Làm đường từ đầu lọc thuốc lá

Ước tính, trong số hàng trăm triệu đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng mỗi ngày trên thế giới, chỉ một phần ba được đưa vào thùng rác hoặc thùng tái chế. Với thành phần gồm nhiều chất độc hại, đầu lọc thuốc lá khi vứt xuống đất có khả năng làm ô nhiễm đất, nước, hệ sinh thái thực vật và động vật. Lo lắng này đã thôi thúc một số công ty ở Slovakia tái chế đầu lọc thuốc lá thành nguyên liệu làm đường.
0:00 / 0:00
0:00
Thu gom đầu lọc thuốc lá tại một cửa hàng IQOS. Ảnh: PHILIP MORRIS INTERNATIONAL
Thu gom đầu lọc thuốc lá tại một cửa hàng IQOS. Ảnh: PHILIP MORRIS INTERNATIONAL

Theo Euronews, Công ty quản lý chất thải đô thị Odvoz a Likvidácia Odpadu (OLO) sẽ tiến hành đặt các trạm thu gom đầu lọc thuốc lá tại các sự kiện lớn ở Thủ đô Bratislava từ năm 2024. Ý tưởng này đã được OLO thử nghiệm trong các phiên chợ Giáng sinh năm 2023 của thành phố, khi nhóm dự án đặt các thùng chuyên dụng để thu gom cả đầu lọc thuốc lá truyền thống lẫn đầu lọc của các thiết bị thuốc lá điện tử như vape. “Trong khi tham gia hội chợ, lễ hội và các giải chạy, người dân và du khách có thể góp phần giữ sạch môi trường và tái chế rác thải gây hại chỉ bằng cách bỏ tàn thuốc lá vào thùng”, bà Martina Čechová - Quản lý về Kinh tế tuần hoàn của OLO cho biết.

Trước đó, năm 2022, Công ty Philip Morris Slovakia (PM SK) cũng hợp tác với EcoButt, một công ty địa phương chuyên tái chế rác thải từ thuốc lá, để thu gom đầu lọc thuốc lá điện tử (HTU) tại ba cửa hàng IQOS (tạm dịch là “Tôi từ bỏ thuốc lá truyền thống”) ở Slovakia. Khi mới bắt đầu, nhóm dự án lựa chọn không quảng bá rộng rãi về ý tưởng để kiểm nghiệm phản ứng thực tế của người tiêu dùng. Theo đó, khách tới cửa hàng sẽ được nhân viên giới thiệu về hoạt động thu gom, tái chế HTU và được phát các túi niêm phong để đựng các HTU đã qua sử dụng. “Chúng tôi rất mừng khi chứng kiến số lượng HTU được thu gom tăng lên mỗi tháng”, bà Lucia Blahova, đại diện của PM SK chia sẻ.

Thông thường, sau khi thu gom, các đầu lọc thuốc lá truyền thống sẽ được EcoButt xử lý để tạo thành các viên nén chứa cellulose, sau đó được trộn với nhựa đường để làm đường. EcoButt hiện áp dụng kỹ thuật tương tự với các HTU đã qua sử dụng và từng hoàn thiện thành công đoạn đường dài 1,6 km bằng các nguyên liệu tái chế này.