Cuộc “giải phẫu” mang tên Đồi A1

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra làm ba đợt, trong đó đợt 2 (30/3 – 30/4) là đợt quan trọng, kéo dài và ác liệt nhất, trong đó, có trận đánh không thành công mang tên Đồi A1.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến. Ảnh: TƯ LIỆU - TTXVN
Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến. Ảnh: TƯ LIỆU - TTXVN

TẠI cuộc họp kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong đợt 2 của chiến dịch, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/4/1954 tại Mường Phăng, một con người vốn luôn điềm tĩnh và chưa từng to tiếng với cấp dưới bao giờ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, đã nổi nóng truy vấn chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn: “Các đồng chí có thấy xót xa không khi bao nhiêu đồng chí của mình ngã xuống mà trận đánh không thành công do thiếu sót của lãnh đạo, chỉ huy...”. Vừa dứt lời người ta thấy ông rút chiếc khăn trong túi ra đưa lên lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má. Trận đánh không thành công mà Đại tướng nhắc đến chính là trận tiến công cứ điểm Đồi A1 (diễn ra từ đêm 30/3 đến rạng sáng 3/4/1954).

Sau hai tuần tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo, ngày 30/3/1954, bộ đội ta bước vào đợt 2 của chiến dịch. Mục tiêu của đợt tiến công này là đánh chiếm các điểm cao phía đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây quân Pháp; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tiếp tế, chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để thực hiện được mục tiêu đó, ta chủ trương tập trung ưu thế binh, hỏa lực, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh chiếm các điểm cao phòng ngự ở phía đông và các trận địa pháo binh, tiến vào tiêu diệt Phân khu trung tâm - nơi có 5 trung tâm đề kháng mạnh và sân bay Mường Thanh.

18 giờ ngày 30/3, từ các hướng, bộ đội ta bắt đầu xuất kích mở màn cho đợt 2 của chiến dịch. Trong đợt này, mặc dù bộ đội ta đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, chiếm được một số mục tiêu như: Cứ điểm E, D1, D2, C1, 106, 311, song còn những cứ điểm quan trọng khác như A1, C2, 105... vẫn chưa thể đánh chiếm được. Phần lớn các đơn vị đều gặp nhiều khó khăn, lực lượng bị tiêu hao nhiều, trong đó đáng chú ý là hai “át chủ bài” – lực lượng chủ công đánh Đồi A1 là Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) đều bị thương vong nặng. Chỉ mới sau hai đợt tiến công đầu tiên lực lượng cả hai trung đoàn dồn lại chỉ còn xấp xỉ ba đại đội. Còn tính cả cuộc tiến công tiêu diệt cứ điểm Đồi A1 (kéo dài 36 ngày đêm) thì con số thương vong là rất lớn: 1.004 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 1.512 trường hợp bị thương, trong đó phần lớn là thương vong trong các đợt tiến công từ ngày 30/3 đến 1/4/1954.

Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 cho thấy “những dấu hiệu không bình thường” trong một số cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy đánh các điểm cao phía đông. Bên cạnh việc nổi lên nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm, thì cũng xuất hiện một số biểu hiện tiêu cực như ngại gian khổ, hy sinh ác liệt, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm; thậm chí cá biệt có cán bộ bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh. Nói như Đại tướng, Chỉ huy trưởng chiến dịch thì “đây là những hiện tượng mới”. Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch đã sớm phát hiện và nhận thấy không thể bỏ qua những hiện tượng mới này (1). Từ đó mới quyết định tiến hành đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, có thể nói là “hi hữu”, được xem như một cuộc “phẫu thuật” mang tên Đồì A1, diễn ra ngay tại mặt trận. Cuộc “phẫu thuật” này nhằm kịp thời chấn chỉnh tư tưởng cho cán bộ từ cấp chiến dịch đến cấp đại đoàn trở xuống.

Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 phải trải qua năm đợt tiến công mới giải quyết được do nhiều nguyên nhân mà theo như Đại tướng Hoàng Văn Thái - Nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch “ta chưa chiếm được Đồi A1 vì ngay từ đầu chưa nhận thức được vị trí hiểm yếu của nó, chưa có lực lượng dự bị mạnh, chưa có cách đánh đúng, chưa diệt được địch từ phía sau lên phản kích, chưa kìm chế được pháo binh ở Hồng Cúm” (2). Sự xuất hiện những dấu hiệu hữu khuynh tiêu cực, ngại khó, ngại khổ, ngại chiến đấu kéo dài, sợ thương vong, tâm lý uể oải trong bộ đội... cùng với tư tưởng chủ quan khinh địch, tác phong quan liêu đại khái trong một bộ phận cán bộ các cấp cũng nảy nở, gây rất nhiều trở ngại trong công tác lãnh đạo, chỉ huy tác chiến là những nguyên nhân chính dẫn đến bốn đợt tiến công Đồi A1 đều không thành công như kế hoạch đề ra.

Trước thực trạng đó, việc chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực và tác phong quan liêu đại khái được coi là một công tác lớn và cấp bách không chỉ với các lực lượng tham gia tiến công cứ điểm Đồi A1, mà còn đối với tất cả các tổ chức, đơn vị, lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy mà trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng” lúc bấy giờ vẫn cần phải có một cuộc “phẫu thuật” ngay tại mặt trận nhằm “mổ xẻ” những khuyết điểm, hạn chế; xây dựng ý chí và củng cố quyết tâm cho bộ đội; thống nhất ý chí, thống nhất hành động từ tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, các tổ chức đoàn thể...

Cuộc “phẫu thuật” đặc biệt này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi đợt 3 của chiến dịch. Đợt sinh hoạt này không chỉ tập trung giải quyết vấn đề tư tưởng cho bộ đội, mà còn kiểm điểm, làm rõ một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong trận tiến công cứ điểm Đồi A1; đặc biệt là tìm ra nguyên nhân bốn lần tiến công cứ điểm này không thành công và giải pháp khắc phục. Trong đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt này hầu như không có “vùng cấm”, từ người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao nhất ở cấp chiến dịch xuống đến chiến sĩ; đặc biệt là ở cấp đại đoàn và trung đoàn đều phải kiểm điểm, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Cán bộ từ cấp Đại đoàn trở lên được triệu tập về dự Hội nghị tự phê bình và phê bình tại Sở chỉ huy chiến dịch; cán bộ các cấp còn lại tiến hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình ngay tại các đơn vị. Cuộc “phẫu thuật” không màu mè, hình thức mà mang hơi thở của chiến trường, tập trung đi vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng mà thực tế trận tiến công cứ điểm Đồi A1 và cụm cứ điểm phía đông đặt ra. Tư liệu lịch sử cho thấy lúc bấy giờ một số cán bộ của các Trung đoàn 174 và 102- những đơn vị chủ công đánh Đồi A1 khi được triệu tập về Sở chỉ huy tham dự đợt sinh hoạt chính trị này mang theo tâm thế chuẩn bị đón nhận kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi tới nơi đã hết sức bất ngờ trước một bầu không khí hết sức nghiêm túc theo quân lệnh chiến trường nhưng dân chủ, cởi mở và thực chất; đặc biệt là cách ứng xử đầy nhân văn của Chỉ huy trưởng cũng như các đồng chí trong Bộ chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch. Ngày đó, Trung đoàn trưởng 174 bị phê bình oan do để đơn vị nổ súng chậm nhưng vẫn im lặng “chịu trận” chỉ vì “đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ, mình thanh minh ngại mọi người cho rằng đã đánh không được lại còn lý do, lý trấu” (3).

Ngay sau sự kiện này, khắp mặt trận Điện Biên Phủ dấy lên phong trào tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng, cũng như trong tất cả mọi lực lượng tham gia chiến dịch. Nhờ vậy mà tình hình toàn mặt trận cũng như từng đơn vị đều có sự chuyển biến rõ rệt, tư tưởng hữu khuynh được chấn chỉnh kịp thời; ý chí quyết chiến và quyết thắng của bộ đội được củng cố thêm một bước.

Không phải ngẫu nhiên mà sau này, trong công trình tổng kết kinh nghiệm công tác chính trị trong Quân đội đã khẳng định đợt sinh hoạt đấu tranh khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ở mặt trận Điện Biên Phủ (4/1954) là một thành công điển hình, một mẫu mực về công tác chính trị lãnh đạo tư tưởng của Đảng đối với Quân đội trong Kháng chiến chống Pháp.

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký. Nxb QĐND.H.2011. Tr.1065.

(2) Lịch sử Sư đoàn 316 (1951 – 2011).Nxb QĐND.H.2012. Tr.113.

(3) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Nxb QĐND.H.2000. Tr. 294.