ĐIÊU ĐỨNG VÌ TRỘM
Đác Lắc hiện là một trong những tỉnh Tây Nguyên có diện tích cà-phê lớn nhất cả nước, với hơn 185.000 ha. Để thu hoạch hết diện tích này một cách nhanh gọn, đúng lịch thời vụ, ngoài nguồn nhân công tại chỗ thì còn cần sự tham gia của lực lượng hái cà phê thuê ngoại tỉnh lên tới khoảng tám đến mười nghìn người vào mỗi mùa vụ. Già làng Y Hơh K’buôr, trú tại buôn Prông A, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc chia sẻ: “Vào mùa thu hoạch cà-phê, buôn làng rộn ràng hẳn lên, ai cũng phấn khởi. Nhưng nhiều thanh niên có tiền công hái cà-phê rủ nhau ăn nhậu say xỉn, cờ bạc triền miên rồi gây gổ đánh nhau, làm mất an ninh trật tự buôn làng. Rồi khi hết tiền, chúng lại rủ nhau ra rẫy đi hái trộm cà-phê thôi”.
Mặc dù người dân đã tìm mọi cách bảo vệ rẫy cà-phê nhà mình song bọn trộm cắp hoạt động rất tinh vi, liều lĩnh, cho nên khó kiểm soát. Điều bất lợi là đa số khu vực trồng cà-phê đều cách xa khu dân cư. Anh Trần Ngọc Nhân, 35 tuổi, quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam lên xã Ia Mnang, huyện Cư Mgar, tỉnh Đác Lắc để trồng cà-phê bức xúc cho biết: “Gia đình tui có hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ chưa đầy năm tuổi. Cả nhà cả cửa chỉ trông cậy vào rẫy cà-phê rộng chừng hơn hai ha, trồng cách nhà khoảng hơn ba km. Cứ đến mùa chuẩn bị thu hoạch cà-phê là ngày nào cả vợ chồng, con cái cũng ra rẫy để trông nom, vậy mà chỉ sau một buổi chiều bận việc, trộm đã khoắng sạch quả trên 36 cây cà phê, ước thiệt hại khoảng năm tấn cà-phê tươi, tương đương khoảng 40 triệu đồng”.
Táo tợn hơn, bọn trộm cà-phê không chỉ tuốt cành, hái quả, mà ở nhiều nơi chúng còn dùng dao, cưa để cắt cành càphê, sau đó đưa đi chỗ khác tuốt quả. Thực trạng này gây thiệt hại về sản lượng cà-phê và ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất cà-phê những năm tiếp theo. Từ tâm lý hoang mang, bức xúc ấy, không ít bà con đành phải thu hái cà-phê xanh để tránh bị trộm cắp. “Dẫu biết rằng điều này sẽ làm cho chất lượng hạt cà-phê giảm sút, năng suất không cao (bởi cà-phê xanh thường lẫn nhiều quả non, khi phơi sẽ bị tóp lại), song chúng tôi không còn cách nào khác, bị trộm lấy hết còn tiếc hơn”, anh Nhân nói.
Nạn trộm cắp cà-phê lộng hành khắp các vùng chuyên canh cà-phê ở Tây Nguyên, khiến nông dân càng thêm điêu đứng. Ông Y Tự Niê, trú ở buôn Ca Na A, xã Cư Mgar cho biết: “Cà-phê của mình còn xanh lắm, nếu thu hoạch thì chất lượng thấp, bán không được giá cao. Do vậy đêm nào mình cũng soi đèn pin đi canh chừng, mỗi đêm ba lượt, lúc về còn mở ra-đi-ô treo ngoài rẫy để “nghi binh”. Vậy mà vẫn bị trộm, bị chặt phá cả vườn cây”.
Theo thống kê của Công an xã Ea Mnang, chỉ trong vòng chưa đầy chín tháng đầu năm 2012, trên địa bàn xã đã xảy ra 13 vụ trộm cắp tài sản của công dân, trong đó có đến bảy vụ hái trộm cà-phê. “Để bắt quả tang kẻ hái trộm cà-phê rất khó. Bọn trộm thường đi theo nhóm từ năm đến mười người, khi vào hái trộm bọn chúng thường cắt cử người canh chừng, nếu thấy động sẽ gọi điện thoại báo ngay cho người bên trong rút. Một số trường hợp khi bà con bắt được kẻ trộm, đưa lên chính quyền địa phương thì cũng chỉ bị phạt không quá 500.000 đồng/trường hợp, còn người mất cà-phê thì chẳng được bồi thường cho nên kẻ trộm không hề tỏ ra sợ sệt”, anh Nghị, công an viên xã Ea Mnang chia sẻ.
ĐI TÌM GIẢI PHÁP
Nạn trộm cắp cà-phê tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm cắp lộng hành? Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sự tắc trách trong buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương. Cụ thể, để giúp nhân dân địa phương thu hoạch hết diện tích cà-phê một cách nhanh gọn, đúng lịch thời vụ, nhiều địa phương đã “bỏ ngỏ” công tác quản lý nhân khẩu, khai báo tạm trú; chưa đầu tư coi trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong mùa thu hoạch cà-phê. Nhiều địa phương còn giao khoán công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn cho các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an xã...
Để ngăn chặn kịp thời các vụ trộm cắp cà-phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, cùng với các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, như: Tổ liên gia tự quản, cụm an ninh liên hoàn, an ninh giáp ranh... Tiếp tục phát động sâu rộng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mọi người dân khi phát hiện các vụ trộm cắp cũng cần chủ động cung cấp nguồn tin cho lực lượng công an để đấu tranh làm rõ. Trước mắt, do tính chất phức tạp của nạn trộm cắp nên lực lượng công an các xã cần thường xuyên rà soát, làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý chặt chẽ lực lượng nhân công hái cà-phê thuê nhằm bảo đảm giữ vững ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, kịp thời phát hiện những đối tượng lạ mặt hay nghi vấn từ nơi khác đến.
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò quản lý của chính quyền và ngành chức năng về công tác bảo đảm an ninh trật tự thì cũng cần đóng góp tích cực của những chủ vườn cà-phê, khi thuê mướn nhân công phải cẩn trọng trong việc chọn người để loại trừ những đối tượng xấu; đồng thời, chấp hành tốt việc đăng ký tạm trú cho người làm thuê với chính quyền địa phương... Có được như thế, cuộc sống bình yên của người dân nơi đây mới thật sự không bị xáo trộn.