An toàn giao thông

Quá khổ vì “lô cốt”

Hàng loạt tuyến đường trọng điểm ở Hà Nội nhiều năm qua luôn trong tình trạng bị rào chắn để phục vụ việc thi công các công trình giao thông. Nhiều “lô cốt” chiếm phần lớn lòng đường khiến việc đi lại của người dân chưa hết khổ.
0:00 / 0:00
0:00
Rào chắn thi công cầu Vĩnh Tuy 2 thu hẹp lòng đường khiến hàng nghìn phương tiện ùn ứ kéo dài vào giờ cao điểm. Ảnh | NGUYỄN BẮC
Rào chắn thi công cầu Vĩnh Tuy 2 thu hẹp lòng đường khiến hàng nghìn phương tiện ùn ứ kéo dài vào giờ cao điểm. Ảnh | NGUYỄN BẮC

Những năm gần đây, tỷ trọng đất dành cho giao thông ở Hà Nội còn thấp hơn nhiều so với quy định, trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao gây nên tình trạng quá tải đô thị. Khắc phục tình trạng này, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Những công trình lớn này từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng quỹ đất dành cho giao thông.

Dù tăng dần từng năm, nhưng theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi tốc độ tăng trưởng của ô-tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm, nhưng tỷ lệ diện tích dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 10,2% (Hà Nội là đô thị loại đặc biệt thì phải đạt 24%). Chỉ tính riêng số phương tiện do Công an thành phố Hà Nội hiện đang quản lý đã lên tới hơn 7,6 triệu.

Đáng nói là nhiều dự án còn chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn liên tục khiến việc thi công dang dở, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với thành phố Hà Nội là khoảng 1 tỷ USD/năm. Hàng trăm “lô cốt” giữa Thủ đô vừa lấn chiếm lòng đường, vừa chậm tiến độ đã gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Năm này qua năm khác, các “lô cốt” vẫn án ngữ bền vững còn việc thi công thì chậm chạp, phần lớn máy móc và nhân lực không hoạt động. Trong khi lượng xe lưu thông thì quá lớn, nắng thì bụi bặm, mưa thì ngập lụt.

Điển hình là những khu vực thi công tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội, sau nhiều năm người dân khổ sở trên trục đường từ Cầu Giấy đến đường 32, vừa mới thoát được cảnh tắc đường mỗi khi giờ tầm, thì nay lại tiếp tục chịu đựng len lỏi khi di chuyển qua điểm thi công đoạn ga S9 (Kim Mã), ga S10 (phố Cát Linh), ga ngầm S11 (Quốc Tử Giám), ga ngầm S12 (Trần Hưng Đạo).

Không chỉ những công trình giao thông dang dở đang làm khó người dân, mà gần đây, hàng loạt “lô cốt” thuộc dự án của Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá được dựng lên rồi bỏ hoang suốt hơn một năm qua, chiếm dụng 2/3 lòng đường trên tuyến đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội).

Đáng chú ý, những giếng thi công này được quây tôn kiên cố xong bỏ hoang, gần như không có hoạt động thi công nào diễn ra bên trong rào chắn. Trên đường Nguyễn Xiển nhiều ngày qua xuất hiện thêm nhiều điểm quây tôn để phục vụ thi công hố ga (cũng thuộc dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá). Vào giờ cao điểm, đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc, nay việc rào đường quây tôn chiếm quá nửa lòng đường, càng khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn, người dân di chuyển qua đây như một cực hình.

Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc thi công các công trình trọng điểm là cần thiết nhưng phải bảo đảm lợi ích, hạn chế ảnh hưởng người dân. Đường vừa thi công, vừa sử dụng thì quây tôn là bắt buộc phải có để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đi lại, đồng thời phải có phương án tổ chức phân luồng giao thông từ xa, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, chủ động thay đổi lộ trình.

Không ít người ví von cảnh tắc đường ở Hà Nội đã trở thành đặc sản. Anh Dương Văn Hưng (nhà ở quận Đống Đa) than thở: “Quê tôi ở Bắc Giang. Từ quê về đi cao tốc chỉ mất hơn 1 tiếng. Nhưng từ cầu Thanh Trì về đến nhà cũng mất thời gian tương tự mà xăng lại tốn hơn. Nhiều lúc muốn chuyển ra ngoại thành nhưng vì làm việc ở trung tâm, nên món “đặc sản” Hà Nội này không thể dùng “thường xuyên” được”.