì dù cho bộ quy định về kiểm định chất lượng có tốt đến mấy, đoàn đánh giá kiểm định có chuyên nghiệp đến mấy thì hoạt động kiểm định vẫn chỉ mang tính hình thức, đối phó, được thực hiện định kỳ để hoàn tất hồ sơ.