Nhiều “khoảng trống” pháp lý
Trước năm 2010, việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nhà nước (năm 1995 và 2003), các văn bản hướng dẫn và một số luật liên quan. Từ ngày 1/7/2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực, các doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi, thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trong suốt bốn năm tiếp theo đó, nhiều vướng mắc, “khoảng trống” pháp lý đối với hoạt động của khối doanh nghiệp này đã xuất hiện, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chủ yếu được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật số 69/2014/QH13 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đã tạo cơ sở pháp lý bằng văn bản Luật cho hoạt động quan trọng này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, cả nước đã có hơn 800 doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng giá trị tài sản ước hơn 3 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá của Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, do phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 quá rộng nên đã phát sinh nhiều điểm chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, một số quy định liên quan quản trị doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập. Việc quản lý lợi ích thu được từ vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong luật… Điều này khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Đơn cử, các quy định tại Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định các nguyên tắc, hình thức và quy trình sáp nhập công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ vào công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Là người trải qua và khá thấu hiểu về những khúc mắc không thể gỡ suốt thời gian dài vừa qua, bà Trần Thị Ngọc Liên (Ban Pháp chế Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT) chia sẻ, có nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp phải vướng mắc như tại VNPT. Đây là vướng mắc lớn đối với việc tổ chức cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021- 2025 vì pháp luật chưa quy định cụ thể.
Tương tự, ông Võ Hồng Lĩnh - thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực (EVN), Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính-Kế toán cho biết, EVN lâu nay rất vất vả trong việc quản lý, giải trình về vốn của mình tại các công ty con. Ngoài ra, EVN thường đầu tư các dự án lớn, trên nhóm B, do đó đều phải xin ý kiến nhiều cấp nên việc triển khai bị chậm trễ.
Dù đã thực hiện cổ phần hóa hơn 10 năm, nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa thể đổi được “sổ đỏ” của doanh nghiệp sang tên mới để hoàn thiện hồ sơ vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính-Kế toán Vietnam Airlines cho rằng, việc xác định quyền sở hữu tài sản, đầu tư, quản lý các công ty con… của Vietnam Airlines là thí dụ điển hình minh chứng cho những vướng mắc, tắc nghẽn lâu nay.
Theo ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước được nêu rất rõ tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, tuy nhiên, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đều vận dụng quy định pháp luật như cơ chế đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện hành, chỉ khác về cơ quan đại diện chủ sở hữu. Nhưng hiện, các doanh nghiệp này lại chưa thuộc đối tượng áp dụng của Luật số 69/2014/QH13 nên quá trình quản lý còn có sự lúng túng, chưa thống nhất. Một số vụ án tại các doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội (xảy ra ở Bình Dương; Thành phố Hồ Chí Minh…) là những minh chứng cho thấy nếu không có quy định thuộc đối tượng áp dụng sẽ khó khăn trong quá trình tổ chức, quản lý vận hành vì về bản chất vốn đầu tư tại doanh nghiệp này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, từ các tài sản nhà nước bàn giao…
Phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp
Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 với nội dung về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có nhiều điểm mới quan trọng. Cụ thể, theo ông Bùi Tuấn Minh, việc sửa đổi hướng đến xác định rõ việc đầu tư vốn tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư và đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia.
Tại các hội thảo được tổ chức trong chương trình xây dựng Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 liên tục được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, đây là bước ngoặt lớn về chính sách, sự thay đổi quan trọng trong tư duy quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn, sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, việc thay đổi như vậy cũng đòi hỏi nhiều chính sách pháp luật khác phải đồng bộ theo.
Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, các nội dung mới về xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… sẽ tạo sự thay đổi cơ bản, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp nhà nước, việc sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới quy trình hoạt động sẽ được thuận lợi, nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, quan điểm giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp từng loại hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực hoạt động và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án. Rất cần luật hóa quan điểm này.
Thực tế, với doanh nghiệp, khi cơ hội kinh doanh đến phải nắm bắt, có thể giai đoạn đầu lỗ, nhưng về sau lãi thì tổng thể vẫn bảo đảm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước. Trong khi đó, là cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ có vài người thẩm định, lại không có quyền thuê chuyên gia, tư vấn, nên việc thẩm định, phê duyệt rất khó khăn, không thể nắm rõ, khó đánh giá, gây chậm trễ, việc sử dụng vốn khó đạt hiệu quả cao nhất…
Hoạt động tuyển tải than tại Công ty cổ phần kinh doanh than Cẩm Phả (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam). Ảnh: Anh Sơn |
Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng cũng đề nghị, nên thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trên cơ sở tổng thể, mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp, không tách bạch đánh giá theo từng dự án đầu tư để từ đó có thể phát huy tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả nhiều năm liền được phép giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vào vốn điều lệ được duyệt nhằm phục vụ đầu tư phát triển các dự án, bảo đảm khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Đánh giá cao việc doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện vai trò to lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước, thực hiện sứ mệnh điều tiết những bất cập và mặt trái của thị trường khi nền kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên, bày tỏ sự trăn trở trước sự quan tâm của nhiều đơn vị đến việc sửa đổi luật này hay cơ chế sử dụng lợi nhuận để lại tăng vốn điều lệ tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng chỉ rõ, nếu không khơi thông được nguồn vốn này, sẽ làm suy giảm hiệu lực của một công cụ quan trọng của nhà nước trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, bất cập của quy định hiện hành đã làm chậm, thậm chí làm mất cơ hội của các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước... Đặc biệt, là vấn đề tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, quyền tự quyết của doanh nghiệp, như: chi trả lương, thu hút người tài… chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải kịp thời lấp các “khoảng trống” pháp lý đó theo hướng tạo bước ngoặt lớn trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.