Bản sắc

Rực rỡ sắc màu Bun Pi May

Hằng năm, khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, cũng là lúc nhân dân các dân tộc Lào tưng bừng tổ chức lễ hội đón mừng năm mới. Bun Pi May là lễ hội quan trọng nhất trong năm, mang đậm bản sắc văn hóa cũng như phong tục, tập quán của Lào, là dịp người dân Lào cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân hào hứng thực hiện nghi thức té nước trong lễ hội. Ảnh | TRỊNH DŨNG
Người dân hào hứng thực hiện nghi thức té nước trong lễ hội. Ảnh | TRỊNH DŨNG

Đây cũng là dịp để người dân Lào, đặc biệt là những người đi làm việc ở nơi xa, có thể trở về quê để cùng đón Bun Pi May với gia đình, gặp gỡ họ hàng, bạn bè; trở về thăm hỏi cha mẹ, thực hiện nghi thức “sổm-ma” cầu xin cha mẹ tha thứ cho những lỗi lầm trong năm cũ. Ở mức độ lớn hơn, đây còn là lễ hội cấp quốc gia, là một nét phong tục tập quán quan trọng của người dân Lào.

Vào dịp này, những chiếc vòng xinh xắn kết từ hoa chăm-pa, hoa muồng hoàng yến được người Lào dành tặng cho người thân, bạn bè, hoặc dùng trang trí nhà cửa với mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc.

Tiến sĩ Boonsri Phuthavong, Phó Viện trưởng Nghiên cứu khoa học xã hội, Viện Kinh tế-xã hội quốc gia Lào cho biết, Tết cổ truyền Bun Pi May diễn ra trong ba ngày theo Phật lịch (thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13 đến 16/4 dương lịch), với bốn nghi lễ quan trọng theo văn hóa truyền thống của Lào, gồm: tắm tượng Phật, té nước, rước Nữ chúa xuân và buộc chỉ cổ tay.

Trong đó, đặc trưng nhất là nghi lễ té nước (Hốt-nặm), thể hiện mong muốn của người Lào cầu cho mùa mưa đến mang lại sự sống, mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc.

Rực rỡ sắc màu Bun Pi May ảnh 1

Nghi lễ tắm tượng Phật. Ảnh | LAO TOURISM

Ngày đầu tiên của Bun Pi May được gọi là Ngày tiễn năm cũ, cũng là ngày thực hiện nghi lễ tắm tượng Phật (Sống-phạ). Trong ngày này, người dân Lào chuẩn bị nước sạch để ướp hương các loại hoa như hoa chăm-pa (quốc hoa của Lào), hoa muồng hoàng yến làm nước thơm.

Khi các bức tượng Phật được rước ra khỏi chùa, người dân Lào sẽ đến thực hiện nghi lễ Sống-phạ, tắm nước thơm cho các pho tượng Phật, cầu mong ban phúc cho cha mẹ, người thân một năm mới mạnh khỏe, an bình, may mắn, hạnh phúc.

Người Lào tin rằng, vào mỗi dịp Bun Pi May, nếu thực hiện nghi lễ Sống-phạ tại đủ chín ngôi chùa sẽ càng được nhiều phúc phần, mang lại nhiều may mắn trong năm.

Sau khi tắm cho các pho tượng Phật, nước thơm được người dân Lào hứng lại, mang về để té lên người thân, bạn bè, với niềm tin nhằm gột rửa, thanh lọc những điều không may, tránh xa bệnh tật và chúc nhau một năm mới an bình, may mắn, hạnh phúc. Nước thơm cũng được xức lên nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất với mong muốn một năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn thịnh vượng.

Ngày thứ hai của Bun Pi May được gọi là Ngày giao thời, là ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong ngày lễ thứ hai, người Lào ở mọi lứa tuổi thường cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, lối xóm và hào hứng thực hiện nghi lễ té nước (Hốt-nặm) với mong muốn gột rửa những sai lầm của năm cũ, đón năm mới với những điều tốt lành nhất. Nghi lễ Hốt-nặm được người Lào tiến hành rất nhẹ nhàng, tinh tế.

Những người trẻ tuổi, con cháu thành kính té một chút nước lên người cha mẹ và người thân với niềm tin nhằm gột rửa những điều không may, bệnh tật và cầu chúc một năm mới mạnh khỏe, bình an, may mắn, hạnh phúc. Sau đó, cha mẹ, người thân sẽ chúc phúc cho con cháu.

Chị Miwlamai Maniphet, 26 tuổi, đang sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn cho biết, hiện nay nghi lễ Hốt-nặm của người Lào cũng đã có nhiều biến đổi, mọi người dù không quen biết cũng có thể té nước cầu chúc cho nhau.

Rực rỡ sắc màu Bun Pi May ảnh 2

Du khách nước ngoài tham gia té nước cầu may. Ảnh | QUANG PHÚC

Vào mỗi dịp Bun Pi May, người Lào thường chuẩn bị những xô nước lớn, để sẵn trước cửa nhà hoặc trên xe để té nước chúc mừng năm mới. Trong những ngày lễ hội, dù khách lạ hay quen, người Lào đều thể hiện sự tiếp đón ân cần và sự quý trọng bằng những “gầu” nước dội lên khắp người khi đến thăm. Người được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng cảm thất vui mừng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm và được nhiều người yêu mến.

Ngày cuối cùng của lễ hội là ngày Tân niên. Trong ngày này, nhiều gia đình tổ chức Lễ buộc chỉ cổ tay (Lễ Ba-xỉ xu-khoẳn) để chúc phúc, tặng quà nhau và mong được người lớn tuổi tha thứ cho những lỗi lầm đã phạm phải trong năm cũ.

Nghi lễ Ba-xỉ xu-khoẳn mang ý nghĩa đoàn tụ giữa những người thân trong gia đình vào mỗi dịp năm mới, nhằm động viên, cầu chúc cho nhau mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc. Vào cuối ngày Tân niên, các pho tượng Phật được trang trọng rước vào tọa bàn lại trong những ngôi chùa. Dịp này, người dân thường đến chùa cầu xin tha thứ nếu trong quá trình tắm tượng Phật vô tình sờ vào tượng Phật và làm lễ rước nến đi quanh chùa để kết thúc Bun Pi May.

Lễ hội đón năm mới của người Lào cũng là dịp diễn ra nhiều hoạt động gắn liền với sông nước, trong đó có lễ hội đua thuyền thường được tổ chức ở nhiều nơi. Những chiếc thuyền đua đều được trang trí thật rực rỡ và độc đáo nhằm bày tỏ sự tri ân với các vị Thần nước, với tổ tiên đã phù hộ cho một năm làm ăn yên ổn, hòa thuận.

Chị Vilasone Vongaphai, 24 tuổi, đang sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn chia sẻ, bên cạnh những nghi lễ truyền thống, vào mỗi dịp Bun Pi May, người Lào cũng thường rủ nhau ra bờ sông, xúc những xe cát đầy chở về đắp thành những ụ cát bao quanh các gốc cây cổ thụ nơi sân chùa, rồi trang trí bằng những dải lụa mầu sắc.

Lại có người chăng lên những ụ cát chỉ ngũ sắc để trẻ em chơi đùa chung quanh, người lớn chuyện trò vui vẻ và cầu nguyện sang năm mới có nhiều điều phúc như những ụ cát.

Một trong những nghi lễ được đông đảo người Lào tham gia vào mỗi dịp Bun Pi May là nghi lễ rước Nữ chúa xuân. Nữ chúa xuân, tiếng Lào là Nang Xẳng-khản, là một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt Kabinlaphom - thần của bầu trời, là người thông thái nhất, là vị thần mang những điều tốt lành tới cho người dân Lào.

Trước lễ hội hằng năm, các địa phương ở Lào sẽ tổ chức các cuộc thi hoa hậu, nhằm chọn ra bảy cô gái xinh đẹp để đóng vai bảy người con gái của thần Kabinlaphom. Trong đó, cô gái xinh đẹp nhất sẽ đóng vai Nang Xẳng-khản. Nghi lễ được tổ chức thành đoàn rước, dẫn đầu là Nang Xẳng-khản, một tay cầm gươm, cưỡi trên mô hình loài vật tượng trưng cho năm mới, được bao quanh bởi sáu người chị em gái xiêm y rực rỡ, tưng bừng diễu hành trên đường phố.

Ði theo đoàn rước là một dòng người nối tiếp nhau vừa đi vừa múa hát. Người dân xếp thành hàng hai bên vui mừng té nước mát cho đoàn diễu hành, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.

Người Lào sống hiền hòa, hướng thiện, có văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao. Vào mỗi dịp lễ hội, người Lào đều cùng nhau ca hát, nhảy múa. Trong đó, múa lăm-vông là một hoạt động gắn liền với đời sống của người dân Lào từ xa xưa.

Với người dân Lào, lăm-vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5. Lăm-vông là hoạt động tập thể kết hợp giữa hát và múa chuyển động theo hình vòng tròn theo giai điệu của 18 làn điệu, như Lam Khonsavanh, Lam Mahaxay, Lam Tangwai, Khap Xieng Khuang, Khap Xam Neua...

Múa lăm-vông tuy dễ học nhưng cũng có những nguyên tắc riêng, đòi hỏi sự mềm dẻo của cơ thể, nhất là đôi bàn tay. Phụ nữ Lào khi múa lăm-vông có động tác vừa cuộn bàn tay, ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong, nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi. Nam giới thì di chuyển chậm, nhịp nhàng từng động tác, theo điệu nhạc để “nương” theo bạn nhảy.

Trước khi bắt đầu điệu múa, từng cặp nhảy sẽ chào nhau bằng cách chắp tay trước ngực. Nữ đứng vòng trong, nam đứng vòng ngoài. Người nam sẽ múa từ ngoài vào trong, phụ nữ thì ngược lại, múa từ trong ra ngoài.

Theo Tiến sĩ Boonsri Phuthavong, người dân Lào vốn luôn lạc quan, yêu đời, do đó dù ở bất cứ đâu, lăm-vông cũng là hoạt động không thể thiếu vì nó tạo nên tinh thần đoàn kết cộng đồng, là chất xúc tác để mọi người gắn bó với nhau.

Tiến sĩ Boonsri cũng cho rằng, để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn điệu múa lăm-vông cho những thế hệ sau, cần tránh pha trộn những nét văn hóa khác vào điệu múa truyền thống của Lào. Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần truyền dạy để cho con cái biết phân biệt giữa điệu múa lăm-vông truyền thống của Lào với những điệu múa khác.