KHI GAMESHOW CA NHẠC PHỦ SÓNG

Gameshow ca nhạc sau thời gian thoái trào đang quay trở lại với kiểu format lợi hại hơn: Thay vì tuyển chọn tài năng trẻ là cuộc đấu loại giữa hàng chục nghệ sĩ chuyên nghiệp và nổi tiếng. Những chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi… đang phát sóng trở nên hấp dẫn đến nỗi chính bản thân chương trình cũng có fan cuồng.
Diễn viên Tiến Luật gây tranh cãi tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” vì điểm bình chọn cao hơn các ca sĩ gạo cội. Ảnh trong bài | BTC
Diễn viên Tiến Luật gây tranh cãi tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” vì điểm bình chọn cao hơn các ca sĩ gạo cội. Ảnh trong bài | BTC

Được mùa gameshow ca nhạc

Hiện tại, gameshow ca nhạc vẫn là món ăn phổ biến trên truyền hình và mạng xã hội. Phủ sóng giờ vàng VTV3 và HTV2 tối thứ bảy hằng tuần là hai chương trình có format và đối tượng người chơi khá giống nhau, Anh trai vượt ngàn chông gai của nhà tổ chức Yeah1 và Anh trai say hi của VieON. Anh trai say hi lên sóng trước nhưng từng bị cáo buộc “nhái” format cuộc thi Call me by fire (Trung Quốc) mà Anh trai vượt ngàn chông gai đã mua bản quyền. Cả hai chương trình đều đạt mức vài triệu lượt xem trên YouTube với mỗi tập phát sóng.

Khung giờ tối chủ nhật trên VTV3 còn có thêm Bài hát của chúng ta – Our song Vietnam (Đông Tây Promotion). Điểm chung của các chương trình này là đều chọn nghệ sĩ chuyên nghiệp và thành danh làm người chơi. Anh trai vượt ngàn chông gai mời cả một số nghệ sĩ, người nổi tiếng ở lĩnh vực khác tham gia.

Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (Yeah1) từng nổ phát súng khai cuộc cuối tháng 10/2023 cho một mùa bội thu gameshow. Là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên ở Việt Nam hội tụ một lượng nữ nghệ sĩ đông đảo, thành công sau 15 tập phát sóng của chương trình có thể đo được qua tổng 5,2 tỷ lượt xem cho mọi hashtag liên quan, trên tất cả các nền tảng và Top 1 Rating VTV hằng tuần. Dù kết thúc từ tháng 2/2024 nhưng Chị đẹp đạp gió rẽ sóng vẫn là gameshow được thảo luận nhiều nhất mạng xã hội suốt 5 tháng đầu năm nay, với hơn 448.000 lượt.

Đây chính là động lực để nhà tổ chức Việt hóa phiên bản dành cho nam, tức Anh trai vượt ngàn chông gai. Chị đẹp mùa 2 cũng sẽ nối sóng, ngay sau khi Anh trai kết thúc. Từng bị đánh giá là hơi nhiều “drama” (chỉ những xích mích, tai tiếng khi người chơi tương tác với nhau), ngay sau mùa 1, nhà tổ chức đã tuyển chọn 5 chị đẹp lập nên nhóm nhạc nữ Lunas, ra mắt MV đầu tiên vào tháng 7/2024. Sản phẩm đạt top 2 xu hướng YouTube Việt Nam và được nhận định rập khuôn Kpop ở bố cục tổng thể và nhiều chi tiết.

Mô hình quản lý tập thể

Tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai, mỗi nghệ sĩ đều được thành lập ít nhất một fanpage và được cập nhật hằng ngày. Ê-kíp của chương trình liên tục sản xuất các clip ngắn giải trí quanh hoạt động của 33 “anh tài”, phủ sóng khắp các nền tảng mạng xã hội. Các anh tài cũng trở thành nhân vật của rất nhiều talkshow trên đài, báo… Tất cả để đảm bảo một luồng bàn luận không ngớt về chương trình cũng như nuôi dưỡng sự yêu thích của khán giả với các anh tài nói riêng cũng như chương trình nói chung.

Sự quan tâm của khán giả giữ cho số phát sóng của Anh trai vượt ngàn chông gai giành vị trí dẫn đầu xu hướng thịnh hành trên YouTube. Lượng người theo dõi chương trình tăng cao khiến chương trình trở nên đắt hàng quảng cáo. Và không ai khác ngoài khán giả lĩnh đủ khi chương trình độn thêm nhiều hoạt động bên lề của các anh tài, nhưng thực chất để trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Mỗi khi anh tài ăn xúc xích, ăn gà rán hay mở tài khoản ngân hàng đều là dịp để các thương hiệu sản phẩm xuất hiện. Nếu thời gian dành cho quảng cáo trên truyền hình theo quy định thì trên YouTube, nội dung quảng cáo trá hình có khi chiếm đến nửa thời lượng của một số phát sóng.

Trong thời gian chương trình lên sóng, các anh tài cũng tranh thủ chạy sô, ra sản phẩm chung và riêng. Một số người nhờ tham gia chương trình mới có fanclub. Họ đều hiểu rằng đây là cơ hội có thời hạn để hâm nóng sự nghiệp vì chỉ đến mùa phát sóng sau, khán giả sẽ dành thời gian và tâm huyết để “tiếp sức” cho một lứa anh trai, chị đẹp mới.

KHI GAMESHOW CA NHẠC PHỦ SÓNG ảnh 1

Sân khấu có tính chất tạp kỹ được dàn dựng công phu của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”.

Format tuyển mộ hàng chục nghệ sĩ một lúc có thể coi là một mô hình quản lý tập thể ngắn hạn giúp nghệ sĩ có thể mở rộng tập khán giả và phát triển thị trường hiệu quả trong thời gian ngắn. Nó tỏ ra phù hợp với thực trạng công nghiệp giải trí Việt Nam lúc này: các nghệ sĩ chuyên nghiệp hầu như tự thành lập ê-kíp riêng để hoạt động, không có các công ty lớn đứng ra quản lý cùng lúc nhiều ngôi sao như các thị trường âm nhạc phát triển. Các nghệ sĩ hoạt động nhỏ lẻ sẽ mất nhiều thời gian hoặc khó lòng bật lên để trở thành những thần tượng quốc dân, chưa nói đến quốc tế. Và họ chính là đối tượng cần đến những gameshow “quản lý tập thể”. Chỉ số ít những nghệ sĩ đủ cá tính, dư tiềm lực tài chính và có vị trí nổi bật mới đủ… dũng khí để từ chối lời mời hấp dẫn từ những gameshow này.

Tuy nhiên, những người nhận kèo gameshow không hẳn ở chiếu dưới hay kém tài hơn. Họ cũng phải hội đủ những yếu tố về kỹ năng và danh tiếng để đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình. Quan trọng là họ có nhu cầu chơi, có mong muốn thử thách bản thân. Bởi những gameshow này cũng chính là lò đào tạo cấp tốc các kỹ năng quan trọng để làm chủ sân khấu cũng như tiếp cận thị trường ca nhạc.

Anh trai vượt ngàn chông gai thu nạp nam nghệ sĩ từ tuổi 30 đổ lên, lập tức có Anh trai say hi thâu tóm nốt các nam ca sĩ dưới 30 tuổi Chị đẹp mùa 2 cũng không đòi hỏi người chơi phải trên 30 nữa vì nhận ra các nghệ sĩ tự do, những tài năng không ai quản lý là nguồn tài nguyên “béo bở” cần phải khai thác ngay.

Có thể hình dung định dạng chương trình kiểu bắt nguồn từ các cuộc tuyển lựa thực tập sinh quy mô lớn tại Hàn Quốc hay Trung Quốc. Những tài năng trẻ trúng tuyển từ đây sẽ được đào tạo để trở thành nhóm nhạc thần tượng. Kế đó, format này được biến đổi để áp dụng cho các nghệ sĩ đã thành danh. Sau khi vượt qua đủ các vòng đấu loại gay cấn, họ bị loại dần để cuối cùng còn lại một nhóm nhạc toàn năng có tính tượng trưng vì khả năng hoạt động của nhóm trong thực tế hầu như bằng không.

Đây chỉ như một cách tưởng thưởng phân biệt đối với các cuộc thi tuyển tài năng truyền thống, vốn trao các danh hiệu quán quân và á quân. Như Chị đẹp mùa đầu vinh danh 7 nhân vật “thành đoàn”. Anh trai lại có đến 17 thành viên trong gia tộc toàn năng chung cuộc. Đây được xem là một động thái chiều lòng khán giả. Khác với các tài năng trẻ, mỗi nghệ sĩ khi tham gia chương trình đều có lượng người hâm mộ nhất định và tất nhiên họ không thích thần tượng của mình bị loại. Còn mục đích của chương trình cũng chỉ là thu hút càng đông khán giả càng tốt. Chuyên môn không phải vấn đề đáng quan tâm hàng đầu dẫn đến đội hình được vinh danh cuối cùng có cả những diễn viên, hoa hậu… không hề biết hát!

Những hình mẫu nhân bản hàng loạt

Những gameshow theo format này khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố vốn mang tính phụ trợ như ngoại hình, trang phục, dàn dựng sân khấu và vũ đạo... Đồng nghĩa với việc nghệ sĩ trước khi đến với chương trình nên có hành trang vững vàng về âm nhạc để còn tập trung phát triển những kỹ năng liên quan đến thị giác. Một số người không chuyên về âm nhạc cũng cần được trà trộn vào để tăng kịch tính.

Sự phát triển của những gameshow này chắc chắn sẽ tác động đến nền âm nhạc nói chung, khi khiến khán giả chú ý nhiều hơn đến các nghệ sĩ giải trí đa năng. Nhưng nó cũng có thể biến khung cảnh âm nhạc trở nên một màu khi khuyến khích những mô hình rập khuôn, chạy theo thị hiếu đại trà.

Những gameshow này đồng thời tạo nên một hình dung có tính lý tưởng về một sân khấu ca nhạc chỉ có thể được dàn dựng trong trường quay. Nơi đủ điều kiện quay đi quay lại, tạo nên những tiết mục hoàn hảo về cả nghe lẫn nhìn. Ở đó nghệ sĩ vừa hát vừa nhảy, thậm chí làm xiếc mà vẫn không hụt hơi. Những yếu tố này khó thành hiện thực ở những live concert, nơi nghệ sĩ buộc phải hát thật, không có sự hỗ trợ của kỹ thuật phòng thu tiền và hậu kỳ.

KHI GAMESHOW CA NHẠC PHỦ SÓNG ảnh 2

Diễn viên BB Trần thực hiện cú nhào lộn nguy hiểm khi trình diễn trên sân khấu gameshow ca nhạc.

Khả năng gameshow lấy bớt khán giả (tiềm năng) của liveshow có vẻ đã nhãn tiền. Trong mùa cao điểm của gameshow, các dự án cá nhân quy mô của nhiều nghệ sĩ sẽ dễ bị đóng băng vì không ít khán giả đang mải mê với diễn biến kịch tính trên màn hình mà bớt để tâm tới đời sống thật của âm nhạc. Chưa kể gameshow là miễn phí.

Gameshow luôn biến đổi để thích ứng tình hình, các nghệ sĩ cũng nên như vậy. Không ít nghệ sĩ trẻ hiện nay đã sớm tìm cho mình một công ty quản lý phù hợp khi bước vào con đường chuyên nghiệp. Bên cạnh sự tham gia của các công ty quản lý đa quốc gia tại Việt Nam, một số công ty trong nước đã bắt đầu rục rịch tiến vào thị trường này. Khi các nghệ sĩ còn bận rộn với các dự án riêng được điều hành chuyên nghiệp, họ sẽ ít phụ thuộc gameshow hơn.