Tiêu điểm

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Những nỗ lực, cố gắng trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc những năm qua góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nghề mây tre đan cho người dân huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: KHÁNH TOÀN
Đào tạo nghề mây tre đan cho người dân huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: KHÁNH TOÀN

Tín hiệu tích cực

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan làm công tác dân tộc là thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc (gọi tắt là Nghị quyết 24) trong tình hình mới với nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác lập một hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực cho vùng DTTS&MN. Cụ thể hóa Nghị quyết 24, các chính sách dân tộc đã được ban hành bao quát trên nhiều lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, y tế, chăm sóc sức khỏe, khoa học và công nghệ… đồng thời đã thu hút lượng lớn nhân lực, nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế.

Sau hơn 19 năm triển khai Nghị quyết 24 đã làm chuyển biến tích cực, cơ bản về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội về công tác dân tộc, góp phần quan trọng cho vùng đồng bào DTTS&MN trong phát triển kinh tế-xã hội. Điểm nhấn ấn tượng nhất trong lĩnh vực công tác dân tộc sau khi có Nghị quyết 24 đến nay là tỷ lệ hộ nghèo giảm, với mức giảm bình quân 4%/năm, một số tỉnh đạt tỷ lệ giảm nghèo khá cao như: Yên Bái 7,66%, Thanh Hóa 6,31%, Gia Lai 6,25%, Đắk Lắk 6,51%, Khánh Hòa 9,0%... Có những tỉnh mà tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm chỉ giảm từ 3-4%, nhưng ở các huyện nghèo lại có mức giảm bình quân 5-6%/năm. Ninh Thuận là thí dụ điển hình. Toàn tỉnh có 32 DTTS với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% số dân của tỉnh, 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, người dân luôn đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, sáng tạo trong làm kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 10%/năm, 20/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trông đợi những "luồng gió mới"…

Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền trung chuyển biến chậm. Vùng DTTS&MN đã, đang và tiếp tục là "lõi nghèo của cả nước".

Từ những bất cập của chính sách giảm nghèo bền vững, trước yêu cầu phát triển đất nước và vùng đồng bào DTTS&MN, Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới đề ra quan điểm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là văn bản "khung" để Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.

Trước mắt, triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14, các cấp tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình này với giai đoạn 1 (2021-2025) có mục tiêu hết năm 2025, mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn hai lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% trở lên; đồng thời phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 70% số thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp...

Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy vùng đồng bào DTTS&MN đã ban hành các nghị quyết về lãnh đạo công tác dân tộc và ban hành các chính sách đặc thù riêng của từng địa phương. Đối với Hà Giang, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ tỉnh đến cơ sở. Đầu tháng 7, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã thông qua bốn nghị quyết chuyên đề về phân bổ nguồn vốn, giao kế hoạch vốn để các ngành, các cấp thực hiện chương trình…

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ những khó khăn, nâng cao đời sống cho đồng bào. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tin tưởng rằng, việc triển khai Nghị quyết 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới sẽ như "luồng gió mới" làm thay đổi cơ bản đời sống đồng bào vùng DTTS&MN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước trong thời kỳ hội nhập.