“Nhà chống lũ” tại Nhật Bản

Đối mặt những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu, một doanh nghiệp tại Nhật Bản đã cho ra đời mô hình nhà chống lũ vô cùng độc đáo nhằm giúp người dân hạn chế được thiệt hại trước lũ lụt.
0:00 / 0:00
0:00
Thử nghiệm nhà chống lũ của Ichijo Komuten. Ảnh: JAPAN TIMES
Thử nghiệm nhà chống lũ của Ichijo Komuten. Ảnh: JAPAN TIMES

Theo Japan Times, Nhật Bản là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần. Những năm vừa qua, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quốc gia này cũng hứng chịu mất mát to lớn lũ lụt do mưa lớn và bão, gây thiệt hại về tính mạng con người và tài sản, khiến nhiều người mất nhà cửa. Các kỹ sư và kiến trúc sư đã nỗ lực tìm giải pháp, nhưng có rất ít công trình chứng minh được hiệu quả. Công ty phát triển nhà ở Ichijo Komuten tuyên bố đã tìm ra giải pháp giúp nhà của người dân không bị ngập cũng như bị lũ cuốn trôi.

Ngay sau tuyên bố của đại diện doanh nghiệp nói trên, mô hình “nhà chống lũ” của Ichijo Komuten đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Theo đó, mô hình nhà đặc biệt này có vẻ ngoài giống những căn nhà bình thường khác, song được trang bị hệ thống đặc biệt, giúp bịt kín các khe hở khi nước dâng cao để ngăn nước tràn vào nhà. Nhờ vậy, nội thất bên trong, cũng như các thiết bị điện tử đều được bảo đảm an toàn. Không chỉ vậy, khi nước bắt đầu dâng lên chung quanh, cấu trúc của ngôi nhà sẽ rời khỏi mặt đất và nổi lên trên mặt nước. Tuy nhiên, ngôi nhà không bị trôi theo dòng nước do được móc nối với nhiều cọc sắt đóng trực tiếp xuống đất. Khi nước rút, ngôi nhà sẽ hạ xuống vị trí ban đầu.

Theo các kỹ sư tại Ichijo Komuten, hầu hết các ngôi nhà đều bị hư hại khi nước ngập đến cửa sổ, nhưng “nhà chống lũ” của công ty này có thể nổi lên đến 5m so mặt đất nên nước khó có thể tràn qua cửa sổ, trong khi các khe cửa đều được bịt kín. Hiện, ý tưởng này đang được thử nghiệm và dự kiến đưa vào thực tế trong thời gian tới.

“Nhà chống lũ” của Ichijo Komuten không phải căn nhà nổi đầu tiên trên thế giới nhằm đối phó lũ lụt. Trước đó, Hà Lan, hay Panama - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ mực nước biển và kênh đào dâng cũng đã cho ra đời ý tưởng tương tự và ứng dụng thành công trong thực tiễn.