Tái chế lốp xe bảo vệ môi trường

Tại Nigeria, tái chế lốp xe để làm nguyên liệu cho sàn nhà và các mặt hàng khác đang trở thành một xu hướng giúp bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy tái chế lốp xe của Freetown Waste. Ảnh: REUTERS
Nhà máy tái chế lốp xe của Freetown Waste. Ảnh: REUTERS

Hằng năm, 10 triệu lốp xe đã qua sử dụng bị thải ra tại những bãi chôn lấp ở Nigeria, gây hậu quả nặng nề cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Trong bối cảnh đó, Công ty khởi nghiệp Freetown Waste Management có trụ sở tại Ibadan đã quyết định tái chế những chiếc lốp thành nguyên liệu chế tạo sàn nhà, bao gồm gạch lát và tấm lát, hay dép xỏ ngón và nhiều mặt hàng khác. Từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay, công ty đã đã lát sàn cho nhiều ngôi nhà, văn phòng kỹ thuật, công viên giải trí, sân chơi và nhà hàng tại Lagos - thủ phủ kinh tế của Nigeria.

Ông Okoyomon, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của công ty cho biết, thị trường tái chế lốp xe tại nước này được kỳ vọng tăng trưởng do nhu cầu phương tiện ngày càng cao. Hiện, công ty có hơn 150 nhân viên thu gom lốp xe tại những điểm tập kết rác. Trong quá trình tái chế, lốp xe được nghiền vụn, sau đó trộn lẫn với chất kết dính để công nhân có thể nhào nặn thành những sản phẩm mới. Chất liệu làm nên lốp xe khá đa dạng, chủ yếu là cao-su, thậm chí thép hay vải sợi cũng có thể được xử lý. Sản phẩm phổ biến nhất của doanh nghiệp là tấm lót sàn từ cao-su, một bộ 40 tấm có giá khoảng 60 USD, cao hơn so những sản phẩm truyền thống, bởi những tấm lót này cũng có hạn sử dụng lâu hơn.

Ifedolapo Runsewe, Quản lý cấp cao tại Freetown Waste cho biết, tính đến nay đã có hơn 400.000 lốp xe được tái chế thành sản phẩm mới. Tuy nhiên, con số này vẫn còn kém xa mục tiêu tái chế 15 triệu lốp xe thành những sản phẩm phục vụ người dân và cho thương mại - công nghiệp. Freetown Waste có công suất sản xuất 1.000 tấn mỗi năm cho cả dây chuyền nghiền và dây chuyền chế biến, sản xuất khoảng 400 m2 gạch và 3.300 m2 thảm cao-su mỗi ngày.

Công ty hiện có trụ sở tại Rwanda và Guinea Xích Đạo, đang xem xét mở rộng hoạt động tại các quốc gia châu Phi bao gồm Gambia, Ghana, Kenya, Senegal và Nam Phi.