HIỆN đã hình thành mạng lưới các trung tâm kiểm định trong nước và cho phép một số trung tâm kiểm định quốc tế vào hoạt động ở Việt Nam. Với sự gia tăng của mạng lưới các trung tâm kiểm định thì hàng nghìn cán bộ giảng viên đã được đào tạo, hàng trăm người đã được cấp chứng chỉ kiểm định viên. Điều quan trọng hơn là ở nhiều trường sau khi kiểm định thì ý thức quan tâm đến bảo đảm chất lượng tốt hơn. Có trường đại học ở Hà Nội đầu tư gần chục tỷ đồng cho đào tạo hơn 50 kiểm định viên để về trường làm công tác nâng cao chất lượng. Một số trường bắt đầu hình thành văn hóa chất lượng trong cung cấp dịch vụ giáo dục đại học cho xã hội, thể hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu nói kiểm định chất lượng sẽ làm tăng chất lượng giáo dục đại học trực tiếp là hoàn toàn không chính xác, vì kiểm định chỉ là một loại công cụ của bảo đảm chất lượng, góp phần vào công tác bảo đảm chất lượng. Vì muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần rất nhiều yếu tố, ở đó chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và tài chính, chương trình giảng dạy, cùng với quản trị hiệu quả sẽ là những yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục đại học.
Vì thế, trong thời gian qua rất nhiều trường đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định và hàng trăm chương trình được công nhận kiểm định chất lượng, nhưng xã hội vẫn hoài nghi về chất lượng đào tạo đại học và sau đại học ở giáo dục đại học Việt Nam. Việc công nhận bằng tốt nghiệp đại học ở khá nhiều trường (trừ một số trường ở tốp đầu) chưa được quốc tế nhìn nhận tốt để công nhận. Mục đích kiểm định của nhiều trường là cần mảnh giấy chứng nhận của tổ chức kiểm định hơn là quản lý các quá trình chất lượng bên trong trường một cách bền vững, mang nặng tính hình thức của việc đánh giá trong và đánh giá ngoài.
Việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu khá nhiều, mở ngành đào tạo tràn lan ngay cả khi không xác định rõ nhu cầu và đội ngũ giảng viên có trình độ không đáp ứng theo quy định được khỏa lấp dưới chiêu bài tự chủ đại học khi đạt tiêu chuẩn kiểm định. Nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn phải đi thuê cơ sở để đào tạo, diện tích và giảng viên không đáp ứng được quy mô đào tạo. Đặc biệt, một số chương trình liên kết với nước ngoài hoặc các trường quốc tế đào tạo tại Việt Nam hầu như chưa được kiểm định có thể xem là một lỗ hổng lớn trong bảo đảm chất lượng với giáo dục đại học. Điều đó cho thấy phần nào bức tranh kiểm định giáo dục đại học Việt Nam chưa đi vào thực chất. Hay nói cách khác chưa hình thành thói quen thể hiện trách nhiệm giải trình qua việc quan tâm đến các giải pháp bảo đảm chất lượng.
Sở dĩ vẫn còn đâu đó những hoài nghi về kết quả kiểm định có thể do chất lượng kiểm định của một số trung tâm kiểm định còn hạn chế. Mặt khác, nhân sự kiểm định đánh giá ngoài luôn là vấn đề gây ra không ít vấn đề của kiểm định, làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong kiểm định chất lượng.
Hợp tác quốc tế trong kiểm định chất lượng còn chưa phát triển để hình thành sự kiểm định lẫn nhau về kết quả kiểm định cũng như chia sẻ kinh nghiệm. Vẫn thiếu việc theo dõi, giám sát chặt chẽ và chịu trách nhiệm với những kết luận, khuyến cáo cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng nhận kiểm định. Cơ chế tài chính còn bất cập dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng đến ý nghĩa, giá trị của các chứng nhận kiểm định.
Hiện chương trình đào tạo kiểm định viên được thực hiện theo Thông tư số 18/2013/TT-BGDĐT và có những điều chỉnh nội dung cần thiết. Chương trình đào tạo có ưu điểm trong đào tạo với việc tự học có hướng dẫn và có phần bài tập để giúp hình thành kỹ năng, không quá nặng về lý luận. Tuy nhiên, chương trình cho thấy một vài điểm hạn chế như không dựa vào bản mô tả việc của kiểm định viên, yêu cầu về năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng tự chủ và trách nhiệm) để làm cơ sở xây dựng chương trình. Đặc biệt, hạn chế lớn nhất của chương trình đào tạo kiểm định viên là không có sự phân biệt rõ trong nội dung chương trình đào tạo kiểm định viên cơ sở đào tạo và kiểm định viên chương trình đào tạo trong khi năng lực yêu cầu của kiểm định viên kiểm định cơ sở đào tạo và kiểm định chương trình khá khác nhau. Vì thế, đã có hiện tượng một đoàn đánh giá ngoài là một tập hợp những người quen mặt hơn là những chuyên gia thực thụ của ngành học cần kiểm định. Bởi thế, việc đánh giá, đưa ra nhận xét cũng như những khuyến cáo rất có thể thiếu đi tính thực tế và không giúp nhà trường cải thiện chất lượng hiệu quả. Kinh nghiệm ở một số quốc gia, thường có chương trình kiểm định riêng cho ngành giáo dục, y tế, luật và kỹ thuật công nghệ như Mỹ, Australia, New Zealand. Những thành viên của tổ chức kiểm định chương trình đều là những chuyên gia trong ngành học, đang là giảng viên đại học hoặc là những nhà chuyên môn ở ngoài doanh nghiệp.
Một số kiến nghị
Cần rà soát ngay những văn bản chính sách, và những quy định liên quan bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Việc xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng rất cần tính linh hoạt, mềm dẻo để tránh tiêu chuẩn quá chặt chẽ, sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa khuyến cáo của cơ quan kiểm định chất lượng và tự chủ của nhà trường. Hệ quả kéo theo là hệ thống văn bản thường xuyên thay đổi, nhất là xu hướng đào tạo liên ngành và xuyên ngành như thời gian qua.
Công tác bồi dưỡng cho các giảng viên về bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục đại học cần đặt lên hàng đầu, vì họ là những người thực thi trực tiếp tạo nên sản phẩm có chất lượng.
Nhà nước cần tăng cường giám sát các trung tâm kiểm định bảo đảm đủ năng lực về cơ sở vật chất, cán bộ kiểm định và những hoạt động của từng trung tâm để tránh rủi ro như nhiều trung tâm kiểm định xe cơ giới vừa qua.
Mỗi cơ sở giáo dục đại học rất cần hoàn thiện quy trình nghiêm ngặt việc thẩm định chương trình giáo dục cùng các điều kiện bảo đảm chất lượng khi mở ngành đào tạo mới trên cơ sở tiêu chuẩn chương trình đào tạo chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.
Cuối cùng, cần huy động nguồn lực xã hội hóa và ưu tiên về nguồn lực đầu tư cho những cơ sở giáo dục đại học làm tốt công tác bảo đảm chất lượng bên trong và xử lý những cơ sở không tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng. Một số cơ sở đào tạo được tổ chức kiểm định nước ngoài không đăng ký thành lập và hoạt động ở Việt Nam cấp giấy kiểm định cần được quản lý để có chính sách phù hợp.