Công nghệ gây mưa nhân tạo

Trong bối cảnh dự báo nguy cơ hạn hán ở nhiều khu vực ngày càng rõ rệt, các nhà khoa học và nhiều công ty đã phát triển các công nghệ tạo mưa bằng cách “gieo hạt mây”.
0:00 / 0:00
0:00
Một máy bay rải hạt xúc tác gây mưa nhân tạo. Ảnh: GETTYIMAGES
Một máy bay rải hạt xúc tác gây mưa nhân tạo. Ảnh: GETTYIMAGES

Theo tạp chí Scientific American, “gieo hạt mây” là phương pháp đã được áp dụng và phát triển nhiều năm qua nhằm gây mưa nhân tạo. Nguyên tắc cơ bản là gieo các “hạt giống mưa” bằng cách cho máy bay rải chất xúc tác cần thiết vào các đám mây, tích tụ hơi ẩm trên các đám mây lại và chuyển hóa thành hạt mưa. Tuy nhiên, công nghệ này còn một số hạn chế như đòi hỏi khu vực cần gây mưa phải có những đám mây mang đủ hơi nước thì mới tạo được cơn mưa.

Để khắc phục nhược điểm nêu trên, gần đây các nhà khoa học đã triển khai phương án tăng cường lượng mưa bằng cách phun các hạt tích điện vào không khí. Theo ông Dan Martin, kỹ sư nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), công nghệ “gieo hạt mây” sẽ giải phóng một luồng hạt nước tích điện vào đám mây. Mây hình thành khi những giọt nước ngưng tụ trên bầu trời. Khi một số hạt nước tích điện được rải vào các đám mây nhỏ, có thể thu hút nước hoặc băng và giúp đẩy nhanh quá trình hình thành mưa. Tuy nhiên, vẫn cần một hành trình dài cho đến khi có thể áp dụng được công nghệ này trên diện rộng.

Cơ quan nghiên cứu phát triển của USDA mới thử nghiệm “gieo hạt mây” ở bang Texas (Mỹ). Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang thực hiện những dự án tương tự nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động gieo hạt tích điện vào mây. Hiện tại, gây mưa nhân tạo cũng mới chỉ được thực hiện ở một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga và một số nước khu vực Trung Đông.

Việc phát triển các phương pháp gây mưa nhân tạo đã trở nên cấp bách hơn trong những năm gần đây. Tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra thường xuyên hơn. Mưa nhân tạo có thể được xem là một cách làm ít tốn chi phí hơn so các phương pháp tạo nguồn nước khác, như khử muối từ nước biển.

Theo nhà nghiên cứu Katja Friedrich của Đại học Colorado (Mỹ), gần đây một số nước khu vực Trung Đông, điển hình như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu tạo đám mây. Quốc gia này đã thử nghiệm “gieo hạt mây” trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học tăng cường mưa (UAEREP) và đã tài trợ cho ít nhất 11 dự án nghiên cứu khác nhau liên quan điều chỉnh thời tiết kể từ năm 2015.