Minh bạch để đạt hiệu quả thực chất

Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập với phạm vi rộng khắp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cả nước. Việc kê khai nêu trên của người có chức vụ, quyền hạn góp phần minh bạch hóa hoạt động công vụ; ngăn chặn, phòng ngừa từ xa, từ sớm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi…
Xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không trung thực. Ảnh minh họa: INTERNET
Xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không trung thực. Ảnh minh họa: INTERNET

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2024, có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; có 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; bốn người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Quan tâm về hoạt động quan trọng này, cử tri và nhân dân cả nước đã gửi nhiều ý kiến, góp ý. Trong đó, có cử tri phản ánh, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện hằng năm; nhưng thời gian vừa qua, có trường hợp sau khi bị cơ quan chức năng điều tra thì mới phát hiện khối tài sản rất lớn, không kê khai, không rõ nguồn gốc. Có ý kiến cho rằng, việc hướng dẫn kê khai, hướng dẫn xác minh việc kê khai chưa kịp thời, chưa cụ thể, dẫn đến việc kê khai ở nhiều nơi khác nhau do cách hiểu chưa thống nhất… Nhiều nơi triển khai việc kê khai còn hình thức, chiếu lệ, qua loa.

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai, thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, trong đó, có thể kể đến việc thống nhất đầu mối cơ quan quản lý, kiểm soát tài sản thu nhập, kê khai tài sản thu nhập, xác minh tài sản thu nhập. Một số nội dung của Bản kê khai dễ gây cách hiểu khác nhau đối với người kê khai. Không ít cơ quan, địa phương chỉ phát tờ khai nhưng chưa hướng dẫn và không thực hiện kiểm tra để kiểm soát nội dung khai đã đúng và đủ theo quy định hay chưa? Sau khi tiếp nhận các bản khai, nhiều nơi mới rà soát dưới hình thức đếm số lượng người kê khai và lưu hồ sơ… Còn nhiều cán bộ, công chức không nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, văn bản pháp luật về kê khai, kiểm soát kê khai, thu nhập nên khi kê khai chưa đúng mẫu quy định…

Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện và tiếp tục xây dựng, ban hành quy định, hướng dẫn liên quan việc kê khai, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, việc quan trọng là cần nghiên cứu, xem xét thống nhất việc xác minh, kiểm soát việc kê khai tài sản do các cơ quan chức năng của Đảng phụ trách. Tại các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu, của Đảng ủy và bộ phận làm công tác cán bộ trong quá trình triển khai kê khai tài sản hằng năm.

Các công việc liên quan kê khai, kiểm soát, xác minh cần được triển khai theo hướng minh bạch, công khai, kịp thời, qua đó có thể phát hiện nguy cơ, dấu hiệu không trung thực, giàu bất chính, chứ không đợi đến lúc cơ quan chức năng tiến hành xác minh mới phát hiện. Cơ quan quản lý việc kê khai cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xác định, phân biệt được tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng và con, tránh gây khó khăn cho việc kê khai cũng như quá trình xác minh tính trung thực.

Cùng đó, cần nghiên cứu, quy định rõ chế tài xử phạt đối với những cán bộ kê khai không trung thực, nhất là ban hành quy định có thể tịch thu số tài sản không rõ nguồn gốc, không kê khai giải trình được để răn đe, bảo đảm công tác kê khai được thực hiện nghiêm túc…

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời hành vi dịch chuyển bất hợp pháp, tẩu tán tài sản khi đang bị điều tra, kiểm tra… Thực hiện có hiệu quả việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, qua đó từng bước xây dựng chế độ công vụ liêm chính, công khai, minh bạc.