Giám tuyển Ace Lê

Phải bắt đầu từ tuân thủ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp

Một vài năm trở lại đây, các tác phẩm mỹ thuật được trưng dụng như điểm nhấn thưởng lãm tại nhiều sự kiện của doanh nghiệp trong nước, bên cạnh việc sử dụng nhằm quảng bá thương hiệu dưới đa dạng hình thức. Nhìn từ góc độ xã hội, việc làm này góp phần giới thiệu, đưa thông tin về mỹ thuật trong nước đến với ngày càng đông đảo công chúng. Nhưng nhìn từ góc độ văn hóa, có không ít khía cạnh cần phải xem xét, cân nhắc thấu đáo nhằm tránh dẫn đến lối hiểu sai lệch về nghệ thuật và thẩm mỹ dân tộc. Nhân Dân hằng tháng có cuộc trao đổi với giám tuyển Ace Lê (ảnh bên) chung quanh chủ đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Phải bắt đầu từ tuân thủ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp

Tác phẩm mỹ thuật không phải “món đồ lưu niệm”

Là giám tuyển của nhiều triển lãm mỹ thuật trong nước - từ thời kỳ Đông Dương đến đương đại, anh có thể đưa ra một số nhận định về phổ khách hàng của thị trường mỹ thuật nội địa hiện nay?

Thị trường mỹ thuật Việt Nam kể từ sau chính sách Đổi mới đã trải qua những bước tiến dài. Từ đầu những năm 90 cho đến khoảng năm 2010, đại đa số khách hàng của những phòng tranh thương mại đầu tiên vẫn là người ngoại quốc, chủ yếu mua tranh, tượng như món đồ lưu niệm hoặc quà tặng.

Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, thế cờ đã chuyển mạnh và cơ cấu khách hàng đã dần nghiêng hẳn về nội địa. Nhiều phòng tranh chia sẻ với tôi rằng, tỷ lệ khách hàng trong nước giờ đã chiếm hơn 70%.

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, bởi một thị trường nghệ thuật bền vững phải là một thị trường được hỗ trợ bởi thanh khoản và công chúng nội địa. Lý giải cốt yếu nhất cho chuyển biến này là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, kéo theo sự hình thành và ngày càng mở rộng phân khúc khách hàng xa xỉ.

Chúng ta đang có một thế hệ nhà sưu tầm và bảo trợ nghệ thuật mới vừa có điều kiện kinh tế vừa có khả năng nghiên cứu và mong muốn chia sẻ sưu tập của mình cho bạn bè, cộng đồng cùng thưởng lãm. Họ sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động xuất bản, giám tuyển, triển lãm một cách chuyên nghiệp để tạo ra giá trị văn hóa, kéo theo đó là nâng tầm trị giá cho bộ sưu tập của họ.

Tôi gọi họ là “những nhà sưu tầm có trách nhiệm”. Sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi tích cực bộ mặt thị trường mỹ thuật trong nước.

Nhìn rộng ra, bên cạnh khối sưu tập chuyên nghiệp, có trách nhiệm xã hội, phần lớn khách hàng của mỹ thuật tại Việt Nam, cả cá nhân và doanh nghiệp, vẫn nhìn nhận việc mua tranh như phần bổ khuyết cho nội thất.

Sau khi có nhà, có văn phòng, họ mới cân nhắc việc mua tranh, ảnh trang trí cho những khoảng tường trống. Nhiều khi, người mua còn phó mặc cố vấn thiết kế nội thất chọn tranh, tượng. Khi vẫn được coi như một thứ đèm đẹp, bổ trợ cho những công năng thiết yếu, tác phẩm nghệ thuật sẽ dễ bị quay lại vị trí món đồ lưu niệm như nhắc tới bên trên.

Những phân tích chi tiết của anh càng khiến tôi muốn đi tìm nguyên do của cái vòng xoay trôn ốc “món đồ lưu niệm” không lấy gì làm thú vị kia?

Theo tôi, nó bắt nguồn từ lỗ hổng lớn trong hệ thống giáo dục nghệ thuật Việt Nam, bởi trẻ em của nhiều năm trước gần như không được dạy về lịch sử mỹ thuật, hoặc tiếp xúc thường xuyên với các tác phẩm quan trọng trong bảo tàng hoặc các khu vực công cộng khác. Khi lứa trẻ em ấy lớn lên, họ sẽ tập trung vào cơm áo gạo tiền và chỉ khi dư dả mới bắt đầu nghĩ tới nhu cầu cho tinh thần như thưởng lãm nghệ thuật.

Họ chính là lớp khách hàng của mỹ thuật hôm nay. Tôi có rất nhiều người bạn là bác sĩ, luật sư, doanh nhân... thành đạt nhưng khi đặt chân vào một phòng tranh thì tự nhận bản thân “gần như mù tịt”, không biết bắt đầu từ đâu. Thực tế ấy là câu trả lời cho việc sưu tập nghệ thuật vẫn chỉ loanh quanh ở ngưỡng làm quen. Quá trình trau dồi nào cũng cần có thời gian. Chúng ta nên bắt đầu với thói quen đi thăm 10 triển lãm mỗi năm rồi hãy tính (cười).

Cũng vì sự chậm trễ trong giáo dục và phát triển thị trường như vậy nên các nhà sưu tầm Việt Nam vẫn chỉ giới hạn trong việc sưu tập tác phẩm trong nước.

Nhìn ra một số nước cùng khu vực, như Thái Lan, Indonesia hay Philippines, ta thấy họ có rất nhiều nhà sưu tập là chủ nhân của những bộ sưu tập nghệ thuật tầm khu vực và quốc tế đồ sộ. Chỉ số giao lưu quốc tế thông qua độ đa dạng của bộ sưu tập cũng là một yếu tố đo lường cho mức độ phát triển của một thị trường nghệ thuật.

Cần xóa bỏ những lối nghĩ, cách làm tùy tiện

Phải bắt đầu từ tuân thủ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp ảnh 1

Phong cảnh (1939,155,5x400cm), một mặt của tác phẩm sơn mài ở dạng bình phong (hai mặt là hai bức tranh) của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Bảo vật quốc gia hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh này bị một họa sĩ tên tuổi sao chép, hiện bày tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh | Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ở Việt Nam, thường một bức tranh thật được mua để treo công khai tại công sở, nhà hàng, khách sạn, sảnh đón tiếp… có mức giá dao động trong khoảng nào, theo quan sát của anh?

Từ khóa ở đây hẳn là “công khai”, vì nếu trưng bày công khai tác phẩm có trị giá quá lớn sẽ kéo theo những điều kiện và chi phí tương ứng về các khâu an ninh, bảo quản, bảo hiểm... Để đơn giản hóa câu hỏi này, tôi sẽ chỉ tham chiếu vào các dự án khách sạn, nhà hàng mới xây dựng trong vài năm vừa qua.

Một số khách sạn cao cấp đầu tư ngân sách từ vài chục đến cả trăm nghìn USD cho một bức tranh khổ lớn ở quầy lễ tân trung tâm đại sảnh, hoặc một tác phẩm điêu khắc nơi vòng xoay đón trả khách. Đó là những vị trí long trọng (centrepiece) có nhiều lượt người qua lại nên việc đầu tư vào tác phẩm cũng là một cách xây dựng thương hiệu. Ngân sách sẽ giảm dần cho những không gian ít long trọng hơn như hành lang, phòng ngủ...

Còn với các công trình thương mại như tòa nhà văn phòng hay nhà hàng, việc đầu tư và trưng bày nghệ thuật gần như không theo một chuẩn mực nào mà phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách và “gu” thẩm mỹ của chủ đầu tư. Tôi đã thấy có nhà hàng bày tranh sơn mài trị giá cả triệu USD của một họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương trong khi nhiều nơi đơn thuần chỉ treo tranh sao chép, thậm chỉ là bản in lại trên toan.

Tôi có biết một thí dụ sao chép thô thiển, khi một họa sĩ nổi tiếng hiện thời công khai chép tranh của một bậc thầy về hội họa sơn mài thời kỳ Đông Dương để trưng bày tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thực tế này gợi suy nghĩ gì trong anh?

Một thị trường lành mạnh cần được xây dựng trên một cơ sở hạ tầng vững chắc, trong đó khung luật và chính sách nghệ thuật đóng vai trò quan trọng bậc nhất để bảo vệ cho quyền lợi người sáng tạo, cũng là bảo vệ cho lòng tự trọng của một ngành nghề. Chúng ta sẽ không thể phát triển thị trường được nếu những hoạt động sao chép vô tội vạ ấy, nhất lại dưới tư cách một người làm nghề được dung túng, ở cả khía cạnh luật pháp và đạo đức.

Điều đầu tiên chúng ta cần làm là dẹp bỏ những hoạt động sao chép tranh công khai trên nhiều con phố lớn ở ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội. Chúng ta cũng cần cương quyết nói không với những tác phẩm đạo nhái.

Gần đây, một doanh nghiệp trong nước đã cho trưng bày tranh (sao chép dưới hình thức in từ ảnh) của một số danh họa thế giới với ngôn từ hoa mỹ trong khuôn khổ một lễ kỷ niệm. Việc làm này được lan truyền và gây tranh luận lớn trên truyền thông xã hội. Theo anh, liệu nó có tạo tiền lệ xấu, khi nhiều doanh nghiệp khác đi vào vết xe đổ ấy với quan niệm sai lệch, rằng phê phán mà tạo viral cũng là một kiểu làm truyền thông thương hiệu?

Một doanh nghiệp thông minh là một doanh nghiệp biết lắng nghe và đo lường phản ứng từ dư luận. Ở sự việc này, những chỉ trích đồng loạt từ cả giới chuyên môn và công chúng nói chung có lẽ đã đủ để doanh nghiệp kể trên rút ra một bài học lớn.

Câu chuyện nói trên khiến tôi liên tưởng đến bộ sưu tập nghệ thuật của Deutche Bank với chiến lược hỗ trợ nghệ sĩ và xuất bản tạp chí riêng về nghệ thuật mang tầm vóc toàn cầu. Chúng ta có nên mơ mộng một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có một A. Bank collection, sau những góc khuất hiện tại có phần lem nhem này?

Tôi có thể lạc quan nói rằng, ngày đó sẽ tới rất gần. Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, địa ốc, xa xỉ phẩm đã manh nha tự xây dựng bộ sưu tập của họ. Mô hình doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đã trở thành một khái niệm phổ biến trên thế giới, tại Việt Nam cũng vậy.

Ace Lê tốt nghiệp bậc Thạc sĩ, ngành Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành giám tuyển (Museum Studies and Curatorial Practices) tại Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University, Singapore) năm 2020.

Một trong những triển lãm ấn tượng mà anh làm giám tuyển là Hồn xưa bến lạ, giới thiệu sự hiện diện chính thức của Hãng đấu giá Sotheby’s tại Việt Nam vào năm 2022.

Từ tháng 3/2023, anh được Hãng này chỉ định làm Giám đốc điều hành thị trường tại Việt Nam.