Thế giới đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh nhất để đối mặt biến đổi khí hậu. Những tấm pin năng lượng mặt trời đã phát huy nhiệm vụ góp phần tạo nên các nguồn năng lượng tái tạo xanh. Tuy nhiên, khi hết hạn sử dụng, chúng lại trở thành mối lo khi chứa các thành phần gây nguy hiểm cho con người như chì và kim loại nặng cadmium. Không chỉ vậy, các thành phần vật liệu khác như thủy tinh, nhôm hay silicon cũng gây ra mối đe dọa cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách và bị vứt vào các bãi chôn lấp.
Tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), ước tính chưa đến 10% số pin mặt trời hết niên hạn được tái chế. Trong khi đó, luật pháp EU quy định các nhà sản xuất pin mặt trời phải thu hồi tối thiểu 80% khối lượng của mỗi tấm pin. Trước tình trạng đó, Envie 2E - một công ty có trụ sở tại Gironde (Pháp) đã tiên phong đưa ra ý tưởng về việc tái chế pin mặt trời. Theo Le Figaro, công ty này sẽ sử dụng một chiếc máy đặc biệt dài khoảng 20 m, với các lưỡi dao được làm nóng đến 350oC nhằm tách tấm kính của pin mặt trời ra khỏi các lớp linh kiện khác ở bên dưới, sau đó tái chế chúng.
Ông Frédéric Seguin, Giám đốc chi nhánh địa phương của Envie 2E cho biết: “Khi trên thế giới chỉ có hệ thống nghiền nát tấm kính, chúng tôi đang thực hiện việc tách tấm này. Nói cách khác, chúng tôi sẽ tách tấm kính ra khỏi các lớp bảng điều khiển, lớp nhựa đệm bên dưới chứ không nghiền chúng lẫn lộn vào nhau. Với hệ thống này, cứ 2 phút Envie 2E có thể phân tách một tấm pin đã qua sử dụng”.
Các nhà khoa học nhận định, với sáng kiến của Envie 2E, mỗi tấm pin mặt trời có thể được tái chế 95%. Đây là mô hình đầu tiên trên thế giới có thể làm được điều này. Do đó, sáng kiến này được xem là hình mẫu cần nhân rộng ra nhiều quốc gia.