Bất hợp lý khi “một vai gánh ba nhiệm vụ”
Khu vực kinh tế ưu tiên là phân khúc thị trường mà các ngân hàng thương mại khác không nhắm tới do sự khác biệt về mục tiêu chiến lược hoặc hạn chế về quy mô và khả năng tiếp cận của mạng lưới. Từ đó, sự hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại phân bổ vốn đúng mục tiêu, thúc đẩy các thị trường hoặc khu vực kinh tế trọng yếu trong các giai đoạn thuộc chu kỳ kinh tế suy thoái. Có thể nói ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã và đang góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn của nền kinh tế.
Với sức mạnh tài chính, quản trị và lợi thế quy mô, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã gánh trọng trách hỗ trợ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua mua bán sáp nhập, xử lý nợ xấu các ngân hàng thương mại yếu kém trong hệ thống trong nhiều thập niên, góp phần lành mạnh hóa và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng thương mại sau mỗi chương trình tái cấu trúc.
Bước tiến lớn nhất trong Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) là đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý nhà nước về tách bạch vai trò đại diện vốn chủ sở hữu với quyền quản lý nhà nước trong các doanh nghiêp nhà nước. Tức là một cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước sẽ không còn là đại diện vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước đó. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã được thành lập và thực thi vai trò đại diện vốn chủ sở hữu thay cho nhiều bộ, ngành tại 147 doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, Luật số 69/2014/QH13 đã không được áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Hiện tại, đại diện vốn chủ sở hữu của nhóm ngân hàng thương mại vẫn là Ngân hàng Nhà nước. Theo nguyên tắc giám sát hữu hiệu ngân hàng của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nguyên tắc đầu tiên bảo đảm các ngân hàng hoạt động lành mạnh, bảo đảm hoạt động giám sát đúng mục tiêu là xóa bỏ các tồn tại xung đột lợi ích trong khung khổ pháp lý về giám sát, quản lý ngân hàng, cụ thể:
Thứ nhất, cơ quan thực thi chức năng quản lý nhà nước về ngân hàng không được đảm nhiệm chức năng đại diện vốn chủ sở hữu.
Thứ hai, cơ quan thực thi chức năng quản lý nhà nước hoặc cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu không được thực thi chức năng giám sát. Về cơ bản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu, cơ quan giám sát cần độc lập với nhau.
Xa hơn, theo thông lệ quốc tế, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính, cơ quan bảo hiểm tiền gửi cần độc lập, tách bạch hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở cơ quan điều phối chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước về ngân hàng và các cơ quan giám sát, đại diện vốn, bảo hiểm tiền gửi, có thể vừa hoạt động độc lập, vừa phối hợp chặt chẽ với nhau, sẽ bảo đảm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nói riêng và hệ thống ngân hàng thương mại nói chung bình đẳng hơn trong tiếp cận nguồn lực từ Ngân hàng Nhà nước, có thể hoạt động lành mạnh, được giám sát, xếp hạng minh bạch, phòng ngừa sớm những rủi ro hoạt động, rủi ro hệ thống phát sinh. Bên cạnh đó, một cơ quan vừa là chủ sở hữu ngân hàng, vừa giám sát toàn bộ hệ thống tín dụng là bất hợp lý.
Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia. Ảnh: HẢI NAM |
Thiếu sự rõ ràng giữa các khái niệm về vốn nhà nước
Mặt khác, Luật số 69/2014/QH13 còn tác động tới hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong việc tăng vốn điều lệ. Thí dụ điển hình là Agribank-ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (đối tượng của Luật số 69/2014/QH13), đơn vị có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”, triển khai bảy chương trình tín dụng chính sách, hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Điều đáng nói là dù đang giữ vai trò quan trọng như thế, song hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm ngày 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn bảo đảm tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định hiện hành là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra. Để Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường trong hoạt động tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách gặp nhiều rào cản, trong đó có sự thiếu rõ ràng giữa các khái niệm về vốn, quy trình cung ứng vốn Nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước. Hiện tại, khái niệm vốn doanh nghiệp nhà nước và vốn của doanh nghiệp cũng như đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp tại Luật số 69/2014/QH13 và các bộ luật liên quan có sự chồng chéo.
Từ góc nhìn này về hoạt động các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 cần hướng tới ba mục tiêu lớn: Tiếp tục xác định Nhà nước đầu tư vốn trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng để bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ, trong đó nhà nước có sở hữu vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước; tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn và chức năng quản lý tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước; tăng quyền chủ động về đầu tư vốn nhà nước cho các cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu song hành với thiết lập cơ chế giám sát độc lập, tăng trách nhiệm giải trình.
Đóng vai trò trụ cột của hệ thống ngân hàng thương mại, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chiếm tới 47,5% tổng huy động vốn của toàn hệ thống, và chiếm 46,1% tổng tín dụng (năm 2023). Đây là nhóm ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ chú trọng đổi mới quản trị, công nghệ; các chỉ số ROA, ROE bình quân 5 năm trở lại đây lần lượt ở mức 1,02 và 18,1%.