Bản đồ cây xanh giảm nạn phá rừng

Hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao đã được sử dụng để lập bản đồ cây xanh ở châu Phi, với mục tiêu giám sát chặt chẽ nạn chặt phá rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Châu Phi đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng. Ảnh: EARTH
Châu Phi đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng. Ảnh: EARTH

Theo New Scientist, Florian Reiner - một giáo sư từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) sử dụng hình ảnh vệ tinh từ Công ty Planet (Mỹ) kết hợp cùng mô hình học máy để lập bản đồ che phủ của tán cây trên toàn bộ châu Phi. Khác với các vệ tinh thông thường chỉ ghi lại ảnh chụp để đo kích thước những khu rừng lớn, dữ liệu vệ tinh ông Reiner đang sử dụng có độ phân giải cao, đặc biệt phù hợp để lập bản đồ cây xanh chi tiết, bao gồm cả những cây và bụi cây không thuộc rừng.

Lựa chọn loại vệ tinh này được cho là hoàn toàn đúng đắn khi thống kê có 30% số cây xanh ở châu Phi không nằm trong rừng mà rải rác trên đất nông nghiệp, thảo nguyên và khu vực đô thị. GS Reiner cho biết: “Nhiều quốc gia ở châu Phi thiếu rừng rậm nhưng lại có rất nhiều cây xanh, và những cây này cực kỳ quan trọng đối với con người và hệ sinh thái địa phương”. Vì thế, việc có thể lập bản đồ theo dõi từng cây, bụi cây đơn lẻ nhằm giám sát và giảm nguy cơ bị chặt phá của chúng là rất cần thiết. Một chuyên gia khác cũng nhận xét: “Khả năng giám sát chặt chẽ từng cây có thể giúp phân tích và tìm ra thời điểm, vị trí có nguy cơ cao xảy ra nạn chặt phá cây xanh”. Từ đó, bản đồ được kỳ vọng sẽ khiến công việc bảo vệ rừng trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cung cấp thêm thông tin hữu ích cho nỗ lực tái trồng rừng.

GS Reiner cho biết, nghiên cứu này vẫn chưa sẵn sàng để đưa vào thương mại hóa lập tức bởi vẫn còn nhiều thử nghiệm. Hiện ông và các đồng nghiệp vẫn đang tích cực tìm cách mở rộng và phát triển bản đồ với mong muốn kiểm soát toàn bộ cây xanh trên toàn cầu.