Khẩn trương hoàn thiện "đường ray chuẩn"

Đó là cách nói hình ảnh của Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - TS Huỳnh Văn Chương trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần, khi đề cập chức năng quản lý nhà nước, nhất là vai trò kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
GS, TS Huỳnh Văn Chương
GS, TS Huỳnh Văn Chương

- Thưa ông, trước tiên xin ông cho biết, "bức tranh" khái quát thực trạng hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, nhất là vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

- Phải khẳng định công tác kiểm định chất lượng giáo dục suốt hành trình 20 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, cả về việc hoàn thiện chính sách và hoạt động trên thực tiễn.

Về công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kiểm định, bên cạnh những điểm đã đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn thách thức sau, để khắc phục trong giai đoạn tới: một là, hành lang pháp lý trong nước chưa hoàn thiện đầy đủ quy định mô hình tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, cần thiết phải điều chỉnh sớm các quy định để triển khai thực hiện, tạo sự ổn định cho hệ thống này; hai là, cơ chế tài chính, tính cạnh tranh trong đấu thầu về kiểm định chất lượng giáo dục cần phải có những giải pháp tích cực để giám sát, tránh những tiêu cực; ba là, trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, công tác kiểm định cũng đòi hỏi sự thích ứng cao với công nghệ, áp dụng để khai thác, kết nối và quản lý dữ liệu lớn trong hoạt động của ngành,...; thứ tư là vấn đề khó khăn về nhân lực, nhất là đội ngũ kiểm định viên.

- Ở trong nước, hiện có một số Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục công lập còn có tên đi kèm tên các đại học, trường đại học. Theo ông, vấn đề này được hiểu thế nào?

- Để bảo đảm tính khách quan, độc lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cả bốn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục công lập không thực hiện việc kiểm định cho chính các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo của các Đại học, Trường đại học nơi Trung tâm đóng. Các Đại học, Trường đại học không can thiệp vào các hoạt động kiểm định này.

Phải nhìn nhận và đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức kiểm định, trong đó có đóng góp của các tổ chức kiểm định công lập cho sự phát triển của hệ thống Kiểm định chất lượng giáo dục trong 10 năm vừa qua, đã tiên phong triển khai các hoạt động kiểm định. Trong giai đoạn tới, cần thiết phải có các quy định để tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức kiểm định, tạo sự phát triển bền vững hơn cho hệ thống.

Để đáp ứng các yêu cầu của Luật Giáo dục đại học, Bộ là đầu mối đang phối hợp các bộ, ngành và đơn vị liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 46, Nghị định 135 để quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định rõ việc "độc lập về mặt tổ chức" của các tổ chức kiểm định, đồng thời có nội dung quy định pháp lý rõ ràng hơn về tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định, trong đó có các tổ chức kiểm định công lập để hoàn thiện tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

- Đối với các tổ chức kiểm định nước ngoài được cấp phép hoạt động, song lại không cần đặt trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam - vấn đề này đang gặp phải những bất cập gì, thưa ông?

- Để tăng cường hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học và theo Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ khuyến khích việc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần tăng cường tham gia kiểm định với các tổ chức kiểm định uy tín quốc tế.

Để được công nhận hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức kiểm định nước ngoài phải thông qua quá trình thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xem xét sự phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí ở Việt Nam. Bản thân các tổ chức được công nhận cũng có các quy tắc làm việc nội bộ và thực hiện nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế, ngoài ra khi hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức kiểm định được Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát thông qua chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT.

Đặc thù của các tổ chức kiểm định nước ngoài là hoạt động không thường xuyên, liên tục tại Việt Nam, vì vậy việc đăng ký văn phòng đại diện ở Việt Nam có thể gây khó khăn cho hoạt động kiểm định của các tổ chức nước ngoài. Hoạt động kiểm định của các tổ chức nước ngoài này không chỉ thuần túy là nghiệp vụ, mà còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục, các kiểm định viên trong nước học tập kinh nghiệm quốc tế về kiểm định chất lượng giáo dục. Trong thực tế, việc các tổ chức kiểm định nước ngoài hoạt động kiểm định tại các quốc gia khác nhau mà không đặt văn phòng đại diện cũng khá phổ biến xuất phát từ đặc thù của hoạt động kiểm định.

Bộ cũng sẽ tăng cường hoạt động giám sát với các hình thức mới như trực tiếp tham gia các hoạt động của các đoàn đánh giá ngoài của tổ chức kiểm định nước ngoài; thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo đảm chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức kiểm định nước ngoài đánh giá; trao đổi trực tiếp với các tổ chức kiểm định nước ngoài để nắm thông tin về các đoàn giám sát, hoạt động giám sát nội bộ của các tổ chức này.

- Có ý kiến lo ngại rằng, nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công tác kiểm định chất lượng giáo dục có nguy cơ nảy sinh tiêu cực như tình trạng các Trung tâm kiểm định xe cơ giới thời gian gần đây. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

- Hoạt động kiểm định giáo dục có các đặc thù rất khác hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học là hơn 240 cơ sở giáo dục đại học và hơn 5.000 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Hoạt động kiểm định được thực hiện qua quy trình chặt chẽ gồm bốn khâu độc lập. Các hoạt động giám sát, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với tổ chức kiểm định thực hiện theo Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT.

Bản chất và mục đích chính của công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học chính là việc xác thực chất lượng giáo dục căn cứ các tiêu chuẩn, tiêu chí và đưa ra các khuyến nghị của đoàn đánh giá dựa trên tầm nhìn, sứ mạng, giá trị cốt lõi, mục tiêu, chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Kiểm định còn là một trong những giải pháp quan trọng để quản lý, giám sát và cải tiến chất lượng liên tục giáo dục đại học.

Bên cạnh việc thực hiện kiểm định theo chu kỳ, các cơ sở giáo dục đại học còn phải tuân thủ nhiều văn bản pháp luật khác liên quan chất lượng đào tạo như chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn cơ sở giáo dục đại học, điều kiện mở ngành và duy trì ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công khai minh bạch và được các bên liên quan kiểm tra, thanh tra, giám sát.

- Đến đây, rất mong ông chia sẻ thêm những vấn đề khác liên quan quá trình thực thi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, vấn đề nguồn nhân lực kiểm định viên? Làm sao để bảo đảm các mục tiêu đã đặt ra, và cả những phát sinh trong thực tiễn, giải pháp khắc phục những bất cập đó...

- Có thể nói nguồn lực kiểm định viên và đội ngũ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học cũng như của các tổ chức kiểm định để hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài được hiệu quả là một vấn đề quan trọng và cần được quan tâm của cơ sở giáo dục đại học cũng như các tổ chức kiểm định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Trung tâm kiểm định và các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai hằng năm các hoạt động này. Đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp một số dự án hợp tác quốc tế để mời chuyên gia, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ này.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thường xuyên và định kỳ các hoạt động kiểm định căn cứ trên Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm và các quy định hiện hành; tiếp tục rà soát xem xét sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn và quy trình đánh giá, kiểm định; tiếp tục tăng cường phát triển đội ngũ kiểm định viên thông qua công tác bồi dưỡng, sát hạch và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

- Trân trọng cảm ơn ông!