- Là một nhạc sĩ, nhà sản xuất, anh quan sát bức tranh tổng thể thị trường âm nhạc trẻ đương đại như thế nào?
- Hãy hình dung trong một khu rừng, bên dưới những cây cao là những cây thấp hơn, dưới những cây thấp hơn là những cây nhỏ và chồi non. Bạn có thấy rằng những cây cao thì lại càng muốn vươn tới bầu trời xanh và đón ánh mặt trời nhiều hơn. Bản năng của chúng là vươn tới khoảng trời xanh, chứ không phải xem mình là cây cao bóng cả. Bởi những tầng tầng lớp lớp của khu rừng không cho phép nhìn xuống và đánh giá những chồi xanh. Và rồi những cây nhỏ và chồi non khi lớn lên chúng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sứ mệnh của tất cả là luôn làm cho bản thân ngày một tốt hơn chứ không phải là việc đánh giá và xét nét người khác, thế hệ khác. Sự vươn lên của một thế hệ mới là hoàn toàn bình thường, trong một hệ sinh thái của nhạc Việt.
Cũng theo cách nhìn trên, để đánh giá nhạc Việt hôm nay ra sao là một việc rất khó và khá ôm đồm. Nhưng cụm từ "hệ sinh thái" có vẻ là thước đo khá phổ quát để nhận định chung về một nền âm nhạc. Bạn biết đấy, một hệ sinh thái tốt là khi tính đa dạng sinh học, đa chủng loài cùng tồn tại và gắn kết nhau. Nếu vắng mặt, tuyệt chủng hay mất cân đối giữa các giống loài, thì dẫn tới nhiều vấn đề, hay nói dễ hiểu là "mất cân bằng sinh thái". Và có vẻ như là nhạc Việt đang "mất cân bằng sinh thái". Sự cân đối giữa những dòng nhạc, thể loại và phân khúc còn khá lỏng lẻo, rời rạc, manh mún. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngay những trang báo của chúng ta. Nhìn vào là tất cả những gì trending nhất, hot nhất, nhưng tính đầy đủ của một hệ sinh thái âm nhạc thì không tìm thấy: Pop-jazz-classic-electronic- Soul & RnB, nhạc dân gian… Và những trang báo chính là bức tranh hiện thực của nhạc Việt hôm nay. Nhưng trang báo tất nhiên chỉ là hàn thử biểu. Lỗi hệ thống chính là câu chuyện giáo dục thẩm mỹ âm nhạc từ nhà trẻ cho đến đại học. Nếu giải Grammy mà trao ở Việt Nam thì không thể tìm đâu ra đủ nghệ sĩ, album cho tất cả các hạng mục. Bạn có thấy vậy không?
-Vậy với những bản hit, những hiện tượng âm nhạc đang gây sốt với triệu lượt nghe, thậm chí đã vượt ra ngoài biên giới đất nước như hiện tượng "See Tình" của Hoàng Thùy Linh, theo anh, nó phản ánh điều gì của đời sống âm nhạc hiện nay?
- Nếu nhớ lại một thời từ các tụ điểm ca nhạc, vũ trường cho đến những nhà hàng tiệc cưới, đi đâu cũng nghe "cha cha cha Thái", một tiết tấu bắt nguồn từ các bài hát Thái Lan, rồi dần lan tỏa ra khắp khu vực Đông Nam Á. Rồi sau đó, đêm nào các ca sĩ cũng hát Si Jangtung Hari (Hẹn hò đêm trăng), một bài hát Indonesia có tiết tấu cũng tương tự "cha cha cha Thái". Rồi tới Người tình mùa đông, một bài hát từ Nhật Bản được viết lời Việt nghe ra rả từ phòng trà, vũ trường ra tới quán cà-phê. Và còn rất nhiều bài hát châu Á như thế.
Ở đây, chúng ta thấy có một quy luật được lặp lại như sau: Khi một bài hát được lan truyền ra Đông Nam Á, rồi rộng hơn là châu Á (chỉ châu Á, không bao giờ, hoặc hiếm khi tới Âu Mỹ), thì bài hát ấy thường mang dáng dấp tiết tấu gần với "cha cha cha Thái", và thường có thang âm ngũ cung chung chung, không đặc trưng một vùng miền nào. Hai yếu tố này dường như rất thích hợp để thỏa mãn nhu cầu vừa nhảy múa, vừa ca hát của đám đông trong những dịp hội hè vui chơi. Chúng đơn giản nhưng cũng gần gũi cho tâm lý số đông ở châu Á. See Tình cũng nằm trong trường hợp này. Bất cứ một quốc gia châu Á nào cũng thấy gần gũi với See Tình bởi tiết điệu phù hợp với tâm sinh lý châu Á và màu ngũ cung cũng na ná với mình, cộng với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc See Tình lan tỏa ra khắp châu Á không có gì lạ.
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong một chương trình biểu diễn gần đây tại tỉnh Hà Nam. Nguồn: Facebook nhân vật |
-Nghĩa là, chúng ta đừng vội lấy đó làm vui rằng, nhạc Việt đã được nâng tầm và bước ra khỏi "ao làng" để đi ra thế giới?
- Chúng ta vui, vì nhạc Việt được lan tỏa, nhưng đừng lấy đó mà tự hào thái quá và cũng đừng ảo tưởng là âm nhạc Việt Nam đã quá đẳng cấp rồi. Âm nhạc chuyên nghiệp không đơn giản vậy đâu. Gangnam style đình đám một thời, vượt ra khỏi châu Á đến khắp thế giới, mà giờ thì mất tăm, bởi chính giá trị thật của nó. Rồi Lambada cũng vậy. Những ai đã từng nghe âm nhạc của Mỹ latin thì sẽ hiểu được rằng, khi một nền âm nhạc thật sự lan tỏa và ảnh hưởng trên thế giới là thế nào. Không có bất cứ một nền âm nhạc Âu Mỹ hay trên thế giới nào mà lại không ngưỡng mộ, nể trọng và say đắm những The Girl from Inpanema, Besame Mucho, Morning of the carnival... Đó thật sự là những bài hát vượt tầm Nam Mỹ và trở thành kinh điển của thế giới, được thu đi thu lại với hàng trăm ca sĩ, hàng nghìn bản phối. Hãy học hỏi cách mà âm nhạc Nam Mỹ lan tỏa, nó sâu tận trong tâm hồn, và sống mãi với thời gian. Dù vui cho See Tình, nhưng phải tỉnh táo, đừng mắc kẹt trong niềm vui sướng đó. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều lắm, bởi chỉ mới là khúc "dân vũ" cho dân châu Á vui đùa thôi.
Mới đây, khi tiếp xúc và làm việc với Kitaro, Hà Anh Tuấn mới kinh ngạc là ca khúc đình đám một thời, Tình ơi xin ngủ yên, bắt nguồn từ một bản hòa tấu của ông, có tên Caravansary, khi qua Việt Nam, nó được viết lời Việt và mang một cái tên xa lạ như vậy. Rồi có một ngày, bạn sẽ phát hiện ra một bài hát mà mình yêu thích có nguồn gốc từ một quốc gia xa xôi nào đó như: Cuba, Peru, Venezuela chẳng hạn thì điều đó cũng là bình thường. Và ngược lại, có khi tôi đi qua Cuba du lịch và tình cờ nghe một ban nhạc Salsa cover Ước gì, tôi chỉ ngạc nhiên chút thôi. Nhưng xem ra, như nhiều chuyên gia nhận định, nếu nhân loại không rơi vào sự cô đơn và hoang mang sau đại dịch cùng những xung đột quân sự ngay sau đó, khiến cuộc sống ngày càng khó khăn, thì liệu ChatGPT có hot không? Và có vẻ như See Tình đang góp phần mang đến một niềm vui nho nhỏ cho những quốc gia châu Á với sự tương đồng âm giai ngũ cung và trái tim đập cùng một tiết điệu, sau khi cả châu lục vừa trải qua quãng thời gian gian khó.
Còn chuyện xuất khẩu âm nhạc và để nhạc Việt có sức ảnh hưởng trên thế giới, đó là câu chuyện dài về sự tương quan giữa các nền kinh tế, nền văn hóa và cả sự trợ giúp chiến lược của lãnh đạo một quốc gia, như Hàn Quốc đã làm. Chứ nó không đơn giản là việc truyền thông quảng bá đơn lẻ của những nhà sản xuất âm nhạc rồi tung lên mạng.
- Trong vài năm trở lại đây, V-pop chứng kiến sự trỗi dậy của EDM, rap/hiphop, indie… tạo nên sự đa dạng cho thị trường âm nhạc. Nhưng cũng có xu hướng, nhiều nghệ sĩ hiện nay biết tận dụng công nghệ, mạng xã hội mang lại sự nổi tiếng nhanh và độ phủ sóng rộng. Điều này khiến họ ít chú tâm đường dài nên thiếu cá tính sáng tạo? Vậy, theo anh, con đường nào để nghệ sĩ Việt xác lập cá tính của mình?
- Âm nhạc trong thời đại bùng nổ công nghệ, mạng xã hội và sắp tới đây là trí tuệ nhân tạo, bên cạnh những lợi ích to lớn mà nó mang lại, lại tiềm ẩn những thách thức không hề nhỏ cho những người sáng tạo, vì ai cũng có thể dễ dàng trở thành "nghệ sĩ", nhờ công nghệ vây quanh. Và như vậy, sự độc đáo, cá tính và không đụng hàng, không xuất phát từ "chatGPT" sẽ có giá trị. Vì ai ai cũng lệ thuộc vào AI cả, người nào "phi AI" sẽ trở nên độc đáo.
- Trong số đó, có những nghệ sĩ trẻ lựa chọn con đường sáng tạo dựa trên chất liệu văn hóa dân gian và truyền thống như Hoàng Thùy Linh, Hà Myo, Văn Mai Hương... và đã có những bước đầu thành công. Theo anh, điều này liệu có nên coi là chuẩn mực thời thượng hay xu hướng để các nghệ sĩ trẻ dấn thân?
- Vấn đề này không có gì mới nhưng có một điều hết sức thận trọng rằng hầu hết những bài hát mà tôi đã từng nghe gần đây được làm theo phong cách trên giống nhạc Trung Quốc nhiều hơn là âm hưởng Việt. Vì các bạn nghĩ rằng cứ đem ngũ cung vào là xong, mà không nghiên cứu kỹ lưỡng. Âm nhạc hay là hay thôi, bất kể thang âm chất liệu là gì. Đừng cố khiên cưỡng là phải cho ra chất Việt hay Á Đông, để rồi lại chẳng ra cái gì cả. Hãy nghe thử âm nhạc của Joe Hishaishi của Nhật Bản xem, ông ấy hoàn toàn đắm chìm trong những giai điệu hoà thanh cổ điển châu Âu, nhưng điều kỳ diệu là vẫn có điều gì đó rất Nhật Bản trong đó.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!