Giúp châu Phi tiếp cận nguồn vaccine

Mới đây, Trung tâm sản xuất vaccine công nghệ mRNA đầu tiên của châu Phi đã chính thức khánh thành tại Thành phố Cape Town (Nam Phi). Đây được xem là bước tiến lịch sử về y tế của “lục địa đen”, nhằm giúp các nước nghèo trong khu vực tiếp cận nguồn vaccine.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tại châu Phi dễ tiếp cận vaccine hơn trong tương lai. Ảnh: WHO
Người dân tại châu Phi dễ tiếp cận vaccine hơn trong tương lai. Ảnh: WHO

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 69,7% dân số toàn cầu đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 tính đến tháng 3/2023, nhưng con số đó vẫn dưới 30% ở các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là ở châu Phi. Không chỉ vậy, hầu hết người dân các nước nghèo trong lục địa này cũng không tiếp cận được nguồn vaccine phòng ngừa các bệnh lý cơ bản khác. Trước tình hình đó, WHO đã cho ra mắt Trung tâm sản xuất vaccine công nghệ mRNA đầu tiên của châu lục.

Reuters cho biết, trung tâm này sẽ do công ty dược phẩm sinh học Biovac của Nam Phi, công ty công nghệ sinh học Afrigen và Hội đồng nghiên cứu dược phẩm Nam Phi phối hợp vận hành. Hiện, quỹ vận hành trung tâm có 117 triệu USD, chủ yếu do Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức và Canada đóng góp. Trung tâm đã sản xuất vaccine công nghệ mRNA ở quy mô phòng thí nghiệm, đang mở rộng quy mô và được cấp phép sản xuất vaccine Moderna phục vụ mục đích thương mại. Một vai trò khác của trung tâm là hướng dẫn cho các nhà sản xuất ở các nước nghèo hơn trong khu vực, giúp họ có được bí quyết sản xuất vaccine công nghệ mRNA với số lượng lớn và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Dự án uy tín này sẽ giúp giải quyết vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt trong đại dịch, đó là sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận nguồn vaccine. Trung tâm sản xuất vaccine ra đời tại châu Phi để điều này không tái diễn nữa”. Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi dự án mới là bước tiến lịch sử và cho rằng dự án này có khả năng tạo ra một hệ sinh thái giúp người dân châu Phi không chỉ tiếp cận an ninh y tế mà còn tạo bước đà để phát triển công nghiệp dược phẩm trong tương lai.