Ô nhiễm vây làng

NDO - Bốn nhà máy gây bụi và tiếng ồn bốn phía, 80 cơ sở doanh nghiệp cộng thêm 500 hộ dân khai thác và chế tác đá mỹ nghệ đã và đang "chung tay" đầu độc môi trường làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình). Chẳng kể đêm hay ngày, bầu không khí đậm đặc nuốt chửng cả 13 thôn và hành hạ hơn một vạn người dân nơi này.
Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng xây dựng sát nhà dân.
Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng xây dựng sát nhà dân.

Dầm mình trong bụi

Ngay từ cầu Yên, trước khi rẽ vào địa phận xã Ninh Vân chúng tôi đã bị "tra tấn" bởi làn bụi mù mịt. Ði vào một đoạn là ngửi ngay mùi khai của Nhà máy phân lân Ninh Bình phả ra. Ðường dẫn vào xã Ninh Vân dẫu đã được bê-tông hóa, rộng rãi nhưng không thoát khỏi tình trạng bụi bặm do xe tải chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Hai bên đường, những bãi đá ngổn ngang, những sản phẩm từ đá, những pho tượng đã hoàn thành cũng được trưng ra. Ðiều dễ thấy với mỗi ai khi đến đây là một mớ hỗn tạp âm thanh chát chúa. Nào là tiếng máy xẻ, cưa, mài, đục, đẽo, tiếng nhà máy nghiền đá, tiếng nổ mìn khai thác đá... và một bầu không khí ngột ngạt bởi cả trăm "lò xả bụi". Toàn thân tất cả người thợ đang cắm cúi làm việc đều phủ một lớp bụi đá trắng xóa, mặt mũi nhem nhuốc. Quan sát từ trên cao, vùng quê này đã biến thành một "đại bản doanh" sản xuất vật liệu xây dựng.

Qua tìm hiểu, hơn một vạn người dân trong xã Ninh Vân không chỉ phải chịu ô nhiễm tiếng ồn, không khí do nghề nghiệp của mình mà còn phải gánh chịu hậu quả từ Nhà máy phân lân Ninh Bình, Công ty gạch tuy-nen Toàn Thành, Nhà máy xi-măng Hệ Dưỡng và Nhà máy xi-măng Duyên Hà. Ðó là chưa kể đến chuyện các hộ dân, các ông chủ từ nơi khác đến đầu tư, mở doanh nghiệp đua nhau "chạy" tiến độ theo các đơn đặt hàng đã thúc thợ làm việc cả ngày lẫn đêm gây nên tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của người dân chung quanh. Về phía các nhà máy, trước khi làm việc với UBND xã và bà con đã cam kết là có đề án giảm thiểu ô nhiễm bằng màng lọc hiện đại, không xả nước thải gây thiệt hại cho dân. Xong việc, họ ngang nhiên phớt lờ những gì đã hứa. Nhiều người còn "tố" Nhà máy xi-măng Duyên Hà thường xả trộm khói thải vào ban đêm, đã "tra tấn" cuộc sống của hàng nghìn người. Vào ngày thoáng gió còn đỡ, những hôm trời mưa, khói bụi nhà máy thải ra không bay thoát được, cứ lởn vởn, là là tràn vào nhà cửa, bao vây cây cối và con người khiến lỗ mũi của ai cũng nhuốm bẩn ngột ngạt.

Ông Nguyễn Văn Dậu (thôn Phú Lăng) bức xúc cho biết: Bụi làm cho nguồn nước không thể sử dụng được, cây cối bị ám, nhà cửa bị bao phủ, sáng ra vợ tôi quét nhà được cả bát bụi bẩn. Nếu ngày nào chẳng may máy móc của họ trục trặc thì ngày đó chúng tôi lãnh đủ. Nhà máy này còn xả nước bẩn, làm ảnh hưởng đến đất trồng lúa của dân. Có những vụ cả trăm mẫu lúa mất trắng.

Về phía người dân, đa số ý thức giữ gìn môi trường, sức khỏe cho mình và cộng đồng đều rất kém. Lẽ ra phải có biện pháp dùng bạt che chắn xưởng chế tác, đằng này họ cứ để thông thống, cho gió tạt bụi đi khắp nơi. Người chịu trận trước hết là con cái, người thân trong nhà, sau nữa là đến hàng xóm. Từ trụ sở UBND xã đi vào bãi khai thác đá tại thôn Dưỡng Thượng chỉ chừng hơn một cây số, đây cũng là đoạn đường có lưu lượng xe vận tải lớn nhất, thường xuyên cuốn khói bụi và cày đường, làm cho con đường này lúc nào cũng trở nên lạo xạo. Tất cả các ngôi nhà ở hai bên đường đều được phủ một lớp bụi trắng, người dân phải dùng những tấm bạt lớn "quây" căn nhà của mình, nhưng cũng chẳng giảm được bao nhiêu.

Giàu mà không sướng

Bình thường thợ đá có thu nhập khoảng bốn đến sáu triệu đồng mỗi tháng. Ai có đầu óc có thể tổ chức một nhóm thợ, nhận các hợp đồng làm tượng, lục bình, mộ đá... thì thu nhập cao gấp nhiều lần. Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề, khoe: "Thu nhập từ nghề của một hộ có khi bằng người dân một thôn vất vả cấy lúa trong cả năm, thế thì không làm đá thì làm gì được. Hiện thu nhập của người dân trong xã đến hơn 80% là từ nghề chế tác đá mỹ nghệ. Dân cũng đã đầu tư mua 100 chiếc ô-tô và riêng hai thôn Xuân Phúc, Xuân Thành là 70 chiếc".

Nếu đem những món lợi cao ngất ngưởng, những chiếc ô-tô đẹp, nhà cao tầng mà người dân có được từ nghề so sánh với số người chết vì ung thư thì thấy cái giá của nó quá đắt. Trong cuốn sổ theo dõi của ông Nguyễn Yên Bình - Trưởng trạm y tế xã Ninh Vân thống kê, từ năm 2004 đến tháng 9-2012 đã có 107 ca tử vong vì ung thư phổi, dạ dày. Ðiều đáng nói là, những nạn nhân bị ung thư cướp đi mạng sống đa số là người có tuổi đời từ 35 đến 50. Ông Bình nói trong xót xa: "Người Ninh Vân giàu nhưng không sướng. Ðược về kinh tế thì phải sống trong ô nhiễm không khí và tiếng ồn bao quanh. Bụi bẩn lẫn vào không khí, rau quả, thức ăn, nguồn nước sinh ra rất nhiều bệnh tật. Xã cũng đã được đầu tư nhà máy nước, cách khu dân cư hai cây số, nhưng theo tôi đây chỉ là nước trong thôi chứ chưa phải nước sạch. Người dân ham nước rẻ, nên quy trình lọc cũng sẽ bị cắt bớt. Nguồn nước trong này cũng không đủ cung cấp, nên dân phải tìm cách khác rồi để cho qua ngày, họ lại dùng nước nhiễm bẩn".

Ðâu chỉ có bệnh tật, người lao động còn phải đối mặt với tai nạn do đá đổ, nổ mìn, máy móc gây ra. Gần đây nhất, năm 2009 và năm 2011 có ba ca tử vong tại chỗ do khối đá đổ ập khi đang làm việc. "Tôi là người dân ở đây, đã theo dõi sức khỏe cho người dân vài chục năm rồi. Tôi chịu trách nhiệm trước chuyên môn, nên khẳng định từ nghề và từ những ô nhiễm, người dân đã mắc nhiều các bệnh như ung thư, hô hấp, da, mắt...". Ông Bình cho biết thêm.

Biện pháp yếu ớt

Ðể giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền xã đã vận động nhân dân trồng thêm cây xanh, tuyên truyền để họ có ý thức bảo vệ môi trường đồng thời thuê người thu gom rác thải, tưới đường giao thông. Thế nhưng vào ngày nắng, mùa khô chỉ được vài phút là lượng nước tưới ra đường đã khô hết. Các phương tiện vận chuyển lại làm rơi vãi bụi đá, xi-măng vung vãi ra đường nên chẳng lúc nào bầu không khí hết ngột ngạt. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại xã Ninh Vân, UBND xã đã trình đơn, tỉnh Ninh Bình cũng phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có tổng diện tích 23 ha. Từ năm 2005 đến 2008 giai đoạn một hoàn thành với diện tích 11 ha nhưng mới chỉ đưa được 69 hộ chế tác vào đó sản xuất. Giai đoạn hai dự án từ đó đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ" do không thu hồi được đất hai vụ lúa. Lãnh đạo xã vẫn đang đau đầu tìm phương án nhưng trong điều kiện hiện nay, để đưa được 500 hộ dân vào làng nghề tập trung đúng là khó hơn đưa "lạc đà chui qua lỗ kim". 

Qua tìm hiểu, Nhà máy xi-măng Hệ Dưỡng đã hoạt động từ năm 1969 với công nghệ thấp, lúc đó đã xả thải khói bụi nhiều vô kể. Vậy mà, không hiểu sao chính quyền địa phương vẫn cấp phép cho xây dựng thêm Nhà máy Duyên Hà từ năm 2005 ngay sát khu dân cư. Phải chăng họ không quan tâm đến môi trường sống của người dân?! Không biết, có bao giờ chính quyền địa phương có ý tưởng "nhấc" dân ra khỏi tầm ảnh hưởng, hoặc đưa các nhà máy ra xa dân cư? Trong khi còn chờ đợi những biện pháp của các cơ quan chức năng thì người dân còn phải sinh hoạt, dầm mình trong "bão" bụi.

* Ông Nguyễn Văn Thìn, Trưởng thôn Dưỡng Thượng: Tại bãi đá này mỗi ngày nổ khoảng năm đến tám tấn mìn. Xưa, mìn nổ vô tội vạ, nay các cơ quan chức năng vào cuộc nên mức độ nổ mới được "kiềm chế" hơn. Thế nhưng, như vậy cũng vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần người dân. Ðó còn chưa kể đến đá, đất bắn vào hoa màu, nhà cửa, làm cho nhà nứt, cây cối không mọc được.