Như những "cánh chim đầu đàn"
Tính đến nay, có gần 30 nghìn người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, sinh sống, cư trú chủ yếu ở vùng miền núi biên giới, khu vực rừng phòng hộ xung yếu, nơi đầu nguồn sinh thủy, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.
Theo tổng kết của Ban Dân vận Trung ương, cơ quan chủ trì phong trào xây dựng mô hình "Dân vận khéo", thông qua mô hình này, các địa phương phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình, như "Mái ấm cho người nghèo biên giới", "Tặng bò giúp người nghèo biên giới", "Nhà trường không có ma túy"…
Nhiều năm qua, đội ngũ những người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, không chỉ là chỗ dựa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là "cánh tay nối dài" của chính quyền và ngành chức năng trong góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở… Công tác xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ người có uy tín không chỉ là những gương sáng mà hiện nay được trẻ hóa và có nhiều biện pháp, cách thức tuyên truyền, vận động bà con nghe và làm theo. Quảng Bình là tỉnh có số lượng người có uy tín trẻ tuổi ngày càng tăng, hiện có 22/103 người có uy tín trong toàn tỉnh (chiếm 21,4%) trong độ tuổi từ 26 đến 47, được bà con yêu mến, nghe và làm theo. Họ là những người tích cực trong phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình, vận động bà con bảo vệ, cải thiện môi trường thôn, bản cũng như trong việc chống lại hủ tục "nối dây" của người Bru-Vân Kiều, góp phần xóa bỏ hủ tục ra khỏi đời sống… Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình Võ Ngọc Thanh cho biết, cuộc sống ấm no, bản làng đổi mới có phần đóng góp không nhỏ của những người có uy tín. Các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm động viên, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chính sách cho người có uy tín, như cung cấp thông tin kịp thời, chính sách hỗ trợ định kỳ, tổ chức thăm hỏi, động viên khen thưởng.
Nhiệm vụ đặc biệt trong công tác cán bộ
Để kịp thời khuyến khích và tạo điều kiện cho người có uy tín, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Quyết định 56/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn luôn xác định công tác chăm lo phát triển, phát huy vai trò của người có uy tín là một trong những nhiệm vụ đặc biệt trong công tác cán bộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp để có chiến lược, kế hoạch đào tạo, huy động sự đóng góp dài hạn, hợp lý.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc cho biết, việc triển khai tốt các chính sách quan tâm đã giúp người có uy tín có thêm niềm tin, động lực, phát huy vai trò của mình trong cộng đồng dân cư. Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, có 25 dân tộc chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 66,2% số dân và hiện có 1.130 người có uy tín. Đây cũng là lực lượng nòng cốt đặc biệt, góp phần thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020-2025, Lào Cai đặt mục tiêu tiếp tục giảm nhanh hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm vùng đặc biệt khó khăn, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín; nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm hiệu quả của người có uy tín trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường tập huấn nghiệp vụ để củng cố kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ người có uy tín.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã thiết kế một tiểu dự án, trong đó có nhiệm vụ "biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín". Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kỳ vọng tiểu dự án này sẽ được triển khai hiệu quả, thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền núi, biên giới với miền xuôi…