Singapore bảo đảm an ninh lương thực

Chính phủ Singapore đang tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực, trong bối cảnh hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng lan rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Gà rán được làm từ thịt nuôi cấy của hãng Good Meat. Ảnh: CNN
Gà rán được làm từ thịt nuôi cấy của hãng Good Meat. Ảnh: CNN

Theo AP, mục tiêu của giải pháp là đáp ứng ổn định 30% nhu cầu dinh dưỡng tại các địa phương ở Singapore đến hết năm 2030. Chiến lược này tập trung vào việc tăng sản lượng sản xuất các mặt hàng rau, củ, quả và trứng, đồng thời tập trung đầu tư vào một loại protein thay thế nhằm đón đầu các xu hướng trong tương lai. Dự kiến đến năm 2050, nhu cầu lương thực sẽ tăng ít nhất 59%, khi dân số toàn cầu sẽ đạt 10 tỷ người theo dự báo của LHQ.

Theo bà Mirte Gosker, Giám đốc quản lý tại công ty thực phẩm Good Food Institute, Singapore là quốc gia duy nhất thương mại hóa các sản phẩm protein thay thế có nguồn gốc từ thực vật, protein được kích hoạt từ quá trình lên men và protein được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Trong đó, phổ biến nhất là thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm protein từ lúa mì, đậu nành và các loại tảo.

Bà Susie O’Neill, Trưởng bộ phận cố vấn của hãng Food Frontier cho biết, hiện tại có ít nhất 17 công ty kinh doanh các sản phẩm protein có nguồn gốc thực vật ở Singapore, bao gồm Beyond Meat và Impossible. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp quy mô châu Á bao gồm TiNDLE và OmniFoods.

Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được cho là một giải pháp thay thế bền vững cho thịt động vật thông thường nhằm bảo vệ môi trường. Bà O’Neill ước tính, có 11 hãng thực phẩm công nghệ đang hoạt động tại Singapore, trong đó có Shiok Meat - công ty phát triển thịt tôm cua nhân tạo và Good Meat - công ty chuyên nuôi trồng thịt nhân tạo, đặc biệt là gà viên.

GS William Chen, Giám đốc chương trình khoa học và công nghệ thực phẩm tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết, hiện tại, Singapore phải nhập khẩu đồ ăn từ 170 quốc gia, tương đương hơn 90% tổng thực phẩm tiêu thụ tại nước này. Điều này đã làm gia tăng tình trạng tăng giá thực phẩm và thiếu hụt lương thực dự trữ. Vậy nên, sự xuất hiện của các loại thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trên thị trường nước này là hoàn toàn cần thiết.

Ông Chen cho rằng, các sản phẩm protein thay thế không phải là mối đe dọa đối với các nhà sản xuất thịt truyền thống, bởi chúng không có khả năng thay thế cho các loại thực phẩm hiện có, mà chỉ cung cấp thêm những lựa chọn thực phẩm để có thể chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai.