NĂM 2030

PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH KHOẢNG 5000 KM ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC

Đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác.

Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia. Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới đường bộ đồng bộ trong cả nước, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.

Trên cơ sở yêu cầu bức thiết của đất nước, ngày 11/1, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại, gồm 8 dự án thành phần đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi-Nha Trang (Khánh Hòa) và Cần Thơ-Cà Mau, gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Về mục tiêu, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án cao tốc bắc-nam, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí 119.666 tỷ đồng, cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2026-2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.

Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Về công nghệ, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.

Mạng lưới đường bộ Việt Nam đến năm 2050
Infogram

Theo nhận định của một số chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu Quốc hội, nếu các cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho được áp dụng đồng bộ, hiệu quả, 12 dự án thành phần của cao tốc bắc-nam có thể bắt đầu triển khai vào cuối năm nay thay vì tháng 5/2023 (nếu thực hiện thủ tục thông thường). Trước đây, công tác chuẩn bị dự án cao tốc bắc-nam cần ít nhất 2-3 năm, thậm chí lâu hơn.

Một số chuyên gia giao thông nêu thí dụ, tại dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 năm 2013, nhờ áp dụng cơ chế chỉ định thầu, các dự án thành phần không chỉ đạt được kỳ tích về tiến độ, cán đích vào cuối năm 2015, vượt tiến độ một năm so với yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.

Với tiêu chí mỗi nhà thầu tham gia giảm giá ít nhất 5% so với dự toán ước tính, cộng với việc tư vấn đánh giá sát với dự báo, trượt giá vật tư phục vụ dự án không nhiều, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đã dư vốn khoảng 14 nghìn tỷ đồng.

Khi chỉ định thầu, chủ đầu tư đánh giá kỹ lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, sẽ giúp chi phí xây lắp dự án giảm đi nhiều.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng nhận định, 12 dự án thành phần cao tốc bắ nam chỉ còn 4 năm để triển khai nên nếu không có những cơ chế đột phá sẽ rất khó hoàn thành. Thực tiễn triển khai các dự án cao tốc thời gian qua cho thấy, công tác đấu thầu mất rất nhiều thời gian, có thể tiêu tốn 2 - 3 năm. Đấu thầu hay chỉ định thầu cũng chỉ là phương thức lựa chọn một nhà thầu có năng lực về kinh nghiệm, tài chính đáp ứng tiến độ, chất lượng và giá.

Trong đấu thầu, nếu chủ đầu tư và nhà thầu móc ngoặc, chưa chắc nhà thầu năng lực tốt có thể “chen chân”, còn Nhà nước chỉ định thầu, kèm theo yêu cầu tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu (đối với gói thầu xây lắp), thật ra cũng không khác gì đấu thầu nhưng lại lựa chọn được nhà thầu tốt. Chỉ định thầu có sự giám sát chặt chẽ, hồ sơ năng lực của các bên sẽ “phơi” trên bàn cơ quan quản lý, ai có thực lực sẽ được lựa chọn một cách công khai, minh bạch.

Thực tế kết quả đấu thầu tại nhiều dự án giao thông lớn và ngay cả các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 1, giá trúng thầu gần như sát giá dự toán, chỉ giảm so dự toán khoảng 1-2%. Do đó, ưu điểm lớn nhất của chỉ định thầu là sẽ không bị phát sinh tình huống đấu thầu và bảo đảm thành công trong việc lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp đấu thầu rộng rãi thông thường, các gói thầu di dời công trình hạ tầng được áp dụng phương thức “một giai đoạn, hai túi hồ sơ”. Nếu thuận lợi cần ít nhất 2 tháng mới lựa chọn xong nhà thầu. Trường hợp phức tạp có thể kéo dài từ 3 - 4 tháng hoặc lâu hơn, thậm chí phải hủy thầu để đấu thầu lại, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Trong khi đó, theo quy trình thông thường, định thầu cần khoảng 20 ngày; quy trình rút gọn chỉ 7 ngày.

Đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng giao thông là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh cần đẩy nhanh đầu tư toàn xã hội. Trong giai đoạn ngắn hạn, một “đại dự án” như cao tốc bắc-nam được đầu tư còn trực tiếp tạo ra việc làm, thúc đẩy các hoạt động phụ trợ phục vụ dự án như sắt thép, xi măng, các vật liệu khác.
TS Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Theo tiến độ Quốc hội yêu cầu, dự án cao tốc bắc-nam phải hoàn thành trong thời gian rất nhanh. Vì thế, cần phải có cơ chế đặc thù, có tính giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện triển khai dự án. Bên cạnh cơ chế chỉ định thầu ở gói thầu tư vấn, gói thầu xây lắp trong công trình chính, cần phải thực hiện chỉ định thầu ở hạ tầng khu tái định cư (nếu có), cùng với đó phải có sự hỗ trợ và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn tính toán, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai đến năm 2025 khoảng 47 tháng. Muốn hoàn thành dự án như mục tiêu đề ra, thời gian chuẩn bị các công việc để khởi công, thi công xây dựng chỉ còn khoảng 11-15 tháng. Thời gian này không đủ để thực hiện các thủ tục theo trình tự, thủ tục thông thường hiện hành.

Việc chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án là rất cần thiết. Ưu điểm lớn nhất khi chỉ định thầu sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm từ 6-8 tháng. Nhưng kể cả chỉ định thầu, cũng phải có sự đánh giá, tiêu chí chỉ định thầu rất rõ ràng, sàng lọc được tư vấn, nhà thầu kém chất lượng, để dự án không chỉ nhanh về tiến độ mà còn bảo đảm về chất lượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho hay, 10 trong số 12 dự án thành phần dự án cao tốc bắc - nam thuộc dự án công trình quan trọng quốc gia. Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư, theo quy định của Luật Đầu tư công thì thẩm quyền quyết định đầu tư của 10 dự án thành phần này là của Thủ tướng. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu rõ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Theo quy định nhóm A thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần trong dự án thuộc về thẩm quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Item 1 of 5

Theo Phó cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến, bước lập, phê duyệt dự án đầu tư rất quan trọng và trải qua nhiều quy trình thủ tục nhất, có nhiều thủ tục liên quan các bộ, ngành, địa phương như: Chuyển đổi đất trồng rừng, đất trồng lúa, khung chính sách giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận hướng tuyến, đấu nối giao thông với địa phương,…

Đặc biệt, việc chuyển đổi đất trồng rừng, đất trồng lúa phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương mới đủ điều kiện phê duyệt dự án. Các bước thủ tục liên quan vấn đề này không thể rút gọn vì luật hiện hành quy định. Do đó, để rút ngắn thời gian, cơ quan được giao nhiệm vụ cần xây dựng phương án rút ngắn thời gian thẩm định, tư vấn lập hồ sơ đến đâu phải thẩm định ngay đến đó, không đợi xong mới thẩm tra sẽ kéo dài thời gian.

Về phía địa phương, cũng cần khẩn trương vào cuộc triển khai một số thủ tục ngay từ khi có Nghị quyết của Chính phủ và ngay khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao mốc giải phóng mặt bằng như thành lập Hội đồng thẩm định giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch công bố thu hồi đất, quy hoạch sử dụng đất, các công tác nội nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho dự án.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, ngay tại dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn 1, Ban được giao phụ trách quản lý hai dự án thành phần cao tốc bắc-nam với 9 gói thầu, trong quá trình đấu thầu, hai gói 12, 14 thuộc dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 và hai gói 2, 3 dự án Phan Thiết-Dầu Giây bị “vỡ thầu”, không chọn được nhà thầu phù hợp. “Công tác đấu thầu phải tiếp tục lần hai với quy trình tương tự lần đầu, phát sinh thêm khoảng 35 ngày, đến khi chọn được nhà thầu mất hơn hai tháng”, ông Roãn cho biết.

TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đánh giá: “Theo tôi, các dự án triển khai trong thời gian gấp rút như cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025 thì chỉ định thầu là cơ chế cần thiết. Với đầu tư dự án, thời gian cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả. Nếu đấu thầu, các bước thủ tục phải tiến hành theo quy định của luật sẽ mất rất nhiều thời gian và có nhiều rủi ro nếu không lựa chọn được nhà thầu hoặc lựa chọn phải nhà thầu kém năng lực, làm kéo dài thời gian.

Tuy nhiên, để chỉ định thầu được hiệu quả, đáp ứng được tiến độ, chất lượng, Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan phải phối hợp nghiên cứu đưa ra tiêu chí lựa chọn chính xác. Từ tiêu chí đó, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Làm được như vậy, cộng với điều kiện nhà thầu tiết kiệm 5% so dự toán ước tính (đối với gói thầu xây lắp), cơ chế chỉ định thầu sẽ thúc đẩy được tiến độ dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong kỳ trung hạn, lại giúp ngân sách Nhà nước tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư khi triển khai các dự án trọng điểm”.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cùng với cơ chế chỉ định thầu, nhiều cơ chế đặc thù đối với mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc bắc-nam cũng được thông qua. Đáng chú ý nhất là cơ chế giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công. Bộ Giao thông vận tải cũng được giao thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt 12 dự án tương tự như đối với dự án nhóm A.

Thông thường, thời gian thẩm định dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thường mất hơn 100 ngày. Quỹ thời gian này có thể tiết kiệm được 1-1,5 tháng nếu thực hiện theo quy trình thẩm định dự án nhóm A. Bộ Giao thông vận tải cũng được giao tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các địa phương theo từng đoạn tuyến trong quá trình lập dự án đầu tư tùy thuộc mức độ phức tạp của điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn. “Nếu làm theo quy trình thông thường, cao tốc bắc - nam phải mất 6 - 7 tháng mới có thể bàn giao cọc giải phóng mặt bằng. Áp dụng cơ chế trên, thời gian có thể rút đến hơn một nửa, thậm chí hơn”, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho hay.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, dù ngân sách eo hẹp, song chúng ta vẫn dành nguồn lực hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng và coi đó là một trong 5 điểm nhấn của chương trình phục hồi kinh tế. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò của hạ tầng ngay cả trước mắt lẫn dài hạn, gắn với phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trọng trách lớn cũng đi kèm áp lực lớn. Chỉ riêng trách nhiệm “tiêu” hết số tiền 100 nghìn tỷ đồng trong hai năm cũng là một thách thức. Cho dù nền kinh tế luôn khát vốn, song thực tế cũng cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn là một bài toán không dễ giải. Một áp lực lớn khác là giải ngân như thế nào, giám sát ra sao, vận hành cách gì để các công trình đó hoàn thành “sứ mệnh” thúc đẩy kinh tế - xã hội trong khu vực.

Trong bối cảnh đất nước từng bước “vượt bão” Covid-19, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang triển khai được kỳ vọng tác động lan toả đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Theo tính toán, hạ tầng, giao thông là lĩnh vực có tác động lan toả lớn nhất, mức độ tác động từ 1,26-1,4 lần (có nghĩa đầu tư 1 đồng cho giao thông, có thể thu về 1,25 -1,4 đồng) và lan tỏa đến mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, văn hoá,... Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ số km đường cao tốc trên dân số thấp nhất khu vực và đây cũng là một trong những yếu tố hạn chế tốc độ phát triển chung.

Bên cạnh đó, đầu tư trục lớn chạy từ bắc vào nam, song hệ thống giao thông chỉ bố trí theo chiều dọc như vậy chưa đủ. Để cao tốc thật sự phát huy hiệu quả, cần phải được kết nối với quốc tế cũng như kết nối nội địa. Khi đó, hàng hoá hay khách du lịch ở Việt Nam có thể đi thẳng từ Hà Nội sang Bangkok không chỉ bằng đường hàng không.

Chúng ta phải tính đến việc nay mai có thể kết nối vào đường bộ của Trung Quốc qua Afganistan rồi sang Ấn Độ, tiến thẳng tới Ai Cập, thậm chí đến Anh. Trung Quốc đã chạy thử nghiệm, cho thấy chi phí vận tải đường bộ đến Anh giảm một nửa so với đường thủy như hiện nay.
TS Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Trình bày: MINH THU