Phát triển từ tình yêu quê hương

Mô hình thanh niên và cộng đồng bản địa sáng tạo, khởi nghiệp đang ngày một phổ biến. Những ý tưởng kết tụ từ bối cảnh thực tiễn đem lại nhiều giá trị cho quê hương… Tuy nhiên, để các dự án đổi mới đi vào chiều sâu vẫn cần thêm các giải pháp hỗ trợ thích hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Nông trại Người giữ rừng là mô hình kết hợp giữ và trồng rừng, nuôi trồng thủy sản với du lịch.
Nông trại Người giữ rừng là mô hình kết hợp giữ và trồng rừng, nuôi trồng thủy sản với du lịch.

Những ý tưởng du lịch cộng đồng

Anh Nguyễn Tấn Vàng (34 tuổi) sống ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, là một trong những người tiên phong khởi nghiệp làm du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, hướng tới phát triển bền vững. Nông trại Người giữ rừng của anh tọa lạc tại ấp Phước Hòa, xã Thạnh Phước, nơi được xem là điểm sáng của mô hình kết hợp giữ rừng và trồng rừng, nuôi trồng thủy sản với du lịch.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên và môi trường, Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, anh Vàng từng làm việc cho dự án du lịch cộng đồng tại huyện Thạnh Phú trong một thời gian dài để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức. Tuy nhiên, việc bà con thiếu kiến thức, nguồn vốn và hiểu biết thị trường là những trở ngại chính khiến mọi người khó lòng triển khai theo mô hình mẫu.

Sẵn sức trẻ và vốn hiểu biết tri thức, anh Vàng quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất này, vừa khai thác tiềm năng du lịch, vừa giữ rừng. "Gia đình tôi mong muốn cho người dân cùng bám đất giữ rừng, trồng rừng và khai thác những lợi ích từ rừng mang lại cho con người", anh chia sẻ.

Năm 2017, anh Vàng thuê đất trồng rừng và nuôi trồng các loại thủy sản như tôm, cua, hàu, cá… Đến năm 2020, anh mở nông trại du lịch, thuê đất mở homestay. Du khách đến nông trại Người giữ rừng được trải nghiệm nhiều hoạt động gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn như đi xuồng vào rừng bẫy cua, bắt vẹm, hàu, giăng lưới bắt cá, tận hưởng những món ngon từ hải sản tươi sống, ngủ võng trong các lán trại cùng người dân địa phương. Mô hình độc đáo này không chỉ mang lại thu nhập cho anh Vàng và hơn 20 lao động địa phương, mà còn giúp người dân yên tâm bám đất, giữ rừng, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhiều người trẻ.

Cũng như anh Nguyễn Tấn Vàng, chị Lê Thị Ngọc Tầm, cũng xây đắp trong mình tình yêu với vị mặn đậm đà của quê hương Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam). Đứng trước nguy cơ thất truyền nghề làm nước mắm, chị Tầm đứng ra mở mô hình độc đáo Ngọc Lan Homestay, kết hợp trải nghiệm làm nước mắm truyền thống.

Không gian sản xuất nước mắm được chị chỉnh trang, bày trí khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm. Nhờ kết hợp với các hoạt động du lịch biển, thăm làng bích họa, Ngọc Lan Homestay đã tạo nên một tour du lịch hoàn chỉnh, mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn.

Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, mặc dù được nhận vào làm tại một công ty nước ngoài với mức thu nhập cao, thế nhưng chị Tầm lựa chọn tiếp nối truyền thống gia đình. Chị Tầm chia sẻ: Du lịch đang mang đến những cơ hội mới cho làng nghề truyền thống, đặc biệt là việc phát triển sản xuất nước mắm. Tận dụng sức thu hút của thiên nhiên, kết hợp yếu tố văn hóa bản địa vào mô hình kinh doanh lưu trú sẽ tạo ra câu chuyện du lịch đầy hấp dẫn.

Câu chuyện kết nối các nguồn lực

Hiện nay, Ngọc Lan Homestay là một trong 20 hộ được đào tạo, tập huấn phát triển dịch vụ lưu trú tại nhà để phục vụ nhu cầu ăn, ở của du khách - một dự án phát triển du lịch cộng đồng do chính quyền thành phố Tam Kỳ khởi xướng từ năm 2017. Địa phương này đã lập quỹ phát triển cộng đồng có sự tài trợ và đóng góp tự nguyện của người dân. Qua hơn bảy năm hoạt động, từ một vùng biển hoang sơ, Tam Thanh đã hình thành các khu vực check-in bắt mắt, có nhiều điểm lưu trú về đêm với các mô hình đặc sắc. Trung bình, mỗi ngày Tam Thanh tiếp 1.000 khách tới tham quan trải nghiệm.

Mặc dù không phải là giải pháp mới, nhưng việc triển khai thành công mô hình du lịch cộng đồng tại Tam Thanh, cùng với những khó khăn trong việc nhân rộng mô hình tại huyện Thạch Phú, đã cho thấy tầm quan trọng của mối liên kết giữa chính quyền và người dân. Khi được hỗ trợ bởi nguồn lực phù hợp, các giải pháp đổi mới sáng tạo sẽ đạt hiệu quả cao và lan tỏa rộng rãi hơn.

Con người là trái tim của ý tưởng kinh doanh. Còn doanh nghiệp phải là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp. Ths Phạm Thị Quỳnh Nga (Trường đại học Tài chính - Marketing) nhận định: Nhiều doanh nghiệp còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh để duy trì thị trường và khách hàng. Họ thiếu vốn và các nguồn lực tri thức cần thiết như: Quản trị kinh doanh, kiến thức chuyên môn, ý kiến chuyên gia, hiểu biết về môi trường kinh doanh… Do đó, ý tưởng thường mất nhiều thời gian mà vẫn phát triển chậm và không rõ rệt.

Muốn giải quyết thực trạng này, cần có các giải pháp xây dựng và liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tập trung rõ nét theo hai phương diện: Vốn để phát triển thị trường và đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo.

Không chỉ dừng ở khía cạnh kinh doanh, giới trẻ và cộng đồng nếu được hỗ trợ ý tưởng đổi mới sáng tạo kịp thời hoàn toàn có thể đóng góp những quan điểm và giải pháp mới cho các thách thức đô thị trên nhiều khía cạnh. Họ mang lại những ý tưởng mới mẻ, năng lượng và sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu địa phương vào quá trình phát triển đô thị.