Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn:

Rời phố để thêm yêu phố

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ sống ở phố cổ Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn đã từng trải qua những cơn nhớ phố đến quay quắt, đến độ từng làm hẳn một loạt sáng tác Nhớ về Hà Nội, bày ngay tại Hà Nội. Rời phố cổ về khu vực Kim Mã, rồi nay, rời hẳn phố về "làng" ở huyện Hoài Đức, ông chỉ còn biết đưa tâm tư về phố và làng vào trong sáng tác nghệ thuật của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Rời phố để thêm yêu phố

Ký ức làng hằn in tâm trí tuổi thơ

- Bao nhiêu năm qua, ông vẽ làng quê rất nhiều, còn đưa làng vào gốm, vào các trưng bày trong không gian đa chiều của mình nữa, trong khi ông là người phố cổ. Vì sao vậy, thưa ông?

- Tôi là người phố cổ, đúng vậy, nhưng những biến cố gia đình khiến tôi sớm tham gia vào đội quân "chuyền" tàu điện, từ lúc 9, 10 tuổi, để đi bán kem, nước vối. Tôi còn nhớ như in, mình hai vai hai thùng kem năm xu, tay cầm thêm cái ấm nước vối, trên nắp còn úp hẳn ba chiếc bát sứ, mà cứ thoăn thoắt nhảy từ tàu nọ sang tàu kia, từ Bờ Hồ theo về các vùng Cầu Giấy, Hà Đông, khi đó còn là vùng quê xa ơi là xa, để kiếm sống... Len lỏi vào các làng quê để bán hàng, cảnh quan ở đó nhập tâm tôi lúc nào. Lớn lên, lại đi vẽ nhiều, từ làng miền xuôi lên miền ngược, những nếp nhà thấp nhỏ, lô xô, lẫn trong cây cứ nối nhau trải dài trong tâm trí tôi, đôi khi nó như cảnh ở chợ quê, người ta xếp xe đạp thồ dài hàng dãy, xe nào cũng như xe nào với hai cái sọt thồ to tướng đeo hai bên bánh sau...

- Ý của ông là ông vẽ làng mà thật ra là vẽ tâm trí mình? Vậy còn phố, nó ở đâu trong tâm trí ông?

- Nó vẫn luôn ở đây. Tôi nhảy tàu điện về Hà Đông, thấy ở đó có những nếp nhà chẳng khác gì nhà nơi phố Hàng Chĩnh, Hàng Vải. Nếu nói tôi thuộc từng viên gạch lát quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm xưa thì hơi quá nhưng chẳng có gì phai mờ: cuối tuần ở sân khấu nhỏ trước cửa nhà Thủy Tạ, khi đó còn là cái thư viện, tài tử Ngọc Bảo biểu diễn, cạnh Thủy Tạ là ki-ốt bán nước giải khát của bà Tộ béo, bán nộm bò khô của một chú người Hoa; từ Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza-PV) nhìn sang có cái ki-ốt bán hoa, đẹp ơi là đẹp mà sau này, tuy bị phá đi nhưng tôi lại thấy mẫu hình của nó ở Hà Đông, Hải Phòng... Lại còn mầu trắng của bình vôi treo ở gốc đa giữa phố Hàng Gai gần nhà tôi nữa chứ, không thể quên được cái mầu trắng ấy, trắng mà không bạc... Tôi đã tìm cách đưa được nó vào trong tranh và gốm của mình...

Rời phố để thêm yêu phố ảnh 1
Làng, bột mầu, 60x80cm, 2022. Ảnh: NVCC

Làng nơi phố, phố trong "làng"

- Tôi biết là ông cũng vẽ nhiều cảnh phố cổ Hà Nội.

- Chẳng cứ tôi mà có lẽ bất kỳ họa sĩ nào từng đến đây đều muốn vẽ nó. Phố cổ Hà Nội có cái gì đó rất kỳ lạ, một nét duyên mà không biết mô tả thế nào bằng lời. Nhưng thú thật là khi tôi ở Hàng Gai, chật chội, tất cả mọi sinh hoạt chung trong gia đình bốn người đều quanh mấy mét vuông ấy, nhiều lúc chỉ mong ba người kia đi vắng hết để mình chiếm chỗ vẽ một lúc, thế là có đôi khi, cũng vẽ cố cho xong. Tôi chưa ưng ý. Nếu ông giời cho tôi sức khỏe thì tôi sẽ còn cố gắng để làm được một cái gì đó đầy đặn hơn nữa trong nghệ thuật về Hà Nội của mình.

- Phải chăng sự chật chội ấy là lý do khiến ông chủ động rời phố cổ về những nơi rộng rãi hơn?

- Vâng, tôi chủ động rời đi. Không hẳn chỉ vì sự rộng rãi hơn hay tiện nghi hơn trong cuộc sống vật chất đâu, mà còn vì lẽ khác. Nói sao cho bạn hiểu nhỉ... Nhiều bạn cùng học cấp 1 với tôi, 10 đứa thì đi cả chín rồi. Mỗi khi ngồi lại với nhau, đều chung ý nghĩ, nói thật là vì yêu Hà Nội quá, yêu đến phát ghét, yêu đến nỗi phải rời đi để yêu hơn, như ta yêu một người mà biết là... Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác yêu một ai đó đến thế, bạn sẽ hiểu.

- Không gian sống khác làm thay đổi ông như thế nào?

- Không thay đổi gì nhiều trong nội tâm. Chúng tôi được thừa hưởng sự giáo dục nền nếp của gia đình, ngoài tính kỷ luật còn có sự cố gắng hiểu biết nhiều nhất có thể để dù có rơi vào hoàn cảnh nào, vẫn sống được. Tôi thì tám, chín tuổi đã đan len xuất khẩu, 10 tuổi thì đã biết nướng mắt kính thành thạo, rồi như tôi đã kể là nhảy tàu điện bán kem... Mọi giác quan cứ giương hết lên, mở rộng hết cỡ để thu nhận kiến thức, kinh nghiệm. Khi trưởng thành, càng hiểu hơn rằng đó không chỉ là việc giữ gia phong mà còn là giữ được vẻ tinh tế, trực giác bén nhạy của người phố cổ. Đi đến đâu cũng học hỏi để rèn giũa chính mình, thoáng cái là hiểu ý người để tránh mọi va chạm thô thiển.

Nhưng việc rời "phố Hàng" về làng phần nào tác động đến sáng tác của tôi. Khu vực Kim Mã, vốn xưa cũng là một làng, nay lên phố thị, lối sống ở đó khác hẳn nơi phố cổ và chúng tôi cũng cần thích nghi. Có gì đó dân dã hơn, thông tục hơn, lại vẫn còn nếp tình làng nghĩa xóm, làm cho nhãn quan của cá nhân tôi như rộng mở thêm. Rồi nay, về tận Hoài Đức! Trước, ra đường là không ai biết ai, nay mới ra cửa, là nghe thấy "chào bác", "chào ông ạ", rồi mình cũng chào lại, thành ra tình cảm hơn. Có sự cởi mở hơn trong chính tôi về cuộc sống quanh mình, lại có thêm thời gian quan sát chi tiết hơn về từng thứ chung quanh, cái cây, ngọn cỏ... nên tôi cảm thấy trong loạt tranh mới vẽ ở Hoài Đức này, khổ tranh to hơn đã đành (cười) mà chi tiết cũng nhiều thêm lên... Tranh lớn hơn, chứa đựng nhiều thứ, nhiều điều hơn, có thể là sự rộng mở, khác với nỗi chật hẹp bé con ở nhiều bức tranh hồi tôi vẽ cho xong ở Hàng Gai.

- Nhưng trong sự rộng mở ấy, vẫn có "phố" chứ, thưa ông?

- Như tôi có nói lúc nãy đấy, tranh vẽ làng của tôi, đúng là làng của riêng tôi thôi, là những hình ảnh hằn in trong tâm trí: có làng xã ở Hà Đông thuở tôi nhảy tàu điện đi bán kem, lại có phố Hàng Chĩnh, Hàng Vải một thuở thấp thoáng, lại có cả những ôm ấp tình cảm làng xóm, có cả những tinh tế quan sát từ cuộc sống hôm nay mà nhờ ở làng, tôi mới có thể tĩnh tại suy ngẫm... Cắt một góc làng là thấy phố nhưng nhiều góc phố quây tụ mới thành một làng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện chân thành!

Nguyễn Bảo Toàn nguyên là cán bộ của Xưởng phục chế, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông được biết đến là một nghệ sĩ tiên phong thực hành nghệ thuật sắp đặt và trình diễn với rất nhiều triển lãm cá nhân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, New York, Vermont (Mỹ). Ông còn là nghệ sĩ gốm được mời tham gia nhiều trại sáng tác gốm ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông với gốm có tên Ðất qua lửa (Hà Nội, 1994); nhiều triển lãm hội họa, gốm, sắp đặt và trình diễn ghi dấu ấn cá nhân đậm nét của ông có thể kể đến: Ðồng đội (năm 1997), Rằm tháng Bảy (năm 1999), Mùa vàng (năm 2003), Hối tụ (năm 2004), Cảm xúc Tháng Mười (năm 2008), Gốm Bảo Toàn (năm 2014), Ðất và Dó (triển lãm chung với họa sĩ Lý Trực Sơn, năm 2017)...