Hành trình thay đổi về chất và lượng

Trước khi đánh giá về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, thiết nghĩ, cũng nên nhìn nhận về những chuyển đổi của các trường đại học nước ta trong quá trình thực hiện theo các yêu cầu của hai bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
0:00 / 0:00
0:00
Trong phòng thí nghiệm Thiết bị tự động hóa công nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: HẢI TRẦN
Trong phòng thí nghiệm Thiết bị tự động hóa công nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: HẢI TRẦN

Đó chính là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được ban hành theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Lý do bởi công tác kiểm định chỉ là một khâu, tuy rằng rất quan trọng, trong toàn bộ quy trình bảo đảm và nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian qua. Có thể nêu được một số thành tựu cơ bản sau đây:

Một là, có bước chuyển tích cực và hiệu quả từ việc đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo dựa trên kết quả (chuẩn đầu ra) theo nhu cầu xã hội để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Mục tiêu đào tạo đã thay đổi theo hướng thúc đẩy sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân; chương trình giảng dạy đã chú trọng các năng lực cần thiết trong môi trường làm việc sau tốt nghiệp; năng lực của đội ngũ giảng viên trong việc thiết kế và phát triển chương trình giảng dạy đã từng bước được nâng cao. Điều này được xác nhận bằng kết quả kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo gần đây của các trường đại học.

Hai là, các trường đại học đã áp dụng các phương pháp giảng dạy khoa học, lấy người học làm trung tâm, từ phương pháp truyền đạt chuyển dần sang phương pháp kiến tạo, tiến bộ, người học từng bước được chủ động trong học tập; công nghệ cùng với tính linh hoạt của các chương trình đào tạo được áp dụng giúp cho người học có thể thực hành và trải nghiệm mọi nơi, mọi lúc, giúp bỏ qua những hạn chế về thời gian và địa điểm, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và cá thể hóa việc học tập.

Ba là, nhà trường đại học đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác quản trị dựa trên nền tảng của Hội đồng trường từ cơ chế ra quyết định đến việc huy động nguồn lực phát triển, tiếp nhận quyền tự chủ được giao và thực thi trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng thông qua hoạt động kiểm định chất lượng.

Có thể nói, trong những năm qua việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã tạo cho giáo dục đại học Việt Nam những chuyển biến ban đầu tích cực phù hợp xu thế chung của giáo dục đại học toàn cầu. Điều này cũng được ghi nhận bởi việc các trường đại học Việt Nam tham gia một cách hiệu quả vào các bảng xếp hạng đại học thế giới. Có thể là xã hội vẫn chưa hài lòng về những gì hạn chế cần giải quyết, có những cơ sở, những lĩnh vực tiến nhanh nhưng cũng có lúc, có nơi còn chậm. Thay đổi căn bản và toàn diện cả một hệ thống với hàng trăm cơ sở giáo dục đại học, hàng nghìn chương trình đào tạo và hàng vạn giảng viên thì vẫn rất cần thời gian để thực hiện.

Như đã trình bày ở trên, khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình bảo đảm và nâng cao chất lượng là kiểm định chất lượng được thực thi bởi các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục. Cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập và đồng ý cho thành lập bảy trung tâm trong đó có bốn trung tâm được đặt trong các trường đại học, một trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, hai trung tâm tư nhân. Tuy rằng, khác nhau về sở hữu, cơ chế chủ quản và tính chất độc lập nhưng hoạt động kiểm định đều tuân thủ quy định chặt chẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và chịu sự giám sát của Cục Quản lý chất lượng. Thêm nữa, đội ngũ kiểm định viên tham gia các đoàn đánh giá ngoài không chỉ có kiểm định viên cơ hữu của các trung tâm mà còn có các cán bộ giảng viên của các trường đại học, những người phải trải qua một đợt sát hạch do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và cấp thẻ.

Thực tiễn triển khai hơn 10 năm qua cho thấy công tác kiểm định chất lượng được nhìn nhận không chỉ là công cụ quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tiết và trao thêm quyền tự chủ cho các trường, mà còn là một công cụ hữu hiệu để các trường đại học nói chung và các trường tự chủ nói riêng thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội về việc thực hiện quyền tự chủ được giao và chất lượng giáo dục của nhà trường. Hệ thống các trung tâm kiểm định có vai trò như tổ chức bảo lãnh cho tính xác thực, đúng đắn và phù hợp của kết quả tự đánh giá chất lượng, cũng là báo cáo giải trình của nhà trường trước xã hội và các cấp quản lý.

Thêm nữa, thông qua việc ban hành, điều chỉnh và thực thi Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có thể định hướng phát triển cho hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở đánh giá khá đầy đủ, toàn diện và khách quan hiện trạng và đề xuất rõ ràng, chi tiết về mô hình phát triển. Cụ thể là, triển khai kiểm định chất lượng trong thời gian qua đã giúp cho các trường chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực của trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội thông qua hệ thống mục tiêu và chuẩn đầu ra của từng chương trình, với yêu cầu phải có sự đóng góp của các bên liên quan và đóng góp các bên liên quan phải được nhà trường tiếp thu.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng trong thời gian tới, trước hết cần nâng cao nhận thức trong nhà trường và xã hội về công tác kiểm định chất lượng. Như đã nói, không chỉ xem xét hiện trạng để xác định mức đạt mà còn là công cụ giải trình và chịu trách nhiệm của nhà trường, công cụ quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông qua bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng định hướng phát triển cho hệ thống giáo dục đại học.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức và hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng đáp ứng đòi hỏi của Luật Giáo dục đại học (tự chủ về tổ chức, nhân sự và tài chính), hoàn thiện cơ chế đấu thầu đặc thù (quan tâm đến cả chi phí kiểm định và chất lượng Đoàn đánh giá ngoài), xây dựng chính sách đối với đội ngũ kiểm định viên trong các trường đại học (sử dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng), nâng cao năng lực của các Đoàn đánh giá ngoài, chú trọng năng lực tư vấn đổi mới giáo dục đại học thực hiện chiến lược phát triển hệ thống.

Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là tiếp tục điều chỉnh các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học xứng đáng là công cụ định hướng phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng đòi hỏi của xã hội và yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của Nghị quyết số 29. Tương tự như xu thế đổi mới giáo dục đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0, cần chuyển từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình, đánh giá xác thực (authentic) và đánh giá hiệu năng (performance). Đánh giá các trường đại học cũng vậy, chúng ta đã chuyển từ bộ tiêu chuẩn cũ đánh giá dựa trên kết quả sang bộ tiêu chuẩn mới đánh giá quá trình, nhưng chưa đạt tới mức xác thực và hiệu năng để nhìn nhận được đẳng cấp của các sản phẩm đào tạo mà một trường đại học cung cấp cho xã hội.

Những vấn đề về chất lượng của một trường đại học không chỉ nằm ở việc làm đúng quy trình PDCA (bốn bước làm việc hiệu quả), đáp ứng đầy đủ các mốc chuẩn mà còn cần nhìn nhận ở chất lượng và đẳng cấp của những việc làm ấy; ở những gì sâu sắc hơn tương xứng với từ "đại học" mà không phải chỉ là "giáo dục nghề nghiệp", là nơi sáng tạo ra tri thức, tìm ra các quy luật và định hình phát triển xã hội.