- Là u ưu tiên chú mày lắm đấy nhé!
Hắn nhai nhộm nhoạm, gật gật đầu. Vừa ăn, hắn vừa đè bút trên bắp chân viết bản tự kiểm điểm. Nét chữ đều tăm tắp. Điều đó chứng tỏ rằng những năm tháng đầu cấp, hắn đã được rèn một cách bài bản. Hắn chìa tờ giấy nhoắng một cái đã viết xong cho chị chủ quán:
- Chị ký hộ cho thằng em cái!
Chị chủ quán cười, đón lấy tờ giấy ký rất thành thạo:
- Nguyễn Thị Xinh hay Trần Văn Bát đều được tuốt chứ Thắng ơi!
Mắt hắn rực lên. Thắng là tên hắn. Một trời bão giông quật nát khuôn mặt non tơ của hắn. Chị chủ quán dúi ánh nhìn vào nồi than rực lửa, thở dài. Gió cuối mùa hoang hoải, phả những cơn rét hun hút bên kia dãy Mồng Gà.
Bên kia quả là nỗi kinh hoàng của hắn, là nỗi khiếp sợ mỗi sáng mai hắn thức dậy. Hắn mệt mỏi chờ những tiết học trôi qua. Hắn ngồi xiêu vẹo, mồm miệng cứ ngoác ra chực ngáp. Không giờ học nào mà hắn không bị khiển trách. Ông thầy dạy ngữ văn xách cặp nghiêng cả người, không biết nhiều về người khác nhưng rất rành về hắn. Hắn bị quản thúc. Mọi cặp mắt cứ chĩa vào hắn, soi mói hắn suốt cả tiết học. Nhưng, quả đúng, hắn không ngoan, hắn là "tội đồ" của lớp 12H. Hầu như tất cả các giờ học hắn không ghi chép, hắn nhét vào sau đít một cuốn sổ nhàu nhĩ, ghi tất tật, mỗi thứ vài dòng cho có lệ.
Hắn từng là đứa trẻ được đưa ra để làm gương cho bạn bè cùng trang lứa. Thầy cô chọn hắn để luyện thi văn hay, chữ tốt. Hắn có hoa tay, lại miệt mài luyện đêm, luyện ngày nên chữ viết đều tăm tắp, mềm mại như mây, như nước. Hắn thông minh, sáng dạ, lại được kèm bài bản nên "đánh đâu thắng đó". Cha hắn là chủ xưởng gỗ với hàng chục công nhân. Nhà hắn không thiếu thứ gì. Nói theo cách của ông chủ trẻ, mấy đời nhà hắn không thiếu tiền, chỉ thiếu một tấm bằng tiến sĩ để đúc bia, tạc tượng. Hắn là cháu đích tôn, người kế nghiệp của dòng họ Trần Văn.
Lên lớp 6, hắn được tuyển thẳng vào trường năng khiếu của huyện. Đứng đầu danh sách vì thành tích "khủng" ở tiểu học, lại có sự quan tâm hết mực của phụ huynh nên hắn tiếp tục có tên trong danh sách của các lò luyện. Đi học, hắn có người đưa đón bằng xe bốn chỗ. Khi hết buổi học chiều ở lớp, hắn được đưa thẳng ra quán cơm đã đặt sẵn. Hắn ăn tối vội vàng để năm giờ mười lăm phút lại học tiếp ca ba. Về đến nhà, chưa kịp hoàn hồn, hắn lại được đưa vào phòng riêng ở tầng ba. Nơi ấy, gia sư đang đợi sẵn để trang bị kiến thức "một cách toàn diện".
Hắn bỏ ngoài tai những lời giáo huấn, hắn ghét cay ghét đắng những lời có cánh của những người được cha mẹ hắn mời đến. Ai cũng khen hắn thông minh hơn người, học một biết trăm, không học cũng biết. Ấy thế rồi, cuộc đời đã rẽ ngả khác từ buổi chiều định mệnh. Hắn đứng sững trước căn phòng bừa bộn và bể nát. Mẹ nhàu nhĩ trong bộ đồ ngủ, nước mắt ngắn dài xếp đồ vào túi xách. Cha cởi trần, mặt đỏ phừng phừng:
- Cút xéo ra khỏi nhà ông! Đồ đĩ rạc.
Mẹ hắn xông vào người đàn ông trước mắt, vừa cào xé vừa khóc lóc thảm thiết. Mẹ đi, mang theo đứa em bốn tuổi.
Tổ ấm nát sau tiếng gầm của cha, sau nụ cười khô khốc của mẹ. Hất mớ tóc nhuộm vàng và đôi mắt vẽ tô đậm mầu như phường chèo, mẹ đi. Đi, như không từng có hắn trong cuộc đời. Đi không vướng bận, không mảy may xót thương cho đứa trẻ cô độc. Một tháng sau, cha hắn đưa về nhà một người đàn bà và đứa con gái bảy tuổi. Hắn cay đắng nhận ra rằng, ngôi nhà mà hắn đang sống chất đầy sự giả dối!
Sau cái ngày định mệnh đó, hắn trượt dài xuống hố sâu. Hắn như cái bóng, lầm lũi đi về. Không ai biết đến sự có mặt của hắn. Người mẹ kế ăn diện ngất trời, môi son đỏ choét suốt ngày nằm dài trên ghế sofa. Mỗi lần cha hắn đưa mắt, có ý tìm hắn thì môi son đỏ choét ngoe nguýt làm căn nhà tối sầm. Hắn được tự do. Cái tự do quá với gì hắn đã từng mong đợi. Hắn sống những ngày buồn tủi và lạnh thấu tim gan!
★★★
Mỗi lần hắn mắc lỗi ở trường, cha nhìn hắn bằng cặp mắt vằn đỏ. Mà số lần mắc lỗi ngày càng dày lên! Khi nhận điện từ trường gọi về của cô giáo chủ nhiệm, thể nào cha cũng kêu tên mẹ hắn, người đàn bà một thời tay kê gối ấp để chửi. Ngôn từ thô tục làm hắn muốn nôn ọe. Cha hắn nói toẹt với hắn rằng, mẹ mày là một con đĩ! Hắn cười gằn. Ghếch chân trên ghế, chỉ vào đứa trẻ bảy tuổi, hắn thủng thẳng:
- Cũng một tuồng cả thôi!
Vèo… Chiếc cốc vỡ tan trên nền gạch. Người đàn ông mắt nhuốm đỏ, rít lên:
- Thằng mất dạy… Cút, cút.
Hắn giũ giũ mớ tóc được nuôi dài chấm ót, nói với vào trong, giọng thách thức:
- Là ông đuổi tôi đấy nhé!
Hắn đi. Không ai trong ngôi nhà đó bận tâm. Sáng, hắn lượn lờ trước cổng trường với cuốn sách vo tròn. Quỹ thời gian vô tận, hắn chúi vào những trò chơi hút người trên màn vi tính. Thắng vạ vật, đói ăn và đói ngủ. Ngồi trong lớp, hắn không thể cưỡng nổi cơn buồn ngủ. Thế là hắn lại gục mặt xuống bàn. Phần lớn thầy cô xem như không có học trò như thế này, để cho chữ nghĩa ù ù đi qua tai hắn. Duy chỉ có cô giáo dạy Giáo dục công dân là chấp đếm. Dĩ nhiên hắn sợ bị đuổi học. Dẫu gì nơi đây, hắn vẫn còn những thằng bạn ngưỡng mộ sự "tự do" của hắn, thân thiết gọi hắn là "soái ca".
Thắng thường ngồi vào góc riêng dãy cuối. Chưa một lần hắn bị ghi sổ đầu bài dẫu việc hắn làm sai nhiều vô kể. Lúc đầu hắn rất ngạc nhiên. Nhưng rồi hắn dần hiểu… Cảm giác ấy khi mới đến thật dễ chịu, nhưng rồi thấy bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh.
Mưa nhớt nhát và u buồn đổ dọc con đường mòn dẫn đến bãi ngô dài hút mắt. Khung cửa kính hắt khuôn mắt già trước tuổi với búi tóc dài sau gáy lên bầu trời mưa sũng ướt. Ôi chao! Cái dáng dấp buồn thương ấy là của hắn, thằng bé không có tuổi thơ, dẫu đã từng được sống trong nhung lụa. Kẻ mười sáu tuổi bị bật ra đường bởi sự dối trá và ích kỷ của người lớn. Hắn đứng bật dậy. Từ trên cao, đôi mắt sắc chĩa thẳng về phía hắn. Cô giáo nghiêm nghị:
- Mời các em ngồi xuống! Thế nào Thắng, em có muốn ra khỏi lớp ngay khi cô mới vào không?
Thắng lí nhí, cả người run lên:
- Dạ, không!
Thắng đáp, mặt vẫn cúi gằm. Đã bao lần hắn tự hỏi nhưng không thể nào lý giải nổi vì sao hắn lại run sợ trước đôi mắt ấy nhiều như thế. Cô giáo mỉm cười, nụ cười mà hắn có cảm giác chỉ dành riêng cho hắn:
- Em hứa rồi đấy nhé!
Hắn gục gặc đầu. Bao giờ cô giáo cũng hỏi hắn những câu như thế khi mới vào lớp. Khi hắn đã trả lời "không" có nghĩa là hắn phải thực hiện tất cả những quy định trong giờ của cô. Giọng cô dõng dạc:
- Tiết học hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận chủ đề về gia đình. Cô giáo đi về phía hắn, nụ cười lẹm sắc trên đôi môi xinh đẹp. - Cả lớp chia làm bốn nhóm, riêng bạn Thắng sẽ cùng cô phản biện và nhận xét nội dung thảo luận của các nhóm.
- Nào, mời đại diện các nhóm lên trình bày quan điểm của nhóm mình về một gia đình hạnh phúc!
Âm thanh trượt qua vai Thắng, rơi thõng thượt giữa màn trời nhớt nhát. Bao năm rồi nhưng hắn vẫn còn nhớ rõ hình ảnh cha cột tóc mẹ vào chân cầu thang, mắt vằn máu. Mẹ đi. Đi giữa sự cồn cào nhớ nhung và hận thù của hắn. Mẹ đi, chưa một lần quay về tìm hắn. Đi, đi và không thèm biết đến cảm giác xót đau tận cùng của đứa con tội nghiệp.
Vụn vỡ bên tai hắn là giọng nói nhỏ nhưng rất ấm của Hạnh, bí thư lớp:
- Thưa cô và các bạn! Gia đình được ví như tế bào của xã hội, một gia đình không hạnh phúc cũng có thể xem như tế bào đó bị đột biến. Trong xã hội hiện nay, tế bào đột biến nhiều và liên tục với muôn vàn lý do khác nhau. Phần lớn những đứa trẻ trong hoàn cảnh ấy trở thành sản phẩm lỗi ạ!
Khung cửa kính nhớt nhát những giọt nước đen sì. Ngoài kia, nước thốc tháo chảy cuốn theo chú chim non vỡ tổ. Mắt hắn cay xè. Hắn di di ngón chân cái cáu bẩn xuống nền nhà. Những ngón chân bẩn thỉu, móng chân dài quặp vào trong.
Cô giáo dừng mắt nơi vừng trán đỏ ửng của hắn. Bao giờ cũng thế, khi đau khổ hay buồn giận tột cùng, trán hắn lại ửng đỏ. Hắn cảm thấy đôi mắt ấy đọc được những suy nghĩ tận cùng của mình. Và, bất chợt, hắn nghe lòng dịu lại.
- Em xin phép cô và các bạn được nói - tiếng nói ồ ồ của Hùng mập làm cả lớp im bặt - Em xin phép được kể cho cô và các bạn nghe một câu chuyện có thật, là minh chứng cho tế bào bị đột biến và sản phẩm bị lỗi ngay khi mới ra "lò". Cặp vợ chồng ấy lấy nhau vì tình yêu say đắm. Cô gái trẻ bất chấp sự ngăn cản của gia đình, từ bỏ cuộc sống giàu sang ở thành phố để theo chàng trai về lập nghiệp ở phố núi nghèo. Chàng trai là bộ đội phục viên, không có việc làm ổn định, cô gái là cành vàng lá ngọc không quen việc tay chân. Sống trong gia đình nghèo lại đông miệng ăn, họ chỉ cầm cự được gần một năm rồi xin đất, dựng lều ra ở riêng. Ngỡ chỉ cần tình yêu là cuộc sống đủ ngọt ngào, nhưng, sự vất vả cực nhọc của cuộc sống đời thường đã xô đẩy người vợ vào vòng tay người đàn ông khác. Bỏ lại hai đứa con, đứa lên hai, đứa chưa đầy năm. Người cha cay đắng ở lại nuôi con, rồi buộc lòng phải lấy vợ để có người chăm sóc. Mẹ kế xuất thân bần hàn, khổ đè lên khổ nên hành hạ con chồng tối ngày. Người con lớn bỏ nhà, làm việc trong quán cafe trên phố, nhiễm HIV. Người em học hành không đến nơi, suốt ngày quậy phá bởi cuộc sống quá nhiều nỗi đau…
Từng nhát dao mỏng len lách, cứa sâu trong linh hồn đau khổ của hắn. Bên kia, Hùng mập đang di di những ngón tay cáu bẩn xuống mặt bàn, đôi mắt buồn sâu thẳm cố giữ những giọt nước mắt.
Mầu áo của cô giáo bỗng tím đến lạ lùng. Cô lau mãi chiếc khăn lên phần bảng chưa viết. Không một tiếng động. Hắn muốn giơ tay, muốn được đứng lên… Nhưng, có cái gì đó nặng lắm, đau lắm đang đè lên trong lồng ngực.
Hắn biết mình đau. Nhưng, có nhiều nỗi đau còn đau hơn nỗi đau của hắn.
Thắng đi về phía có ánh đèn khi cơn mưa còn nặng hạt!