Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Phát huy mạnh mẽ vai trò văn nghệ sĩ

Đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật thời gian qua có nhiều bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ. Làm thế nào để tiếp tục phát huy, nâng cao vị thế, vai trò, thành tựu của giới văn nghệ sĩ, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới?
0:00 / 0:00
0:00
Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tặng sách cho đồng bào tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG
Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tặng sách cho đồng bào tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG

1/Gần 75 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam có đội ngũ hơn 40 nghìn văn nghệ sĩ gồm nhiều thế hệ trong cả nước. Đó là lực lượng quan trọng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thế hệ nghệ sĩ đã lao động sáng tạo quên mình, luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, chuyên nghiệp, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, tác dụng xã hội ngày càng rõ rệt. Đặc biệt trong thời gian đất nước chống dịch Covid-19, đã có nhiều tác phẩm kịp thời cổ vũ, động viên xã hội đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, so yêu cầu đặt ra của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, những thành tựu của nền văn học, nghệ thuật đã đạt được chưa tương xứng; vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Do đó, nâng cao được vị thế, vai trò thật sự của văn nghệ sĩ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước sẽ luôn quy tụ được tài năng trong và ngoài nước, tích lũy được “chất xám” của xã hội. Để nâng cao vai trò, vị trí của văn nghệ sĩ như một nguồn lực quan trọng cho việc củng cố, xây dựng nền văn hóa Việt Nam hôm nay, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Cần tăng cường tình đoàn kết trong giới; thảo luận, tranh luận về các xu hướng, phong cách sáng tác, những hiện tượng nổi cộm trong đời sống văn nghệ nước nhà. Cùng với đó, phát hiện, bồi đắp, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; mở rộng đối tượng văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số, các tầng lớp xã hội như công nhân, nông dân, sinh viên, văn nghệ sĩ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật; tăng cường công tác tư vấn, phản biện cho Đảng và Nhà nước… Nhạc sĩ cũng kỳ vọng Đảng, Nhà nước nâng cao cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là các tài năng trẻ…

2/Một số thí dụ cho lĩnh vực cụ thể. Âm nhạc là lĩnh vực có tính phổ biến rộng rãi. Theo Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, thiết chế văn hóa, hoạt động lý luận phê bình, quản lý lãnh đạo cần bảo đảm sự hình thành ba yếu tố: Nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn và công chúng. Vận hành tam giác nghệ thuật này một cách nhịp nhàng, gắn kết sẽ bảo đảm cho một đời sống âm nhạc phong phú, phát triển.

Ở lĩnh vực khác, nước ta hiện nay đã có Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng rồi có Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhưng lại chưa có Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong khi nhiếp ảnh đã du nhập vào Việt Nam trên 150 năm, và nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có nhiều nước có bảo tàng nhiếp ảnh như ở Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp, Hy Lạp... Để tiếp tục lan tỏa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý của lịch sử phát triển dân tộc, thời gian qua, giới nhiếp ảnh Việt Nam rất mong được đầu tư xây dựng không gian sáng tạo và chuyển đổi số về tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam để sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày những tác phẩm có giá trị về tư liệu, lịch sử, nghệ thuật và những hiện vật có liên quan.

3/Nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò văn nghệ sĩ trong công cuộc sáng tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, theo GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ. Trong xã hội đó sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Cần biết đánh giá đúng những công lao, đóng góp của văn nghệ sĩ, vị thế của họ trong xã hội đương đại. Đặc biệt, không chiều chuộng, mơn trớn mà nhìn nhận đội ngũ này cùng với công việc của họ một cách khách quan, chân thực, không màu mè, hào nhoáng hay hời hợt, vuốt ve. Đặc biệt trước sự biến động vô cùng nhanh chóng của thế giới hiện đại ngày nay, trong sự ứng xử với văn nghệ sĩ, cũng nên cẩn trọng, cần có thái độ đúng đắn nhằm phát huy được vị thế của họ trong cuộc sống đương đại.

Trước những thách thức mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, những người làm công tác sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật rất cần tỉnh táo, không chạy theo xu hướng thương mại hóa, hạ thấp các giá trị căn cốt và bền vững, đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật. Văn nghệ sĩ cần giữ vững bản lĩnh chính trị, vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ, vì lợi ích tối cao của dân tộc, tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động nghề nghiệp, đoàn kết đồng hành cùng nhân dân, hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ cao đẹp của con người Việt Nam.