Sau những "cú chạm"

Theo thời gian, chúng tôi nhận thấy kiến trúc Việt Nam đã thay đổi toàn diện, cởi mở hơn với những xu thế mới, bắt kịp dần với kiến trúc đương đại toàn cầu. Chúng tôi mong muốn được đóng góp về chuyên môn cho sự phát triển, phồn vinh của một "con rồng châu Á" mới. Để làm được điều đó, chúng tôi đã phải nỗ lực một cách phi thường.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia, giải Nhất-Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2006. Ảnh: GMP
Công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia, giải Nhất-Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2006. Ảnh: GMP

Ðiểm khởi đầu

Khoảng giữa năm 2002, người thầy đáng kính của tôi, Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Meinhard Von Gerkan, đã triệu tập một nhóm kiến trúc sư tâm huyết tại văn phòng trụ sở Hamburg, để cùng nghiên cứu ý tưởng thiết kế công trình Tòa nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) theo lời mời của Chính phủ Việt Nam.

Với cá nhân tôi và các đồng nghiệp tại Hamburg, lúc bấy giờ Việt Nam là một địa danh mới trong bản đồ mạng lưới khách hàng toàn cầu của công ty. Dữ liệu trong thư viện và tài liệu tham khảo trước đây về các công trình địa phương Việt Nam tại văn phòng GMP gần như là con số 0. Chúng tôi chưa có cơ hội để hiểu rõ thị hiếu khách hàng và chủ đầu tư địa phương. Chúng tôi cũng không đủ tự tin khi làm việc với các đối tác, nhà thầu phụ, nhà thi công, những người sẽ đồng hành với GMP tại quốc gia này. Nhưng thầy tôi, người sáng lập GMP, đã nói: "Chúng ta làm được! Hãy để ngôn ngữ kiến trúc đối thoại, thay lời muốn nói".

Quả đúng! Năm 2004, GMP chính thức được mời tham gia dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia với phương án nổi tiếng "Lượn sóng Biển Đông". Cá nhân tôi cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà công trình này được chấp thuận bởi đa số thành viên Hội đồng đánh giá và sự phê duyệt của lãnh đạo cấp cao. Một phần, về chuyên môn là do "sự nghiêm cẩn trong khai thác khía cạnh bản địa của một vùng miền xa lạ, có lối sống, phong tục, tập quán khác biệt" của nhóm tác giả, theo như nhận xét gần đây của Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Phần khác, thực tế là thiết kế của chúng tôi mang nét hiện đại, có tính đột phá về thi công và ứng dụng công nghệ vật liệu tiên tiến, thật sự là những gì Việt Nam cần. Cho đến hôm nay, sau một thời gian xây dựng khá lâu, tất cả chúng ta đều thấy các yếu tố nội hàm về "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" được duy trì và ghi dấu ấn rõ rệt tại công trình này.

Vững niềm tin

Là một đơn vị thiết kế quy mô toàn cầu, quan điểm của GMP là tham gia thi tuyển quốc tế để nhận được hợp đồng thiết kế dự án, tạo ra được công việc. Tại Việt Nam, kể cả khi phương án thiết kế đã được giải thưởng, các dự án của GMP vẫn nhận được những nội dung tranh luận của cộng đồng xã hội, trong đó có không ít nội dung mang tính chất "trái chiều". Nhưng, điều đó thật sự có ý nghĩa cho sự sáng tạo và phát triển với những kiến trúc sư thuộc trường phái "Tây phương" chúng tôi, giống như triết lý của Descartes: "Dubito, ergo cogito, ergo sum" (Tôi nghi ngờ, tôi tư duy, nên tôi tồn tại).

Một thí dụ: Công trình Tòa nhà Quốc hội, từ khi đạt giải A về ý tưởng cho đến khi thực hiện phát triển thiết kế, đã phải điều chỉnh rất nhiều, đặc biệt sau khi đồ án được trưng bày để lấy ý kiến cộng đồng và được đánh giá (lại) về chuyên môn. Các nội dung góp ý nhiều đến mức, kiến trúc sư Dirk Heller - chủ nhiệm nhóm thiết kế tại Hamburg đã phải thốt lên rằng: "Đây là khó khăn lớn nhất". Cuối cùng, tòa nhà được đưa vào sử dụng năm 2014, sớm hơn so kế hoạch dự kiến, nhờ nỗ lực không ngừng của một đội kiến trúc sư quốc tế được "địa phương hóa", biết lắng nghe, không ngừng cầu thị.

Với dự án Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh (khánh thành năm 2017), chúng tôi muốn xây dựng một công trình đầu tiên tại Đông Nam Á tuân theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng DGNB của Hội đồng Công trình bền vững ?ức, muốn khẳng định kiến trúc Việt Nam đã sẵn sàng bắt kịp cùng xu thế chung của toàn cầu. Nhưng, thiết kế là một chuyện, thi công lại là vấn đề khác! Là văn phòng thiết kế quốc tế có danh tiếng, tất nhiên, chúng tôi đã đề xuất kỹ thuật xây dựng phức tạp nhất. Tuy nhiên, thách thức của chúng tôi lúc bấy giờ là mặt bằng trình độ của nhà thầu thi công địa phương, điều mà tôi tạm gọi là sự va chạm giữa "low-tech" (công nghệ/kỹ thuật lạc hậu) với "high-tech" (công nghệ/kỹ thuật cao) trong hoạt động xây dựng.

Tôi vẫn nhớ cảnh công nhân đi làm bằng dép xăng-đan nhựa trên một công trình đầy đinh và cốt thép, hoặc cảnh kỹ sư giám sát đi cheo leo trên các xà thép ở độ cao 80 m mà không sử dụng đai an toàn. Tôi cũng không thể quên hình ảnh đại diện nhà thầu xây dựng thất vọng như thế nào khi phải phá bỏ 76 phòng tắm theo thiết kế vì gạch lát không đạt yêu cầu. Tôi cũng khá lo lắng khi chuyên gia Đức đến từ văn phòng Hamburg khăng khăng áp dụng số đo dung sai bằng milimet, trong khi mọi thứ cần chuẩn hóa theo DGNB lại được thực hiện thủ công do thiếu máy móc...

Sau 20 năm, GMP đã hòa nhịp cùng một mái nhà chung của cộng đồng kiến trúc Việt Nam. Chúng ta có một "ngôn ngữ phi biên giới", nơi gắn kết những quan điểm đồng điệu về thiết kế. Người Đức chúng tôi có câu "Wo ein wille ist, ist auch ein Weg" (Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường). Tôi luôn mong chờ được đồng hành cùng với các bạn trên con đường phát triển kiến trúc Việt Nam.

Kiến trúc sư Nikolaus Goetze được biết tới là đồng tác giả một số công trình kiến trúc quy mô, mang ý nghĩa biểu tượng cho một Việt Nam hiện đại, trên đường hội nhập sâu rộng với thế giới. Năm 2012, với công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia, ông và cố Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Meinhard Von Gerkan là nhóm tác giả người nước ngoài đầu tiên được trao giải thưởng cao quý của Việt Nam: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.