Xu hướng

Nhật Bản nới rộng cửa với người nhập cư

Nhật Bản, quốc gia có độ tuổi già nhất thế giới và nổi tiếng với cách tiếp cận có chọn lọc trong vấn đề nhập cư, đang dần nới lỏng các quy định về thị thực, mở rộng hỗ trợ cho người nước ngoài để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học.
0:00 / 0:00
0:00
 Ảnh | SHUTTERSTOCK
Ảnh | SHUTTERSTOCK

Xã hội “siêu già”

Lịch trình hằng ngày của ông Yoshihito Oonami 73 tuổi là thức dậy mỗi sáng lúc 1h30, lái xe một tiếng đồng hồ đến chợ bán đồ tươi sống trên một hòn đảo nhỏ ở Vịnh Tokyo để mua rau và chất các hộp rau nặng tới 6-7 kg lên xe. Sau đó, ông lái xe giao hàng tới các nhà hàng ở khắp thủ đô Nhật Bản. “Chừng nào cơ thể còn cho phép, tôi cần phải tiếp tục làm việc”, ông Oonami nói với New York Times.

Hiện nay Nhật Bản có số lượng người lao động cao tuổi kỷ lục là 9,12 triệu người, con số này đã tăng lên trong 19 năm liên tiếp. Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết những người lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước. Nhưng ngay cả việc khuyến khích người lao động cao tuổi cũng không đủ để bù đắp các tác động kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khi Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo rằng Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội” và cho rằng hỗ trợ nuôi dạy trẻ là “chính sách quan trọng nhất” của chính phủ và việc giải quyết vấn đề “đơn giản là không thể chờ đợi được nữa”.

Nhật Bản nới rộng cửa với người nhập cư ảnh 1

Số lượng người cao tuổi ở Nhật Bản hiện ở mức cao kỷ lục. Ảnh: NYT

Theo The Korea Times, việc thiết lập một chính sách nhập cư toàn diện không phải là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản - lập trường chính thức của chính phủ là “không xem xét việc đưa ra cái gọi là chính sách nhập cư”, như Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe đã nói vào tháng 10/2018, trong khi chỉ cấp quyền thường trú cho “người nước ngoài có tay nghề cao” và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các ngành bằng cách tuyển dụng lao động nước ngoài tạm thời, không có tay nghề.

Nhưng Nhật Bản đang già đi nhanh chóng và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khuyến khích người nhập cư. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy 29,1% trong số 124,4 triệu dân từ 65 tuổi trở lên - mức cao kỷ lục và được cho là tỷ lệ cao nhất thế giới.

Người Nhật cũng sinh ít con hơn bao giờ hết. Tỷ lệ sinh năm 2022, nghĩa là số con mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời, ở mức 1,26. Trong khi đó khoảng một thập niên trước tỷ lệ tử vong đã cao hơn tỷ lệ sinh, vì vậy dân số nước này giảm đều đặn trong năm thứ 14 liên tiếp. Theo Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia, dân số Nhật Bản sẽ giảm gần 1/3 vào năm 2070, tương đương 86,9 triệu người và những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 40% dân số.

“Bật đèn xanh” cho lao động nước ngoài

Từng nổi tiếng là một xã hội tương đối khép kín, đồng nhất về dân tộc và văn hóa, Nhật Bản hiện đang chào đón nhiều lao động nhập cư hơn nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Một trong đó là chính sách nới lỏng về thị thực, tạo điều kiện cho người nhập cư.

Không có gì lạ khi ngày càng có nhiều người nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản. Công ty Kyoritsu Electric ở Shizuoka trước những khó khăn về nhân lực, đã chuyển sang sử dụng nhân viên nước ngoài để lấp đầy khoảng trống nhân sự. Nhờ đó công ty có thể mở tám chi nhánh ở nước ngoài. Chủ tịch công ty Nobuyuki Nishi cho biết, việc tuyển dụng lao động nước ngoài không chỉ giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động, mà còn nằm trong chiến lược nhằm tạo ra một môi trường quốc tế để nhân viên Nhật Bản tiếp xúc với các phong tục và văn hóa khác nhau. Mặt khác, ông cho rằng, “người Nhật cần thích nghi với điều này. Chúng ta cần người nước ngoài cho công việc đó. Ngoài ra, nếu làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ tìm hiểu về văn hóa, cách suy nghĩ và giá trị của họ”.

Nhật Bản nới rộng cửa với người nhập cư ảnh 2
Số lượng người lao động cao tuổi ở Nhật Bản lên tới 9,12 triệu người. Ảnh: Japantimes

Anh Kadek Yud Prasadha, 31 tuổi người Indonesia đã đến Nhật Bản lần thứ hai. Công việc của anh tại Công ty Kyoritsu Electric là xử lý các dự án về cung cấp giải pháp tự động hóa ở nhà máy cho khách hàng. Anh Prasadha hiện đã có một căn hộ nhỏ do công ty cung cấp chứ không giống như hồi còn là thực tập sinh kỹ thuật và phải ở chung phòng. “Tôi không chỉ muốn có công việc mà còn muốn có gia đình ở đây”, anh nói.

Theo Cơ quan Dịch vụ nhập cư (ISA) thuộc Bộ Tư pháp, số lượng công dân nước ngoài đăng ký sống tại Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục hơn 3,2 triệu người trong tháng 6, chiếm khoảng 2,6% dân số. Số lượng người thường trú cũng tăng 2,34% so với năm trước lên 1,6 triệu người. Nhiều công ty đã hoan nghênh những thay đổi trong chương trình thị thực, bao gồm Watami, nhà hàng sử dụng tới 250 người nước ngoài có tay nghề cao tại các quán ăn và cơ sở của mình.

Chủ tịch của Watami Watanabe Miki cho biết: “Nó mang lại cho chúng tôi một lợi thế rất lớn vì chúng tôi có thể tuyển người ở cấp độ quản lý và quản lý nhà hàng”. Tại các nhà máy thuộc Công ty thủy sản lớn nhất Nhật Bản Maruha Nichiro, khoảng 15% lực lượng lao động là người nước ngoài. Người quản lý của Maruha Nichiro chia sẻ: “Chúng tôi sẽ có thể tuyển dụng nhân sự ở mọi nơi và tập trung vào việc đào tạo họ và giao cho họ những nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng như vận hành máy móc”.

Ða sắc tộc là cuộc sống “bình thường mới”

Người Nhật Bản đang phải đối mặt với một thực tế mới là chung sống với những người nhập cư. Không giống như 10 năm trước, hiện nay có khá nhiều người nước ngoài làm việc trong các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng ở Tokyo. Một số khu chung cư tập trung nhiều người nước ngoài và có các cửa hàng tạp hóa quốc tế bán thực phẩm nhập khẩu cho các cư dân từ các nơi khác nhau trên thế giới.

Nhật Bản nới rộng cửa với người nhập cư ảnh 3

Ngày càng nhiều người nước ngoài làm việc trong các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng ở Nhật Bản. Ảnh | JEAKPOST

Giáo sư Lee Hyun-uk ở Đại học Shinshu, cho biết: “Người Nhật hiểu rằng dân số đang giảm dần và các công ty tuyển dụng bất cứ ai có sẵn ở Nhật Bản. Vì vậy, nhiều sinh viên nước ngoài dễ dàng tìm được việc làm tại đây”.

Khu phức hợp Shibazono Danchi ở gần Tokyo là một thí dụ điển hình phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học của đất nước. Hiện tại hơn 50% trong số khoảng 5.000 cư dân là người nước ngoài và hầu hết đến từ Trung Quốc đại lục, hình thành một cộng đồng người Hoa sinh sống tại đây. Nhiều người trong số họ làm trong ngành IT và hằng ngày đi làm ở Tokyo. Ông Takashi Oshima, một cư dân của khu chung cư nói: “Khi tôi chuyển đến đây vào năm 2017, vẫn còn một số cửa hàng nhỏ do người Nhật điều hành như nhà hàng, cửa hàng tạp hóa. Nay tất cả đã được thay thế bởi chủ sở hữu Trung Quốc”. Các cư dân cũ ở đây hoặc đã qua đời, hoặc đã già và sống một mình. Những người trẻ thì tìm những khu chung cư hiện đại hơn.

Trong khu nhà, có thể thấy các ghi chú như hướng dẫn cách đổ rác được viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Trung. Có thể dễ dàng bắt gặp những bà mẹ trẻ Trung Quốc vừa đẩy xe trông con vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Quan Thoại. Trẻ em chạy quanh khu nhà nói chuyện bằng cả tiếng Trung và tiếng Nhật.

Anh Oshima, phóng viên của nhật báo Asahi Shimbun, đã xuất bản một cuốn sách tiếng Nhật vào năm 2019 với tựa đề “Tôi đang sống ở Shibazono Danchi: Điều gì sẽ xảy ra khi một nửa cư dân là người nước ngoài?”. Cuốn sách phân tích khu phức hợp đã bị thay đổi như thế nào bởi dòng người từ nước ngoài. Anh nghe hàng xóm kể rằng, trước khi anh chuyển đến đã có căng thẳng giữa những cư dân sống ở đó lâu năm và người nước ngoài mới đến về những khác biệt văn hóa. Anh cho biết, nhiều người Nhật Bản có “cảm xúc lẫn lộn” về thực tế sống chung với những người có quốc tịch khác. Đôi khi họ không thể hiểu tại sao một số cư dân nước ngoài không tuân thủ các quy định hiện hành, hoặc tại sao mọi người tổ chức các sự kiện văn hóa và cư dân cũ cảm thấy bị cô lập hoặc bị bỏ rơi khi mất đi lối sống trước đây.

Chẳng hạn, ở Nhật Bản trẻ em không đi chơi với nhau sau 9 giờ tối, trong khi ở Trung Quốc, hàng xóm và các thành viên trong gia đình thường dành thời gian cùng nhau trong công viên hoặc khu vực công cộng vào buổi tối và “âm thanh mà bọn trẻ tạo ra có thể rất ồn ào” gây khó chịu, dù thực tế không có quy định cấm đoán nào. Tuy nhiên, để tiếp tục sống ở đó, người dân địa phương đã phải thích nghi với những thay đổi đang diễn ra. “Nếu không có cư dân nước ngoài, khu nhà này không thể duy trì được... Có thể rất nhiều vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải có thể xảy ra với các cộng đồng khác ở Nhật Bản hoặc toàn bộ xã hội Nhật Bản trong tương lai”, anh viết trong cuốn sách.