Thành công bước đầu
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng nghị lực của bản thân, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân Sơn La đã đầu tư hàng tỷ đồng vào mở rộng sản xuất. Trong số những phong trào thi đua sôi nổi, phải kể tới phong trào nông dân khởi nghiệp với mô hình chuyển đổi sản xuất hữu cơ như: mô hình trồng xoài ở huyện Yên Châu, dâu tây ở huyện Mộc Châu, nhãn ở huyện Sông Mã và cam ở huyện Phù Yên. Cùng với đó là phong trào nông dân tỉa cành, tạo tán, cải tạo vườn trồng cây mận hậu tại Yên Châu, Mộc Châu, khởi nguồn cho thương hiệu mận Ruby ở Sơn La.
Cũng chính từ phong trào khởi nghiệp, Sơn La đã có 28.389 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 188 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 1.252 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hơn 12 nghìn lao động, giúp đỡ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo, góp phần giúp hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo mỗi năm… Điển hình như câu chuyện khởi nghiệp của nông dân Bùi Văn Lộc, 32 tuổi, ở tiểu khu 32, xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn). Sau nhiều năm thất bại, anh Bùi Văn Lộc vẫn quyết tâm khởi nghiệp khi lai ghép thành công cây na Hoàng hậu với cây na bản địa. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà từ mô hình này, anh còn giúp tạo thu nhập cho hơn 30 hộ trong xã.
Trước đó, khi "mạnh tay" đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho hơn 7ha na với chi phí khoảng 300 triệu đồng/ha, không ít người cho rằng anh Lộc "chơi trội". Song, anh Lộc vẫn bền gan theo đuổi việc đổi mới cách làm truyền thống, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để không bị lạc hậu khi cả thế giới đang trong thời kỳ công nghệ 4.0.
Chỉ bằng một thao tác bật công tắc điện, nước đã được tự động dẫn đến các vòi phun khắp vườn cây. Vừa thao tác anh Lộc vừa chia sẻ: So trước kia, việc tưới tiêu cho cây trồng của gia đình trở nên đơn giản hơn rất nhiều, kể cả khi cần bón phân, cũng chỉ cần hòa vào bể chứa nước đầu nguồn, nhờ đó giảm được đáng kể ngày công lao động, lại giúp cây trồng được chăm sóc thường xuyên, năng suất tăng lên 20% so với trước. Vụ na năm nay, gia đình anh Lộc ước thu khoảng 15 tấn quả/ha và giá bán không dưới 70.000 đồng/kg. Với sự sáng tạo, nhạy bén, anh Lộc còn hướng dẫn các thành viên của Hợp tác xã Bảo Khánh thực hiện đúng quy trình sản xuất VietGAP.
Niềm vui nhân đôi khi Hợp tác xã Bảo Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu "Na Thái Mai Sơn, đặc sản Sơn La" vào tháng 6/2018. Sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, tất cả các sản phẩm na Thái (na Hoàng hậu) của Hợp tác xã Bảo Khánh đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện, na Thái Mai Sơn là đặc sản của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung với tổng diện tích đã tăng lên 150ha.
Hỗ trợ tối đa cho nông dân
Qua trao đổi với ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, chúng tôi được biết: khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở các tỉnh miền núi như Sơn La, là vô cùng khó khăn, bởi sự đầu tư của người nông dân mới chỉ là một trong nhiều khâu của chuỗi liên kết. Do đó, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, sự kiện Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Sơn La trong tháng 5 vừa qua đã tạo thêm động lực để người nông dân quyết tâm đầu tư cho tương lai của chính mình.
Những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy Sơn La về phát triển nông nghiệp, nhất là chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng hằng năm hiệu quả kinh tế thấp, các huyện, thành phố trong tỉnh đã phát huy được vai trò người nông dân trong phát triển nông nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ các mô hình nông dân khởi nghiệp. Việc khuyến khích, hỗ trợ người nông dân được thể hiện rõ nét trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp bền vững. Do vậy, từ một tỉnh miền núi có diện tích trồng ngô trên đất dốc lớn nhất cả nước, đến nay, Sơn La đã giảm được diện tích trồng ngô, trở thành một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước với hơn 80.000ha. Trong đó, Sơn La đã cấp 183 mã vùng trồng cây ăn quả với diện tích 4.701ha xuất khẩu; có 24 sản phẩm địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có hai sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan; có 83 sản phẩm OCOP, trong đó một sản phẩm OCOP đạt năm sao, 31 sản phẩm đạt bốn sao và còn lại đạt ba sao…
Chính phong trào nông dân khởi nghiệp ở các cơ sở của Sơn La với những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, ứng dụng được khoa học kỹ thuật, liên kết được trong sản xuất… đã và đang góp phần vào sự phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy tốt vai trò chủ thể của người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.