Những mùa đổi thay trên quê hương Ninh Bình

Từ độ cao lặng im của bầu trời, Ninh Bình trải ra như một bức tranh sống - nơi màu xanh non của lúa, sắc thẫm của vườn cây quyện cùng gam nâu trầm mặc của di sản, đan xen những tia sáng hiện đại từ các khu công nghiệp, đô thị mới. Nhưng hơn cả cảnh sắc, chính con người nơi đây - những người đang cần mẫn sống, làm việc và kiến tạo - mới là nét chấm phá sinh động nhất, đang từng ngày vẽ tiếp hành trình đổi mới trên vùng đất cố đô nghìn năm tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng hoa tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh. Ảnh | TRƯỜNG GIANG
Mô hình trồng hoa tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh. Ảnh | TRƯỜNG GIANG

Bước vào năm 2025, thời điểm quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, Ninh Bình đặt ra những mục tiêu: Tăng trưởng GRDP đạt 12%, GRDP bình quân đầu người khoảng 105 triệu đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 45%. Phía sau những con số ấy là khát vọng phát triển vững vàng, là niềm tin được ươm mầm từ từng vùng đất, từng mùa màng, từng con người.

Từ những nút thắt hiện thực...

Vài năm trở lại đây, khi Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - một đô thị di sản thiên niên kỷ, thì nông thôn chính là nền móng quan trọng để hiện thực hóa khát vọng đó. Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vẫn còn đó nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Trước tiên là vấn đề đất đai, tài nguyên căn cốt trong sản xuất nông nghiệp. Theo quy hoạch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, quỹ đất nông nghiệp sẽ giảm khoảng 20.000 ha so với hiện trạng, đặc biệt đất trồng lúa giảm mạnh tới 15.000 ha. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá nhanh mà chưa có kế hoạch bài bản dễ khiến nông dân gặp khó khăn trong việc ổn định sản xuất, ảnh hưởng an ninh lương thực và sinh kế người dân.

Không chỉ vậy, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn đang đối mặt với tình trạng sở hữu đất manh mún, một mảnh ruộng vài trăm mét chia cho nhiều hộ cùng sản xuất, gây cản trở lớn đến việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật.

Thách thức lớn tiếp theo là lao động. Trong khi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, phần lớn lực lượng lao động trẻ rời bỏ nông thôn, để lại hoạt động nông nghiệp trong tay người già, phụ nữ, những người vốn gặp khó khăn trong tiếp cận và vận hành công nghệ. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm giảm năng suất lao động, chậm quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất hiện đại.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tuy đã có bước tiến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa phù hợp thực tiễn. Hệ thống hợp tác xã tuy nhiều về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế, phần lớn vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống, chưa gắn kết chuỗi giá trị. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít, chủ yếu là buôn bán vật tư, chưa thật sự tạo ra giá trị gia tăng từ nông sản.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã làm thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước và đe dọa tính bền vững của hệ sinh thái đồng ruộng , nơi từng là môi trường sinh sống phong phú của nhiều loài sinh vật hữu ích.

Những mùa đổi thay trên quê hương Ninh Bình ảnh 1

Chuyển đổi mô hình trồng hoa màu từ đất lúa kém hiệu quả tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh. Ảnh | YẾN TRINH

... đến những chuyển mình bền vững

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng điều dễ nhận thấy là Ninh Bình không đứng im trước thách thức. Từ tỉnh đến các địa phương đều có những bước đi chủ động và linh hoạt nhằm tháo gỡ nút thắt và khơi thông nguồn lực phát triển.

Tỉnh đã xác định rõ, để tiến nhanh thì phải tiến chắc. Do đó, nhiều kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa giữa phát triển đô thị và duy trì sản xuất nông nghiệp. Mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” bước đầu được đề xuất như một giải pháp đột phá, nơi người dân có thể gửi đất, tạo ra lợi tức thay vì bỏ hoang.

Trong khi đó, công nghệ ngày càng được ứng dụng sâu rộng vào sản xuất. Các mô hình trồng rau quả công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất nhuyễn thể giống tại Kim Sơn hay vùng trồng dứa xuất khẩu tại Tam Điệp đã khẳng định hiệu quả rõ rệt. Một số mô hình đạt doanh thu lên đến 1,5-2 tỷ đồng/ha/năm.

Song hành với sản xuất nông nghiệp hiện đại, Ninh Bình đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn. Không chỉ có các làng nghề, sản phẩm OCOP đặc sắc, mà các giá trị văn hóa truyền thống như hát xẩm, chèo, dân ca được tái sinh mạnh mẽ, trở thành những sản phẩm du lịch đậm chất hồn quê.

Ở xã Khánh Tiên, mỗi tối cuối tuần, tiếng trống chèo vang lên không chỉ kết nối các thế hệ, mà còn níu chân bao du khách. Những chiếu xẩm giữa sân đình là điểm dừng của các tour du lịch trải nghiệm về với nông thôn. Đây không còn là những hoạt động văn nghệ thuần túy mà thật sự đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế-văn hóa to lớn cho địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Lan Anh nhận định: Sự yên bình, bản sắc văn hóa và cảnh quan trong lành chính là lợi thế khác biệt của nông thôn Ninh Bình, cũng là nền tảng để phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị.

Thực tế cho thấy, từ năm 2017 đến 2024, tỉnh đã triển khai khoảng 800 mô hình, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết số 32/2022/NQ của HĐND tỉnh là một chính sách quan trọng, tạo cú huých cho nhiều vùng nông thôn bứt phá. Dự kiến đến năm 2026, tỉnh sẽ ban hành chính sách đặc thù riêng cho nông nghiệp - với mức hỗ trợ cao hơn, hướng đến các sản phẩm chủ lực, hữu cơ, theo chuỗi giá trị, gắn với du lịch và bảo vệ môi trường.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 65 xã đạt chuẩn nâng cao, 24 xã kiểu mẫu - những con số biết nói về sự chuyển mình mạnh mẽ của quê hương. Đến nay Ninh Bình đã hoàn thành các quy định của Trung ương về tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đang được Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, thẩm định.

Một vùng đất đang trỗi dậy với niềm tin mới

Có dịp về xã Yên Khánh, nơi từng là vùng thuần nông, giờ đây đã đổi khác. Những cánh đồng lúa bội thu, vườn cây ăn quả xanh mát, hạ tầng đồng bộ, người dân có thu nhập bình quân gấp 2,5 lần so với 10 năm trước. Ở vùng biển Kim Sơn, những đầm nuôi ngao, hàu bạc tỷ trải dài như minh chứng cho sự phát triển bền vững nếu biết tận dụng lợi thế tự nhiên.

Còn tại Nho Quan, vườn ổi của ông Bùi Trần Dự giờ không chỉ là nơi sản xuất mà còn là điểm du lịch trải nghiệm xanh - nơi du khách có thể tận tay hái trái, nghe những câu chuyện về sự đổi thay của vùng đất này.

Ninh Bình hôm nay là bức tranh tổng hòa giữa đổi mới hiện đại và gìn giữ truyền thống. Là nơi mà mỗi người dân, dù làm nông hay làm dịch vụ, đều ý thức mình là một mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển bền vững.

Như lời đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ, mà là khát vọng. Đó là khát vọng tạo ra những miền quê trù phú, đáng sống, giữ gìn hồn quê mà vẫn vươn ra biển lớn.

Một Ninh Bình không chỉ gìn giữ hồn quê, mà còn khơi dậy khát vọng vươn mình mạnh mẽ. Sự đổi thay ở Ninh Bình hôm nay không chỉ là thành quả, mà là hành trình thấm đẫm niềm tin, trí tuệ và tình yêu quê hương. Nơi đây, giữa đất trời non nước cố đô, mỗi mùa đang nối tiếp nhau viết nên bản hòa ca yên bình, sống động và giàu bản sắc.