Nhật Bản là một trong những quốc gia có mức già hóa dân số cao nhất thế giới, với gần 30% công dân hơn 65 tuổi. Điều này gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt tại các vùng nông thôn thưa thớt dân cư. Trước vấn đề này, robot giao hàng đã được đề xuất như một giải pháp giúp người dân ở các vùng nông thôn dễ dàng tiếp cận với hàng hóa.
Theo Japan Times, từ tháng 4 tới, robot giao hàng sẽ chính thức được phép di chuyển trên đường phố Nhật Bản theo luật giao thông mới được sửa đổi của nước này. Luật này mở ra nhiều cơ hội cho các công ty công nghệ tại “đất nước mặt trời mọc”.
ZMP, một công ty chế tạo robot có trụ sở tại Tokyo, đã hợp tác với những “gã khổng lồ” như Japan Post Holdings để thử nghiệm robot giao hàng DeliRo của họ. Robot của ZMP được thiết kế vẻ ngoài dễ thương, nổi bật với đôi mắt to, biểu cảm có thể rơi nước mắt vì buồn nếu bị cản đường. Ngay cả “gã khổng lồ” điện tử Panasonic cũng tham gia chế tạo và thử nghiệm robot giao hàng ở Tokyo và Fujisawa. Các hoạt động thử nghiệm robot đến nay bao gồm từ giao thuốc và thực phẩm tại Fujisawa cho đến bán đồ ăn vặt ở Tokyo, với những câu chào hàng gần gũi nhận được sự yêu thích của người dân nơi đây.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua, bao gồm cả những lo ngại về tính an toàn khi để robot tham gia giao thông. Về việc này, ZMP cho biết, các robot DeliRo sẽ không hoàn toàn tự động, mà vẫn do con người giám sát từ xa và sẵn sàng can thiệp. Tương tự, Dai Fujikawa, kỹ sư của Panasonic, cũng khẳng định robot Hakobo của họ dù có thể tự đánh giá và phát hiện chướng ngại vật, vẫn sẽ được nhân viên trụ sở giám sát thông qua camera và điều khiển trong những trường hợp khẩn cấp, hay ở những khu vực có nguy cơ cao như nút giao thông.
Với tiềm năng của công nghệ này, Chủ tịch công ty ZMP Taniguchi hy vọng sau này sẽ được thấy các robot giao hàng hoạt động ở mọi nơi. “Tôi nghĩ mọi người sẽ hài lòng hơn nữa khi công nghệ giao tiếp phát triển hơn. Có thể trong tương lai, những robot này sẽ tuần tra khu phố hay bảo đảm an toàn cho người già” ông nói.