Bình luận

Những biến số

0:00 / 0:00
0:00
Lính dù Mỹ tập trận tại châu Âu. Ảnh | CBS
Lính dù Mỹ tập trận tại châu Âu. Ảnh | CBS

“Mũi giáo” kề bên chiến trường Ukraine

Khi cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 9, một câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này đã ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược của Mỹ và phương Tây trên phạm vi toàn cầu?

Hạ tuần tháng 10 vừa qua, Mỹ đã triển khai Sư đoàn Dù 101 tới châu Âu để tham gia các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ Romania, cách biên giới với Ukraine một khoảng ngắn. Và bất chấp những tuyên bố của Nhà trắng rằng quân đội Mỹ sẽ không tham gia các hoạt động thù địch trên lãnh thổ Ukraine, chỉ huy của Sư đoàn Dù 101 tuyên bố “sẵn sàng tiến vào Ukraine nếu có leo thang quân sự hoặc một cuộc tấn công nhằm vào NATO”.

Như vậy là lần đầu tiên sau gần 80 năm, Sư đoàn Dù 101, nổi tiếng với biệt danh “Tiếng thét đại bàng” và được biết đến với vai trò tham gia vào cuộc đổ bộ Normandy ngày 6/6/1944 trong chiến dịch Overload để mở ra mặt trận thứ hai chống lực lượng Đức phát xít, lại một lần nữa đổ bộ lên châu Âu.

Vậy với việc triển khai một “mũi giáo” linh hoạt và có uy lực cao như “Tiếng thét đại bàng” kề ngay chiến trường Ukraine, phải chăng Mỹ đã bắt đầu có những sự chuyển đổi quan trọng mang tính chiến lược ở châu Âu?

Cần phải nhớ rằng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Washington đã duy trì một chính sách khôn ngoan và an toàn là hoặc trực tiếp, hoặc cho phép các đồng minh, trang bị một số lượng vô cùng lớn trang thiết bị quân sự cho Ukraine; nhưng những loại vũ khí có tầm bắn xa cho phép pháo kích sâu vào lãnh thổ Nga đều bị Mỹ từ chối cung cấp trong các gói viện trợ cho Kiev.

Sự lưỡng lự này có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, chẳng hạn lo ngại những trang thiết bị vũ khí tối tân, nếu được cung cấp cho Ukraine, có thể sẽ rơi vào tay quân đội Nga và bí quyết công nghệ tiên tiến sẽ bị người Nga nắm được.

Tuy nhiên, lý do chủ yếu nằm ở chỗ Mỹ muốn kiểm soát cuộc xung đột, không muốn Ukraine (và do đó cả phía Nga) có những bước leo thang vượt ra ngoài tầm kiểm soát và do vậy mở ra khả năng dẫn tới những hệ lụy trầm trọng.

Nhưng khi cuộc xung đột càng kéo dài, có vẻ như Mỹ nhận thấy rằng tình thế đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Với 20.000 quân triển khai thêm vào tháng 2/2022 đúng thời điểm sắp nổ ra xung đột, thêm một số lực lượng khác bổ sung vào tháng 6, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu đã tăng lên một cách đáng kể. Việc triển khai Sư đoàn Dù 101 với 4.700 quân có khả năng tác chiến linh hoạt ở kề cận ngay chiến trường Ukraine cho thấy một bước chuyển biến đáng chú ý trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

NATO hồi sinh

Cuộc chiến ở Ukraine bất ngờ nổ ra đã mang lại cho Washington cơ hội vàng để tìm kiếm lại vị thế lãnh đạo lâu nay dường như đang tuột dần khỏi tay Mỹ. Sau những rạn vỡ trong quan hệ giữa Mỹ và NATO dưới thời của Tổng thống D.Trump, giờ đây cuộc chiến ở Ukraine đã cung cấp cho Mỹ một lý do không gì rõ ràng hơn về việc châu Âu cần có sự bảo trợ của Mỹ để bảo đảm an ninh của chính mình.

Mà không chỉ giới hạn ở lục địa châu Âu. Xung đột ở Ukraine bùng nổ đã giúp cho NATO thoát khỏi tình trạng “chết não”, như cái cách mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả về liên minh này vào thời điểm trước khi xung đột nổ ra.

NATO đã “hồi sinh” một cách đáng ngạc nhiên với việc hai thành viên mới có tiềm lực quân sự hùng hậu là Thụy Điển và Phần Lan nhanh chóng được mời gia nhập tổ chức này chỉ trong vòng vài tháng sau khi xung đột nổ ra. Đồng thời, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, NATO - bên cạnh đó là EU - đã “song kiếm hợp bích” để đối phó với “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà người Nga tiến hành ở Ukraine.

Trong khi các thành viên NATO ồ ạt đổ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine thì EU thực hiện những đòn đánh nhằm vào nền kinh tế Nga bằng các gói trừng phạt, hiện đã đến vòng thứ 8! Do NATO không (hoặc chưa) đối đầu trực tiếp với người Nga trên chiến trường Ukraine nên bên cạnh sự hỗ trợ quân sự, các gói trừng phạt kinh tế của EU có tầm quan trọng không kém so với các hỗ trợ về quân sự cho Kiev.

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid vào tháng 6/2022 lần đầu tiên xác định Trung Quốc như một “thách thức an ninh” rõ ràng đã buộc NATO phải có cách tiếp cận can dự nhiều hơn đối với khu vực châu Á.

Vậy là cả Mỹ và NATO, mặc dù bận bịu trong một cuộc chiến ủy nhiệm trên chiến trường Ukraine với đối thủ trực tiếp là Nga nhưng vẫn không rời mắt khỏi Trung Quốc.

Chính sách “xoay trục” sang châu Á từ thời Tổng thống Trump trong cái áo khoác về một “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở” đầy tham vọng, tiếp tục được chính quyền của Tổng thống Biden triển khai với việc thúc đẩy cơ cấu Đối thoại an ninh bốn bên Mỹ-Australia-Nhật Bản-Ấn Độ (Bộ Tứ), thiết lập quan hệ đối tác Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) cũng như các liên minh hợp tác song phương của Mỹ với các nước trong khu vực.

Như vậy, có thể thấy cuộc chiến ở Ukraine đã có những ảnh hưởng nhất định đến chiến lược của Mỹ và NATO trên phạm vi hai lục địa Á-Âu, ở hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Từ chối chọn phe

Cuộc chiến Ukraine càng kéo dài, sẽ tiếp tục xuất hiện những nhân tố mới, những biến số khó lường khiến cho việc dự đoán kết cục của cuộc chiến này.

Trong khi hầu như toàn bộ Mỹ và phương Tây đồng loạt hậu thuẫn Ukraine trên tinh thần mà Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, từng tuyên bố rằng “một chiến thắng của người Nga sẽ là sự thất bại của toàn bộ liên minh phương Tây”, thì liên minh này cũng buộc phải chấp nhận một thực tế là gần như toàn bộ các nước đang phát triển đã từ chối chọn phe.

Ấn Độ, đối tác của Mỹ trong cơ cấu Bộ Tứ, không chỉ trích và cũng không tham gia trừng phạt Nga; thay vào đó, nước này tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga kể từ khi xung đột nổ ra.

Trung Quốc không ủng hộ, cũng không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng ủng hộ tuyên bố của Nga rằng nước này thực hiện chiến dịch quân sự là do bị khiêu khích bởi các mối đe dọa của NATO đối với an ninh của nước Nga. Trung Quốc cũng là nước đã tăng cường nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga rồi sau đó bán lại giá cao cho… châu Âu đang oằn mình trong cơn khát năng lượng!

Nhiều quốc gia trong nhóm các nước đang phát triển coi Nga là một đối tác có thể làm ăn, đồng thời chỉ trích “tiêu chuẩn kép” của Mỹ, quốc gia từng tham gia vào nhiều cuộc chiến trong quá khứ mà gần nhất là ở Iraq và Afghanistan. Làm thế nào để tranh thủ được sự ủng hộ của các nước đang phát triển này là một thách thức ngoại giao vô cùng lớn đối với Washington.

Và cũng không nên quên rằng chính sách của nước Mỹ mang tính nhiệm kỳ! Không phải vô cớ mà có ý kiến cho rằng những người hồi hộp nhất theo dõi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tháng 11 ở Mỹ lại đang ngồi ở Kiev! Những sự xáo trộn trong cán cân quyền lực tại Quốc hội Mỹ có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và vũ khí đổ vào Ukraine.

Ngay cả những người chỉ trích Nga gay gắt nhất trong số các thành viên đảng Cộng hòa cũng phải thừa nhận rằng đã có “sự thay đổi đáng chú ý so với trước đây, khi lưỡng đảng còn nhất trí cao về việc cung cấp viện trợ cho Kiev”.

Kể từ sau khi chiến dịch quân sự khai mào hồi cuối tháng 2/2022, Washington đã cung cấp cho Kiev hơn 16,8 tỷ USD viện trợ quân sự, ấy là chưa kể các khoản hỗ trợ dân sự khổng lồ khác. Nhưng trong một nền kinh tế đang bị suy thoái, khi hóa đơn tiền điện, năng lượng, hàng hóa tăng lên được cho là hệ quả của cuộc chiến ở Ukraine, cử tri Mỹ sẽ có cách để những người đại diện của họ trong lưỡng viện Hoa Kỳ phải thay đổi quan điểm và khi ấy, dòng viện trợ cho Ukraine có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tiếp tục duy trì sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine khi cuộc chiến càng ngày càng kéo dài là một bài toán khó của chính quyền Tổng thống J.Biden.