Rủi ro khó lường

Đã tròn một năm kể từ khi Tổng thống Nga V.Putin quyết định đưa quân đội vào Ukraine, thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại quốc gia láng giềng đang xúc tiến kế hoạch gia nhập NATO. Trong cuộc chiến ở Ukraine, mỗi bên tham gia đều đặt ra các mục tiêu chiến lược của mình nhưng việc tìm hiện thực hóa các mục tiêu ấy ẩn chứa những rủi ro khó lường và không phải khi nào cũng đạt được!
0:00 / 0:00
0:00
Lính Ukraine bắn lựu pháo PzH-2000 của Đức tại vùng Donetsk tháng 2/2023. Ảnh | REUTERS
Lính Ukraine bắn lựu pháo PzH-2000 của Đức tại vùng Donetsk tháng 2/2023. Ảnh | REUTERS

Con đường đến với NATO va phải thực tại khắc nghiệt

Mục tiêu chiến lược của Chiến dịch quân sự đặc biệt, theo tuyên bố ban đầu từ phía Nga, là nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine.

Bảy tháng sau, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là “bảo vệ người dân Donbass, loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.

Có thể thấy ông S.Lavrov đã bổ sung thêm một nội dung rất quan trọng là “loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga” và dường như đây mới chính là mục tiêu mà chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga hướng tới. Ông S.Lavrov cũng không hề giấu giếm tầm quan trọng của nội dung này khi nói rõ trong cuộc phỏng vấn: “Với việc phương Tây sử dụng Ukraine để kiềm chế Nga, nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng loạt nước cộng hòa trong thành phần Liên bang cũ và các quốc gia Đông Âu trước đây chuyển hướng sang phương Tây mà một trong những biểu hiện rõ nét nhất là gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ cầm đầu. Với việc kết nạp thêm các thành viên mới theo nhiều đợt, đường biên của NATO nhích dần tới biên giới nước Nga và khi ba nước cộng hòa ven biển Baltic gia nhập NATO, khối liên minh quân sự này đã có biên giới chung với Nga!

Năm 1991, Ukraine tách ra khỏi Liên Xô, tuyên bố độc lập. Một tiến trình để gia nhập NATO bắt đầu được xúc tiến. Tuy nhiên, đến năm 2010, ông Viktor Yanukovich đắc cử Tổng thống Ukraine đã ra sắc lệnh giải tán hai cơ quan nhà nước được thành lập để xúc tiến việc gia nhập NATO để đảm bảo Ukraine sẽ không tham gia bất kỳ khối quân sự nào và duy trì một đường lối trung lập giữa Nga và phương Tây.

Nhưng đến năm 2014, phong trào Euromaidan nổ ra, ông Yanukovych bị bãi bỏ tư cách tổng thống. Những người kế nhiệm đã đưa Ukraine quay trở lại con đường đến với NATO. Năm 2019, Hiến pháp Ukraine bổ sung thêm câu: “định hướng chiến lược của Ukraine nhằm trở thành thành viên thực thụ của Liên minh châu Âu và NATO”.

Vậy nhưng mục tiêu chiến lược đó của NATO đã va phải một thực tại khắc nghiệt khi ngày 24/2/2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm loại bỏ những mối nguy an ninh đối với nước này nếu như việc Ukraine gia nhập NATO trở thành hiện thực.

Từ chiến tranh chớp nhoáng sang chiến tranh tiêu hao

Hẳn nhiên, khi quyết định đưa quân vào Ukraine để triệt tiêu mối nguy an ninh nước này có thể trở thành thành viên NATO, phía Nga mong muốn một cuộc chiến chớp nhoáng ít tổn thất về sinh mạng cũng như trang bị vũ khí khí tài. Moscow cũng thừa hiểu rằng nếu kéo dài cuộc chiến, phương Tây sẽ không dễ dàng để yên như đã từng xảy ra khi Nga chớp nhoáng sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu ý dân năm 2014.

Điều này lý giải về sự có mặt của các đơn vị đổ bộ hàng không quân đội Nga ở sân bay vận tải quân sự Antonov cách Kiev có 25km ngay trong những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt. Các cánh quân của Nga cũng từ nhiều hướng áp sát các trung tâm chính trị, kinh tế quân sự của Ukraine như Kiev, Kharkov, Kherson... Ngay cả các thành phố xa xôi như Lvov, Odessa cũng bị trực tiếp pháo kích hoặc đe dọa pháo kích...

Tuy nhiên, sự dàn mỏng lực lượng trên nhiều hướng, nhiều mặt trận khiến cho cuộc chiến đã không thể kết thúc nhanh chóng theo dự tính của Moscow. Những con số thiệt hại của hai bên hoặc bị thổi phồng, hoặc được giữ kín không cho thấy một bức tranh toàn cảnh thật sự của cuộc chiến nhưng qua những lần Nga điều chỉnh chiến lược trên chiến trường (bỏ mặt trận phía Bắc quay về Donbass, bị nghi binh ở Kherson phải lùi ở mặt trận Kharkov, bỏ một phần Kherson để bảo toàn lực lượng...), có thể thấy một cuộc chiến tranh chớp nhoáng như dự tính đã biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao.

Trong cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài này, Moscow vẫn chiếm lợi thế so với Kiev bởi đơn giản là một cường quốc thế giới, Nga có quy mô của nền kinh tế, nguồn tài nguyên dồi dào và tiềm lực của nền công nghiệp quốc phòng vượt trội so với Ukraine. Nếu chiến tranh càng kéo dài, Ukraine sẽ khó mà so đọ được với Nga bởi sự chênh lệch về quy mô và nguồn lực giữa hai bên là quá lớn.

Nhưng có lẽ Nga không tính được sự chênh lệch đó đã được Mỹ và phương Tây bù đắp khá hữu hiệu.

Tại diễn đàn Railway Direction Days 2022, Đại tá Quân đội Mỹ Todd Ellison được cổng thông tin Rynek Kolejowy của Ba Lan dẫn lại lời cho biết trong năm 2022, Ukraine đã nhận 500 chuyến tàu chở vũ khí và đạn dược do các nước phương Tây gửi tới. Dựa trên các tuyên bố chính thức của các quốc gia viện trợ và ước tính của các phương tiện truyền thông, tổng số tiền viện trợ mà Ukraine đã nhận được từ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự cuối tháng 2/2022 được cho là hơn 150,8 tỷ USD. Con số này gấp gần 3 lần so với ngân sách của Ukraine trong năm 2022 là 55,5 tỷ USD. Còn theo ước tính của Hãng tin TASS, kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã nhận được hơn 48,5 tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây, gần bằng ngân sách quốc phòng năm 2022 của Nga.

Chính nhờ có những sự hỗ trợ khổng lồ này mà cho dù bị mất thêm một số vùng đất, một số thành phố nhưng về cơ bản Ukraine đã có thể đứng vững trong vòng một năm qua.

Làm suy yếu Nga đến hết mức có thể!

Khi quyết định tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine, mục tiêu chiến lược của Mỹ không gì khác hơn là làm suy yếu nước Nga đến hết mức có thể, lấy lại uy tín, ảnh hưởng sau những thất bát ở Iraq và đặc biệt là cuộc rút lui trong hỗn loạn ở Afghanistan. Đây cũng là cơ hội vàng để Mỹ gia cố lại mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với các thành viên NATO và ngoài NATO ở châu Âu.

Để có thể đạt được mục tiêu chiến lược làm suy yếu Nga, Mỹ đã huy động tổng lực các phương tiện, biện pháp nhằm vào các lĩnh vực khác nhau của Nga, từ quân sự, chính trị đến kinh tế, ngoại giao.

Vũ khí của Mỹ cung cấp cho Ukraine chắc chắn đã làm suy yếu sức mạnh quân sự của Nga, chưa kể còn biến Ukraine thành một bãi thử khổng lồ để kiểm chứng năng lực vũ khí của cả hai bên.

Mới tính đến tháng 9/2022, Nga đã hứng chịu 11.000 lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động toàn diện lên lĩnh vực tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga. Các biện pháp trừng phạt nghiệt ngã đặc biệt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt với hy vọng bẻ gãy xương sống của nền kinh tế Nga, qua đó hy vọng hạn chế dòng tiền tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Về ngoại giao, văn hóa thể thao, Nga bị tiến công trên các diễn đàn quốc tế, kể cả ở LHQ, bị kêu gọi cô lập ở khắp nơi. Ngay các vận động viên Nga cũng bị cấm thi đấu ở các cuộc tranh tài quốc tế, nhiều tiết mục văn hóa bậc thầy nghệ thuật cổ điển Nga bị loại khỏi các danh mục biểu diễn ở các nhà hát tại phương Tây...

Thế nhưng có vẻ như tất cả những mục tiêu chiến lược mà Mỹ đặt cược vào cuộc chiến ở Ukraine đang gặp phải những thách thức lớn. Nền kinh tế Nga, như lịch sử cuộc chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ 2 cho thấy, một khi đã bật công tắc sang chế độ thời chiến có khả năng hồi phục mạnh mẽ, đủ khả năng sản xuất các trang thiết bị bù đắp cho chiến trường. Điều đó có nghĩa là viện trợ của Mỹ và phương Tây cho Ukraine sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Những biện pháp trừng phạt đánh vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga cũng hầu như phá sản trong năm 2022 khi giá dầu mỏ trên thế giới tăng mạnh sau khi chiến tranh nổ ra, đồng thời Nga cũng tìm được nhiều bạn hàng mới ở châu Á, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc đóng vai trò then chốt.

Một mục tiêu chiến lược khác của Mỹ là liên tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine để chiến đấu với Nga nhưng lại phải bằng mọi giá ngăn ngừa chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra. Để thực hiện mục tiêu này, việc liên tục tuyên bố rằng các lực lượng Mỹ và phương Tây “sẽ không trực tiếp tham chiến” ở chiến trường Ukraine là chưa đủ. Chiến lược viện trợ “leo thang” của Mỹ và phương Tây cho Ukraine rõ ràng ẩn chứa những rủi ro khó lường bởi không một ai biết là Nga sẽ phản ứng đến mức độ nào trước việc những vũ khí ngày một tiên tiến của Mỹ và phương Tây tiếp tục xuất hiện trên chiến trường.