Theo thời gian, chức năng vận động ở người và động vật ngày càng suy giảm. Qua nghiên cứu trên giun tròn, các nhà nghiên cứu phát hiện biểu hiện lão hóa giống những động vật khác và chúng chỉ sống trong khoảng ba tuần. Điều này khiến chúng trở thành một mẫu thí nghiệm lý tưởng cho việc nghiên cứu về lão hóa. Theo đó, họ đã phát hiện một phân tử có tên viết tắt là SLO-1, có tác dụng làm chậm các tín hiệu từ neuron đến mô cơ và làm giảm chức năng vận động.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên phân tử SLO-1 của các con giun tròn. Đầu tiên, họ sử dụng các công cụ di truyền học và sau đó dùng đến một loại thuốc có tên paxilline. Trong cả hai trường hợp, họ đều nhận thấy không những chức năng vận động ở các con giun thí nghiệm được cải thiện, mà chúng còn sống lâu hơn những con giun tròn bình thường.
Shawn Xu, GS phân tử học và sinh lý học cơ thể tại khoa Y - Dược, Đại học Michigan cho rằng: “Việc tuổi thọ được kéo dài, song sức khỏe và thể trạng không được cải thiện là điều chưa thật sự lý tưởng. Nhưng chúng tôi đã phát hiện rằng thí nghiệm này đã cải thiện cả hai yếu tố trên. Những con giun đó khỏe mạnh hơn và cũng sống lâu hơn”. Theo GS Xu, khi SLO-1 bị tác động trong khoảng thời gian đầu của vòng đời, nó không làm thay đổi tuổi thọ mà lại có tác động xấu đến chức năng vận động ở các con giun non. Nhưng khi hoạt động của SLO-1 bị chặn ở giữa giai đoạn trưởng thành, cả chức năng vận động lẫn tuổi thọ đều được cải thiện.
Do SLO-1 tồn tại trong cơ thể nhiều loài động vật, các nhà khoa học hy vọng những phát hiện này sẽ khuyến khích việc phân tích tác động lão hóa của nó trên những sinh vật khác, trong đó có con người.