Gìn vàng giữ ngọc cho hay!

Nếu Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10 này, thì đây sẽ là một quyết định mang tính lịch sử, nhưng không hề đột ngột.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khung cảnh kiến trúc cổ kính đem lại sức hấp dẫn lớn cho Huế. Ảnh: Xuân Thao
Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khung cảnh kiến trúc cổ kính đem lại sức hấp dẫn lớn cho Huế. Ảnh: Xuân Thao

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định trình Quốc hội thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và thống nhất về nguyên tắc việc sắp xếp, thành lập các quận, thị xã, huyện và các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Huế.

Huế sẽ "hòa tan" trong… Huế

Cách đây 20 năm, khi quyết định thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương, phương án về Huế cũng đã được tính đến, nhưng thời điểm đó còn chưa "chín". Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, những gì trình ra cơ quan lập pháp tới đây là kết quả sự nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cả người dân Thừa Thiên Huế suốt 5 năm qua để triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tất cả các ý kiến đều thống nhất với cơ quan soạn thảo, thẩm tra về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để Huế thật sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ…

Bên cạnh đó, thành phố Huế trực thuộc trung ương cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, thành phố Huế sẽ trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ, đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh, tầm cỡ quốc tế ở Đông Nam Á; xa hơn là của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thay đổi dễ nhận ra hơn cả, nói một cách nôm na, sẽ là… Huế hòa tan trong Huế. Theo đề án Chính phủ trình, thành phố Huế hiện hữu sẽ tách thành hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa, nghĩa là không còn tồn tại tên gọi "thành phố Huế" như hiện nay. Tên gọi "Huế" sẽ là của thành phố Huế trực thuộc trung ương, mà dự kiến vào năm 2025, có chín đơn vị hành chính cấp huyện: quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền (hiện đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để trở thành thị xã), huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông) và huyện A Lưới.

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương được nhận định là hoàn toàn phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế. Thành phố Huế như hiện hữu mới chính thức ra đời cách đây 95 năm (1929-2024) và nếu có tính cả mốc thành lập thị xã Huế thì cũng mới chỉ 125 năm, là đơn vị hành chính ra đời muộn hơn rất nhiều và có quy mô, phạm vi nhỏ hơn nhiều so đô thị Huế vốn được thành lập từ năm 1636. Thế nhưng, không khó thấy sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, xã hội và khoảng cách phát triển giữa các quận, huyện trong thành phố; đây cũng chính là lý do khiến Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc trung ương như Cần Thơ cách đây 20 năm.

Ði để nhớ, ở mà thương

Nhiều người con của Huế vẫn thường nói, Huế là nơi "đi để nhớ hơn là ở mà thương". Là bởi vì tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng vẫn còn là một địa phương khó khăn. Để trở thành một thành phố không chỉ có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, mà còn là thành phố đáng sống, được người tài lựa chọn để lập nghiệp, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là một trong những điều kiện cần.

Sẽ có không ít vấn đề được đặt ra sau quyết định có tính lịch sử này. Sẽ có những thách thức cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, từ việc xác định mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp; chuyển đổi cơ cấu xã hội, nghề nghiệp; các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cư dân đô thị… Về phía người dân, chắc chắn cũng sẽ có những bỡ ngỡ và bất tiện nhất định trong thời gian đầu.

Hơn nữa, để vừa phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững mà vẫn giữ được bản sắc Huế với nét đẹp, nét thơ riêng có, còn rất nhiều việc phải làm.

Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow (nhiệm kỳ 1974-1987) từng dành những lời thật đẹp cho Huế: "Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và Cầu Hai. Và chính nhờ thế, họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế, chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm". Thực tế, những nhận xét này của ông, được viết ra năm 1981, chính là để cảnh tỉnh về vẻ đẹp mong manh của Huế cần được khẩn thiết bảo tồn. Hơn 40 năm trôi qua, những lời nhắc nhở đó vẫn còn nguyên giá trị.

Liệu sẽ có những cơn "sốt" đất, vẫn luôn xảy ra khi "nâng cấp" đô thị, không? Liệu những di tích "của tin còn một chút này" có được bảo vệ, bảo tồn đúng cách không? Bản quy hoạch tỉnh được phê duyệt ngày 26/1/2024 đã dự liệu như thế nào về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp lại hàng loạt đơn vị hành chính trực thuộc? Cũng sẽ không thể thiếu những cơ chế đặc thù cho thành phố trực thuộc trung ương non trẻ nhất, duy nhất được thành lập thêm sau 20 năm, kể từ khi thành lập thành phố Cần Thơ…

Tất cả những câu hỏi đó cần tiếp tục được trả lời. Dẫu sao, một khi đã có đường hướng đúng, cùng những lãnh đạo địa phương có bản lĩnh vững vàng, có tâm và có tầm, hoàn toàn có thể kỳ vọng thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn, đô thị ấy được "xây dựng" vững vàng trên nền tảng của một cố đô - di sản với bản sắc văn hóa riêng có, bảo tồn được sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.