Phục dựng những bộ xương cá voi kỷ lục

Họa sĩ Lê Vũ được biết đến trong giới nghệ thuật Khánh Hòa vì sự đa tài: Vẽ tranh thư pháp (kỷ lục gia Việt Nam ); làm tượng; nghệ sĩ biểu diễn tạp kỹ đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Nhưng nhiều người lại không biết rằng ông chính là họa sĩ phục chế ba bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam hiện trưng bày ở bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang, dinh Vạn Thủy Tú (Phan Thiết) và đình làng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận).
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Lê Vũ bên bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á ở dinh Vạn Thủy Tú (Phan Thiết, Bình Thuận).
Họa sĩ Lê Vũ bên bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á ở dinh Vạn Thủy Tú (Phan Thiết, Bình Thuận).

Từ bộ xương chiếm trọn gian nhà

Năm 1995, công chúng tới điểm tham quan nổi tiếng Viện Hải dương học Nha Trang, ngỡ ngàng trước một bộ xương cá voi chiếm trọn hẳn một tòa nhà. Với nhiều người, lần đầu tiên mới mường tượng một vị sứ giả biển xanh kỳ vĩ đến chừng nào. Còn người làng biển ở miền duyên hải này thì càng ngỡ ngàng hơn trước tầm vóc của “Đức ông - Thần Nam Hải” vốn lâu nay được thờ cúng ở đình, miếu khắp nơi.

Họa sĩ Lê Vũ, người được giao phục chế bộ xương cá voi theo đặt hàng của Viện Hải dương học Nha Trang kể lại, cuối năm 1994 nông dân xã Hải Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trong lúc đào mương thủy lợi phát hiện bộ xương khổng lồ vùi trong đất. Các nhà khoa học được báo đã tới xem xét và xác định đây là bộ xương cá voi lưng gù đã bị chôn vùi gần hai thế kỷ, rất có giá trị khảo cổ và khoa học thực tiễn về nghiên cứu biển. Bộ xương được chuyển về Viện Hải dương học Nha Trang.

Sau khi xem xét tính toán, Viện quyết định phục dựng bộ xương để triển lãm như hàng nghìn tiêu bản sinh vật biển khác đang lưu giữ ở đây. Chuyên gia Đào Tấn Hổ, Trưởng phòng kỹ thuật và kỹ sư Chu Anh Khánh được giao thực hiện dự án này. Ông Hổ đã mời họa sĩ Lê Vũ tham gia. Khi được mời, họa sĩ rất ngỡ ngàng. Tuy nhiên, ông Hổ có động viên: “Tôi có biết anh rất tài, đã vẽ tranh, làm tượng và các mô hình sa bàn nên tin anh sẽ làm được. Chúng tôi sẽ hỗ trợ anh về kỹ thuật vì có nhiều tài liệu khoa học”.

Dù rất vững tâm nhưng đứng trước mấy chục cái sọt tre đựng đủ các loại xương dính bê bết đất, Lê Vũ thấy hoảng và đầy hoang mang không biết bắt đầu từ đâu. Cả tuần lễ ba vị: Đào Tấn Hổ, Chu Anh Khánh và Lê Vũ chỉ mở sách khoa học xem tới xem lui bộ xương cá voi lưng gù để hình dung ra sao. Tiếp tới Lê Vũ cho nhân viên lọc xương, rửa từng chiếc cẩn thận xếp ra đầy sân của Viện. Sau đó, các nhà khoa học khảo sát từng khúc xương đối chiếu tài liệu, đánh dấu - ghi số để tiến tới lắp ráp.

Nhưng sau khi thống kê bước đầu, ê-kíp mới bàng hoàng là bộ xương không trọn vẹn như suy nghĩ! Phần bị thất lạc, phần bị hủy hoại… Vậy giải pháp thế nào đây? Lắp dựng giàn giáo chống đỡ tạo khung dáng, tỉ mỉ lắp ráp từng đốt xương như trẻ em chơi trò ghép logo. Vậy với các khúc xương thiếu thì làm sao? Đã thế với con cá voi này, hai cái xương quan trọng nhất là xương hàm dưới đều bị mất! Giải pháp đưa ra: phục chế thay thế. Thời điểm ấy, chất liệu thường là xi-măng cốt thép nhưng Lê Vũ quyết định làm thạch cao cho nhẹ và dễ hoàn chỉnh về mặt mỹ thuật.

Sau hơn ba tháng miệt mài phục dựng, chế tác, bộ xương cá voi lưng gù sừng sững dài 18m, cao 3m trong gian nhà lớn mới xây dựng gấp để trưng bày. Bộ xương được đặt giá đỡ trên nền hình con thuyền cổ truyền. Sản phẩm nhanh chóng được công chúng tham quan thích thú vì nó quá đặc sắc, hiếm có.

Phục dựng những bộ xương cá voi kỷ lục ảnh 1

Bộ xương cá voi ở Viện Hải dương học Nha Trang.

Đến điểm nhấn du lịch tâm linh

Tiếng vang từ bộ xương cá voi ở Viện Hải dương học Nha Trang lan khắp nơi. Người dân làng biển Phan Thiết, dinh Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng,TP Phan Thiết) nơi lưu giữ hàng trăm bộ xương cá voi hơn 200 năm qua thấy “xốn xang”. Bởi dinh Vạn Thủy Tú là công trình văn hóa cổ được thành lập từ thế kỷ 17 (1762) được các vua triều Nguyễn sắc phong, rất linh thiêng.

Ban Quản lý dinh xây dựng kế hoạch phục dựng một bộ xương cá voi ngay tại sân đình để tạo điểm nhấn văn hóa tâm linh. Vì theo các bô lão của làng, hiện ở dinh có bộ xương cá voi rất lớn. Người ta đo được chỉ riêng thanh xương quai hàm cũng dài đến 4,2m nên suy ra vóc dáng của “ngài” lúc sống phải dài tới gần 30m! Đúng thế sau này khi phục dựng xong thì dài tới 22m, đạt kỷ lục Đông Nam Á!

Họa sĩ Lê Vũ cùng ê-kíp cũ ở Viện Hải dương học Nha Trang nhận dự án mới này với sự khó khăn hơn bộ xương ở Nha Trang nhiều. Bởi nếu ở Viện Hải dương học đồng nhất từ một con, thiếu xương nào phục chế xương đó. Còn ở dinh Vạn Thủy Tú là một “tổng kho” đủ dạng lớn bé, các loại cá khác nhau: Lưng gù, nhà táng, cá voi sứa, cá heo, bò biển… Để lọc ra được xương của con cá voi lớn chủ đạo là cả vấn đề rắc rối.

Sau nhiều tháng đi đi về về thì hình hài “Đức ông” đã hình thành. Rồi cũng như bộ xương ở Nha Trang, nhiều xương đều mất hay thất lạc. Bởi theo tục lệ làng biển ở miền trung, khi cá voi lụy (chết) dạt vào bờ thì được cúng, an táng chôn cất một thời gian mới bốc đem xương về đình làng để thờ cúng như thần linh (Thần Nam Hải). Trải qua việc bốc dỡ, bị sót hay thất lạc và bị hủy hoại nên không đầy đủ là đương nhiên. Lê Vũ phục chế các xương cá bằng vật liệu mới là composite. Loại vật liệu này có lợi thế là nhẹ hơn thạch cao, tạo dáng dễ và đẹp hơn.

Sau khi khánh thành (năm 2003) dinh Vạn Thủy Tú nổi tiếng khắp nơi vì trưng bày bộ xương cá voi đạt kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á, góp phần cho sản phẩm du lịch tâm linh ở Phan Thiết trở nên đặc sắc. Phan Thiết được mệnh danh là miền đất nắng vàng biển xanh với những kỷ lục Việt Nam nổi tiếng. Ngày nay dinh Vạn Thủy Tú là trung tâm lễ hội biển đặc sắc ở Phan Thiết như lễ hội cầu ngư, đua thuyền rồng trên sông Cà Ty. Một phần tạo nên sắc màu văn hóa, có bộ xương cá voi lớn với họa sĩ góp công.

Hiện tại, họa sĩ Lê Vũ được Làng nghề Trường Sơn, một điểm du lịch có tiếng ở Nha Trang mời đến làm việc. Tại đây, họa sĩ đã sáng tác nhiều sản phẩm mỹ thuật mang âm hưởng thư pháp. Trong đó, đặc sắc là cách điệu chữ thành hình tượng nhân vật, chủ yếu là danh nhân thế giới. Hiện tại, không gian cây cảnh, hiện vật mỹ nghệ của Làng nghề Trường Sơn đậm đặc “phong cách mỹ thuật Lê Vũ” đón tiếp mỗi ngày rất đông du khách tới tham quan, vui chơi.

Năm 2011, tận đảo Phú Quý xa xôi ngoài khơi Bình Thuận, chính quyền và nhân dân nơi đây lại tiếp tục nhờ ê-kíp của họa sĩ Lê Vũ. Anh em lại vượt biển ra đảo phục dựng bộ xương cá voi dài 17m và 5 bộ xương cá voi nhỏ hơn, đem lại cho Phú Quý một sản phẩm du lịch tâm linh hiếm có ngoài khơi.